Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất phân bón phải đáp ứng 4 điều kiện
25 | 11 | 2019
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón. Trong đó, Nghị định quy định rõ việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.

Nghị định quy định chi tiết điều kiện sản xuất phân bón như sau:

1- Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có nhà xưởng kết cấu vững chắc; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng;

2- Dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất phân bón phải phù hợp với quy trình sản xuất từng loại phân bón, dạng phân bón quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

3- Có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón;

4- Có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

Nghị định quy định cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 10 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (Giấy chứng nhận) phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ngay sau khi cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận.

Các trường hợp bị thu Giấy chứng nhận

Nghị định nêu rõ, cơ sở sản xuất hoặc buôn bán phân bón bị thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau: Sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế làm sai lệch bản chất của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin vi phạm ở trên, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tổ chức thẩm định thông tin và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận khi cơ sở sản xuất hoặc buôn bán phân bón vi phạm một trong các quy định ở trên; đăng tải quyết định trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành quyết định.

Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận chỉ được xem xét tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận sau 24 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ việc nhập khẩu phân bón, kiểm tra Nhà nước về nhập khẩu phân bón, lấy mẫu và quảng cáo phân bón. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón phải thực hiện theo quy định tại Điều 44 và Điều 46 Luật Trồng trọt.

Trường hợp ủy quyền nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền phải xuất trình giấy ủy quyền của tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam cho cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra nhà nước.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp (trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia) cho cơ quan Hải quan: Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và điểm b, c, g khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt; Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với trường hợp quy định khoản 2 Điều 44 Luật Trồng trọt.

Nguồn: Baohaiquan.vn



Báo cáo phân tích thị trường