Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năng suất mía giảm mạnh, khó khăn chưa 'buông' doanh nghiệp đường
17 | 05 | 2019
Thời tiết dường như không ủng hộ ngành hàng này, chưa kể tồn kho ngày một tăng cao, nạn nhập lậu vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi khiến các doanh nghiệp đau đầu tìm lời giải cho bài toán kinh doanh...

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Trong đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất, sản lượng mía, sản lượng đường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên giảm tương ứng 13%, 22% và 23%.

Cũng theo VSSA, tháng 3 đường lậu vào nhiều và giá ở mức rất thấp. Tháng 4 tiếp nối có hai kì nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và nghỉ lễ 30/4-1/5 nhưng tiêu thụ đường trong tháng đạt mức thấp.

Tình hình càng trở nên ảm đạm hơn khi VSSA đưa ra dự báo niên vụ 2019 - 2020, sản lượng mía và đường giảm 5% so với niên 2018 - 2019 xuống lần lượt 13 triệu tấn và 1,25 triệu tấn.

Tính đến ngày 30/4, cả nước có 19/36 nhà máy đường (NMĐ) đã kết thúc vụ ép. Trong đó, 7/11 NMĐ ở miền Bắc, 5/14 NMĐ ở miền Trung – Tây Nguyên, 5/5 NMĐ ở Đông Nam Bộ và 2/5 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi trồng mía lớn nhất của cả nước. Tại tỉnh Gia Lai, những vựa mía lớn trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Pơ, Kông Chro, Kbang, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã An Khê, với quy mô lên đến 30.000 ha, đứng đầu diện tích vùng nguyên liệu trong toàn quốc.

Sản lượng đường trong tháng (từ 31/3 – 30/4/2019) đạt gần 230.000 tấn. Tuy nhiên, đường lậu vào nhiều và bán công khai rộng rãi. Giá bán buôn đường kính trắng đầu tháng 4 từ 10.200 – 10.800 đồng/kg, cuối tháng giá đường từ 10.400 – 10.800 đồng/kg (tăng 100 - 200 đồng/kg so với đầu tháng).

Lũy kế đến ngày 30/4, các nhà máy đã ép được hơn 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,1 triệu tấn đường. Đường sản xuất từ đường thô nhập khẩu hơn 193.612 tấn.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu niên độ 2018/2019 của một số doanh nghiệp mía đường lớn (tỉ đồng). Nguồn: Minh Đức tổng hợp

Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 3, bức tranh kinh doanh ngành mía đường của các doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận nhiều khởi sắc.

Tính riêng quí III, doanh thu thuần của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) đạt 2.506 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì niên độ trước. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 289 tỉ đồng, cao gấp đôi cùng kì.

Công ty cho rằng, lãi ròng trong quí tăng cao nhờ nguyên liệu đầu vào giảm, kiểm soát tốt chi phí sản xuất và doanh thu tài chính từ việc thanh toán các khoản mục đầu tư nhằm tái cơ cấu ngành đường.

Trong khi đó, CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) ghi nhận doanh thu thuần gần 248 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 8,2 tỉ đồng, gấp gần 4 lần cùng kì năm trước. Tuy nhiên, do quí II công ty lỗ gần 13 tỉ đồng nên lũy kế 9 tháng, Mía đường Lam Sơn vẫn phải chịu khoản lỗ 4,6 tỉ đồng.

Quí I/2019, CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) cũng ghi nhận hơn 2.000 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với quí I/2018. Lãi sau thuế của cổ đông ty mẹ đạt 154,6 tỉ đồng, giảm 17,8%.

Theo giải trình từ công ty, các sản phẩm như sữa đậu nành,nước khoáng… hiệu quả tăng trưởng trên 10% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm đường RS sụt giảm trước ảnh hưởng từ thị trường đường trong nước và thế giới, khiến giá bán bình quân sản phẩm này trong quí I giảm 12% cùng kì.

Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu mía vụ 2018-2019. Hiệu suất thu hồi đường thấp, hiệu quả sản xuất sản phẩm RS giảm xuống.

Ngoài ra, thời hạn ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của một số dự án đầu tư mới và mở rộng của công ty đã hết,thuế suất thuế doanh nghiệp của công ty cũng tăng lên so với cùng kì năm trước.

Năm 2019, công ty đặt kế hoạch đạt hơn 8.400 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hơn 199 tỉ đồng.

Tồn kho đường mỗi doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2019 (tỉ đồng). Nguồn: Minh Đức tổng hợp

Tại thời điểm 31/3, giá trị hàng tồn kho của Thành Thành Công - Biên Hòa vẫn ghi nhận hơn 3.226 tỉ đồng và mía đường Lam Sơn hơn 808 tỉ đồng. Trong khi đó, đường Quảng Ngãi ghi nhận khoảng 1.016 tỉ đồng.

Diễn biến cổ phiếu ngành đường từ đầu năm nay. Nguồn: VNDirect

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Thế nhưng, theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để doanh nghiệp và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.

Về giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành mía đường phải giải quyết được 4 vấn đề là giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu; nâng giá trị tối đa ở tất cả các nhóm sản phẩm; có chính sách phù hợp nhất với WTO; có sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, ngành mía đường không chỉ đơn giản là hạt đường mà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác. Đơn cử như bã mía, không chỉ để làm nguyên liệu phát điện mà có thể làm giá thể trồng nấm, rồi làm phân bón hữu cơ, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế có khi còn cao hơn rất nhiều giá trị từ hạt đường.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường