Ngày 1-8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp là cấp thiết
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh mới, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ cần đổi mới hơn, bởi các cơ chế, chính sách thay đổi đều gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Đáp ứng yêu cầu mới đó, Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết nhằm tạo bước chuyển mới trong hoạt động khoa học công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Sẽ có sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về: quản lý, tổ chức bộ máy và cán bộ, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản, đất đai. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất; tạo động lực mới, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị khoa học công nghệ công lập.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thời gian qua, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện, trường đã được ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, như: giống cây trồng và vật nuôi, quy trình công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Các viện, trường đã có sự phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương hay thông qua các mô hình khuyến nông đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhanh chóng chuyển giao, phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, bà Thủy cho rằng hoạt động khoa học công nghệ còn gặp khó khăn. Cụ thể, vẫn còn các sản phẩm khoa học trình độ thấp, công nghệ bảo quản chế biến yếu dẫn đến thất thoát cao, việc chuyển giao công nghệ sản xuất còn hạn chế. Các văn bản quản lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, cơ chế chính sách chậm đổi mới…
Hoạt động tổ chức khoa học và công nghệ thiếu liết kết giữa các doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình tự chủ chậm; hạn chế tự chủ tổ chức, nhân lực và tài chính. Văn bản hướng dẫn tự chủ chưa đồng bộ, sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa hiệu quả…
Hội thảo “Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sáng 1-8.
Rút ngắn thời gian đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất
Để việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các đơn vị chuyển sang pha mới trong thời gian tới bà Thủy cho rằng cần nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới và tiếp cận các công nghệ mà thế giới đã phát triển thành công để tiếp cận, ứng dụng nhanh vào sản xuất nông nghiệp.
Đa dạng hình thức hợp tác đa phương với các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học quốc tế. Tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đổi mới tổng thể từ tổ chức cán bộ, quản lý khoa học công nghệ, quản lý tài chính, tài sản và đổi mới phương thức quản lý để ngân sách sự nghiệp khoa học đầu tư cho các đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị khoa học công nghệ để các đơn vị có thể triển khai các nghiên cứu, chuyển giao nghiên cứu của mình thông qua sự phối hợp với các doanh nghiệp. Từ đó, đưa những khoa học công nghệ đi vào thực tiễn sản xuất nhanh hơn.
Về việc ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên một sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp vừa là đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra của sản xuất. Thông qua doanh nghiệp, các công nghệ sẽ được chuyển giao vào sản xuất, tới nông dân nhanh hơn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.