Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu lợi khá từ trồng ca cao xen điều
13 | 01 | 2020
Xuất phát từ kinh nghiệm làm nông nghiệp lâu năm kết hợp tìm hiểu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều nông dân tại huyện Trảng Bom đã triển khai thành công với mô hình trồng ca cao xen điều, cho lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng điều đơn thuần.

Hiện tại, mô hình trồng ca cao xen điều đang tiếp tục được nhân rộng ở nhiều xã. Lợi thế của mô hình này là phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nằm trong dự án cánh đồng lớn, được tỉnh hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu và có doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu đầu ra.

Sử dụng đất hiệu quả hơn

Huyện Trảng Bom là một trong 3 địa phương có diện tích cây điều lớn của tỉnh. Đặc điểm của vùng trồng điều ở huyện là đất khô cằn, nguồn nước mặt hiếm, các loại cây ngắn ngày và cây ăn quả khác không phát triển được. Do đó, từ nhiều năm nay, người dân đã trồng điều và xem đây là cây trồng lấp chỗ trống cho đất hoặc “cây xóa đói giảm nghèo”. So với các loại cây ăn quả khác, cây điều có giá trị kinh tế thấp hơn và thu nhập từ loại cây này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường do người dân không thể tự chế biến hoặc tích trữ để bán.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, bằng kinh nghiệm làm nông nghiệp và thông qua tìm hiểu các mô hình nông nghiệp mới, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn trồng xen cây ca cao trong vườn điều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư và đem lại thu nhập kép.

Là người tiên phong trồng ca cao xen điều ở xã An Viễn, ông Nguyễn Văn Thu (ấp 4) cho biết, từ thực tế trồng điều lâu năm nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, qua kinh nghiệm học tập được qua các chuyến đi do Hội Nông dân huyện tổ chức và được doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu đầu ra, năm 2017, ông bắt tay trồng ca cao xen điều. Được Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ vốn và cây giống, ông đã mạnh dạn trồng xen ca cao vào 3 hécta điều. Thấy cây ca cao cho thu nhập khá, cây điều trở nên xanh lá, hoa trổ nhiều hơn, hạt to mẩy hơn, ông quyết định nhân rộng mô hình.

Hiện tại, ông Thu có gần 10 hécta ca cao xen điều. Vườn ca cao xen điều sớm nhất đã sang năm thứ 4 và cho năng suất gần 20 tấn/hécta. Trong đó, năng suất điều tăng lên khoảng 0,5 tấn/hécta ngay từ vụ đầu tiên do được hưởng nước tưới, phân bón trong quá trình chăm sóc cây ca cao. Với giá bán 6,2 ngàn đồng/kg ca cao và khoảng 30 ngàn đồng/kg hạt điều, trung bình mỗi năm ông Thu thu về khoảng 250 triệu đồng/hécta trồng xen, gấp 3 lần trồng điều đơn thuần.

“Theo tính toán của doanh nghiệp bao tiêu, năng suất ca cao từ năm thứ 7 trở đi sẽ đạt khoảng 30 tấn/hécta, khi đó lợi nhuận sẽ tăng lên. Lợi nhuận và đầu ra thuận lợi là hai yếu tố giúp tôi có động lực xen canh” - ông Thu nói.

Tìm hướng đi mới cho điều

Bên cạnh việc thí điểm và nhân rộng mô hình xen canh trên diện tích vườn điều lâu năm, thực hiện Dự án cải thiện năng suất cho điều và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, các hộ trồng điều ở huyện Trảng Bom đã mạnh dạn cưa bỏ vườn điều già cỗi, trồng giống mới, ghép cải tạo giống trên các vườn điều cổ thụ, trồng xen canh các loại cây ăn quả vào vườn điều. Nhờ đó, năng suất điều được cải thiện, những người trồng điều yên tâm đầu tư, chăm sóc vườn.

Ông Lê Văn Bốn (ấp 3) cho biết, vườn điều nhà ông đã hơn 20 năm tuổi nên khá già cỗi. 4 năm trước, ông mạnh dạn thí điểm ghép chồi trên diện tích 8 sào điều. Ngay vụ đầu, các cành ghép đã ra trái, hạt to đều và sang năm thứ 2 cho thu hoạch với năng suất vượt trội so với vườn điều cũ. “Ngoài năng suất tăng gấp 2 lần, vườn điều còn được “trẻ hóa” mà không phải tốn chi phí, công sức trồng lại” - ông Bốn cho hay. Hiện tại, gia đình ông Bốn có 1,5 hécta điều ghép, năng suất bình quân đạt 3 tấn/hécta, mỗi năm thu về khoảng 100 triệu tiền lời.

Theo ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ An Viễn, xã An Viễn là địa phương có diện tích cây điều lớn nhất huyện. Thực hiện Dự án ghép cải tạo vườn điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tài trợ và hướng dẫn, đến nay hơn 40% diện tích điều (khoảng 500 hécta) trên địa bàn xã đã được ghép cải tạo giống. Điều ghép cho năng suất vượt trội, khoảng 3 tấn/hécta, còn nếu trồng mới các giống điều cao sản, năng suất có thể đạt 4 tấn/ hécta. Không chỉ cho năng suất vượt trội, chất lượng hạt điều cũng tốt hơn. Điều khác biệt nữa là điều ghép cho thu hoạch sớm, bán được giá nên lợi nhuận cao hơn.

“So với giống điều cũ cho năng suất thất thường, điều ghép cho năng suất ổn định hơn, chất lượng hạt to và đều hơn hẳn. Vài năm trở lại đây, chúng tôi thu mua điều của xã viên và bán cho cơ sở chế biến hạt điều ở huyện Long Thành với giá trên dưới 30 ngàn đồng/kg” - ông Giang nói.

Liên quan dự án trồng ca cao xen điều, ông Giang cho rằng mô hình này rất hiệu quả, cả điều và ca cao đều cho năng suất cao, được các doanh nghiệp bao tiêu cả 2 mặt hàng này nên nông dân rất phấn khởi và đang tiếp tục mở rộng diện tích.

Những người thực hiện mô hình trồng ca cao xen điều cho rằng, do đặc tính của cây ca cao là có thể phát triển dưới tán cây khác nên khi trồng xen trên diện tích cây điều thì vừa giảm được chi phí đầu tư phân bón, nước tưới, vừa nâng cao giá trị sử dụng đất lại cho thu nhập kép. Hiện tại, huyện Trảng Bom có khoảng 150 hécta ca cao xen điều, trong đó khoảng 1/2 diện tích ca cao đang cho thu hoạch. Các xã có diện tích trồng xen lớn là An Viễn, Trung Hòa. Theo kế hoạch phát triển cây trồng và thực hiện dự án cánh đồng lớn, trong năm 2020, diện tích ca cao xen điều sẽ tăng thêm khoảng 100 hécta nữa.

Theo báo Đồng Nai



Báo cáo phân tích thị trường