Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi buồn cây mía
03 | 07 | 2019
Tại ĐBSCL, nhiều nhà máy đường phá sản, đang bên bờ vực “bán sắt vụn”. Nhiều công ty đường cho công nhân nghỉ việc như sung rụng... Chưa bao giờ ngành mía đường đối diện những rủi ro bất trắc như lúc này.

Trong khi đó, hàng ngàn nông dân ĐBSCL nằm trong thế chẳng đặng đừng, tiếp tục trồng mía với hy vọng “ba vụ thất sẽ có một vụ trúng”. Cây mía và các nhà máy đường sẽ đi về đâu? Đó sẽ là câu hỏi còn ám ảnh trong vài năm tới đây!

Ba vụ thất, một vụ trúng

Thời hoàng kim, ĐBSCL có gần 100.000ha mía, nay chỉ còn khoảng 35.000ha. Hiện tại, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được xem là nơi còn lại vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với 6.700ha (lúc cao điểm gần 15.000ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn/năm).

Anh Trương Văn Hiền, nông dân lâu nay bám trụ với cây mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp bày tỏ: “Thấy nông dân ban liếp mía, chuyển sang trồng chanh không hạt, chúng tôi cũng sốt ruột. Nhưng sổ đỏ thì nằm trong ngân hàng, tiền đâu để đầu tư ban liếp trồng chanh, tiền đâu để mua phân bón, mà phải mất vài năm mới thu hoạch. Thôi thì trồng mía tiếp với hy vọng “ba vụ thất, sẽ có một vụ trúng”. Hy vọng là thế, nhưng thật sự rất lo.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của nông dân trồng mía. Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện chỉ giữ lại khoảng 5.000ha mía. Hiện huyện đã chủ động hỗ trợ 100% cây giống cho nông dân trồng mía chuyển sang trồng 100ha chanh không hạt. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích nông dân chuyển sang trồng khóm giống MD2. Tất cả đều có doanh nghiệp bao tiêu”.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp hiện nay chưa thể chuyển đổi cây mía sang trồng các loại cây khác là do không đủ nguồn lực tài chính, một bộ phận khác đã quen trồng mía nên còn ngán ngại chuyển đổi…

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp hiện nay đang tập trung các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi và chỉ giữ lại diện tích mía trong vùng có đê bao, nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường trên địa bàn.

Cần một cuộc “giải phẫu”

Giá mía, giá đường cùng tuột dốc, kéo theo vùng mía nguyên liệu ở Cà Mau, Kiên Giang giảm mạnh liên tiếp trong nhiều năm qua. Đây cũng là lý do hai nhà máy đường trên địa bàn phải đóng cửa và bán luôn thiết bị. Vụ sản xuất mía năm 2019 đang khép lại với nỗi buồn cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Trước đây, ĐBSCL có 10 nhà máy đường nhưng hiện nay đã có 4 nhà máy đóng cửa - mới nhất là ở Bến Tre. Trong số 6 nhà máy đường còn lại, nhiều khả năng sẽ có thêm 2 nhà máy sẽ khó hoạt động trong vụ tới, do vùng nguyên liệu đang giảm mạnh. Hiện nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi được xác định “gây ra ô nhiễm nghiêm trọng trên sông ở thị xã Long Mỹ và bị đoàn thanh tra của Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) thanh tra”.

Mới đây, Đoàn công tác Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đến làm việc tại huyện Phụng Hiệp và Công ty Casuco, khảo sát, nắm tình hình hoạt động, sản xuất cũng như những khó khăn về tiêu thụ đường thời gian qua. Đại diện Công ty Casuco cho biết: Niên vụ năm 2018-2019, sản lượng của 2 nhà máy đều giảm so với vụ trước đó, giảm 37,7% sản lượng ép mía và giảm 43,5% lượng đường sản xuất.

Nguyên nhân do giá mía thấp, người dân bỏ mía chuyển sang cây trồng khác; giá thành sản xuất cao nên khó cạnh tranh với đường nhập khẩu và đặc biệt phải đối đầu với đường lậu giá thành rất rẻ. Dự báo trong thời gian tới 2 nhà máy đường của công ty sẽ thiếu nguyên liệu ép mía vì diện tích giảm, hiện chỉ còn hơn 6.000ha, tương đương khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngành mía đường phải xác định rõ mục tiêu sản xuất như thế nào để cùng địa phương quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu, khuyến cáo người dân tiếp tục trồng mía cung cấp đủ sản lượng sản xuất. Về phía đoàn, sẽ có công văn gửi Quốc hội để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho ngành mía đường giúp nông dân tiếp tục duy trì nghề trồng mía.

Theo một lãnh đạo trong ngành mía đường, việc khai tử các nhà máy đường thiếu năng lực là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức trong quá trình hội nhập. Nhưng cần phải có những giải pháp căn cơ để 1 triệu lao động trong ngành mía đường có sinh kế ổn định.

"Trong cuộc họp hội đồng quản trị mới đây, chúng tôi đã quyết định tạm dừng hoạt động của Nhà máy đường Vị Thanh trong niên vụ 2019-2020 để tập trung vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường Phụng Hiệp. Sau đó, chờ những giải pháp để cứu ngành mía đường, chúng tôi mới đưa ra quyết định tiếp theo", một thành viên trong Công ty Casuco cho biết.

Cũng theo vị này, buôn lậu đường hoành hành, những tác động của quá trình hội nhập đang tăng thêm áp lực cho ngành mía đường tại khu vực ĐBSCL. Mặt khác, tồn kho từ các năm trước cộng dồn khiến DN chịu áp lực; tình trạng đường nhập lậu tràn lan số lượng lớn, giá rẻ; một số đối tác lớn của các nhà máy chuyển sang sử dụng đường lỏng thay đường kính, vì đường lỏng có giá tốt hơn do hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng



Báo cáo phân tích thị trường