Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực Tây Nguyên
17 | 12 | 2019
Du lịch nông nghiệp đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường về tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Đây là một hình thức phát triển giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và các vùng nông thôn thông qua việc trải nghiệm lưu trú (homestay), lao động trải nghiệm (làm nông)… hoặc hưởng thụ trực tiếp các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại đồng quê.

Du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là thuật ngữ chỉ hoạt động tham quan, trải nghiệm trang trại hoặc các quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Du lịch NNUDCNC là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng và triển vọng tại khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên đa dạng, nhiều tiểu vùng khí hậu đan xen thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp đa dạng, với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa, quả xứ lạnh, cà phê, chè Ô Long, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm… Đến nay, vùng Tây Nguyên đã hình thành các vùng NNUDCNC như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum. Kon Tum hiện đang hình thành các vùng NNUDCNC như vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại khu du lịch sinh thái Măng Đen (3.000ha); vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn quốc tế mang thương hiệu “cà phê Đăk Hà” (500ha); vùng chăn nuôi gia súc tập trung và nuôi cá nước ngọt huyện Ia H’Drai (2.000ha); vùng sản xuất sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng với diện tích có khả năng phát triển lên đến 16.988ha…

Tại Lâm Đồng đã có trên 50% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng công nghệ cao, 25% diện tích chè được ứng dụng công nghệ cao, 11% diện tích cà phê được chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao; một số sản phẩm nông nghiệp như lúa cao sản, bò sữa và thủy sản cá nước lạnh đang từng bước được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, Lâm Đồng đã thu hút 67 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC với tổng vốn đầu tư khoảng 4.640 tỷ đồng (chiếm 35,26% nguồn lực thực hiện). Với tiềm năng và hiện trạng phát triển nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên, việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp NNUDCNC sẽ tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đóng góp tích cực cho phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên.

Theo tìm hiểu tại một số cơ sở sản xuất NNUDCNC trong vùng Tây Nguyên, có ít cơ sở tổ chức hoạt động du lịch như một khu, điểm du lịch thuần túy. Đa số cơ sở mới chỉ dừng ở việc cung cấp các dịch vụ du lịch bổ sung, không bán vé tham quan mà chỉ bán nông sản, đặc sản do cơ sở sản xuất, ví dụ như vườn café chồn Mê Linh, trại nấm Hoàng Dũng, cơ sở nấu rượu gạo Cát Tường, trang trại sản xuất tơ tằm Cường Hoàng tại Lâm Hà, khu du lịch Hiệp Lực tại phường 8 Đà Lạt, trang trại cà phê chồn Trại Hầm… Các hoạt động du lịch NNUDCNC cũng chỉ mới hình thành gần đây nên còn hạn chế về dịch vụ và hoạt động dành cho du khách. Một số làng hoa (Cẩm tú cầu, vườn hoa Thái Phiên, hoa hướng dương, hoa lan, hoa xương rồng…), một số mô hình trồng cây ăn quả như (dâu tây, phúc bồn tử, sầu riêng, ổi tím…), một số mô hình trồng dược liệu quý (nấm Đông trùng hạ thảo, nấm Linh chi, sâm Ngọc Linh, sâm Đảng, ba kích tím…) đã tổ chức đón khách tham quan nhưng chưa hình thành mô hình du lịch NNUDCNC hoàn thiện để thai thác…

Để có thể khai thác hiệu quả NNUDCNC cho hoạt động du lịch, các tỉnh Tây Nguyên cần xác định rõ thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, khu vực. Trên cơ sở đó đưa ra định hướng cụ thể để các hộ gia đình, nông trại, trang trại… chủ động xây dựng sản phẩm du lịch NNUDCNC phục vụ khách. Một số sản phẩm du lịch có thể tổ chức nhằm khai thác hiệu quả NNUDCNC tại khu vực Tây Nguyên có thể là du lịch gắn với tham quan trải nghiệm tại các trang trại sản phẩm nông nghiệp ứng dụng KHCN như tìm hiểu quy trình trồng dâu tây thủy canh, nhân giống phúc bồn tử; tổ chức cho khách du lịch thực hiện các công đoạn gieo trồng, chăm bón, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp như một người nông dân; du lịch gắn với sinh thái - nghỉ dưỡng tại các khu vực sản xuất NNUDCNC có cảnh quan, khí hậu phù hợp; du lịch gắn với ẩm thực trên cơ sở sản phẩm NNUDCNC; du lịch gắn với nghiên cứu tìm hiểu các công đoạn, quy trình, kiến thức công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp; du lịch gắn với mua sắm sản phẩm NNUDCNC; du lịch lễ hội gắn với hoạt động NNUDCNC…

Mặt khác, cuộc sống của người dân làm nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên cũng có những nét rất riêng. Những đặc điểm riêng biệt về tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn gốc tạo cho người dân vùng Tây Nguyên một phong cách sống thanh lịch và hiền hòa, hòa mình vào thiên nhiên… cũng là điểm nhấn thú vị đối với khách du lịch.

(http://baodulich.net.vn/)



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường