1. Thị trường xuất khẩu lớn
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan năm 2005 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt xấp xỉ 30 triệu USD, tăng gần 9 triệu USD so với năm 2005. Trong năm 2006 và những hai tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này luôn giữ ở mức cao và quá trình xuất khẩu đến thị trường này được đánh giá là có nhiều thuận lợi.
Ngoài ra, Đài Loan còn là thị trường trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Đông Á. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với các mặt hàng chủ yếu như cải bắp, dưa chuột, cà chua, nấm, chuối, thanh long, vải và xoài.
2. Hoạt động sản xuất tại Đài Loan
Về rau: Hầu hết rau sản xuất ở Đài Loan là phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Năm 2002 khoảng 179.500 hecta đất canh tác được sử dụng trong việc trồng rau tập trung chủ yếu tại các tỉnh Vân Lâm, Trương Hoa, Đài Nam và Chiayi. Sản lượng rau khoảng 3.462.000 tấn với năng suất trung bình khoảng 19.300 kg/hecta.
Các loại được trồng chủ yếu tại Đài Loan bao gồm: măng tre, dưa hấu, nấm, các loại rau ăn lá, bắp cải, đậu tương, dưa đỏ. Hiện nay ở Đài Loan trồng hơn 100 loại rau. Các loại hành, bắp cải tàu, mù tạt và tỏi phù hợp với vùng khí hậu mát mẻ ở miền bắc Đài Loan, còn ở miền nam chủ yếu trồng các loại như cà chua, súp lơ, măng tre và các loại đậu.
Các loại rau tươi được nhập khẩu nhiều nhất là súplơ xanh, súplơ trắng, bắp cải và bắp cải tàu. Đài Loan chủ yếu nhập các loại rau từ Hoa kỳ, Trung Quốc và Việt Nam.
- Về Quả: Đài Loan hiện trồng hơn 30 loại cây ăn quả trong đó các loại như táo, lê, đào được trồng tại các vùng cao, còn các loại cam quýt, chuối, dứa, vải, nhãn, xoài, đu đủ, hồng, sơn trà, ổi được trồng ở các vùng đồng bằng và các vùng đất không bằng phẳng hoặc địa hình dốc. Các loại quả được trồng nhiều nhất là cam quýt, xoài, vải, chuối, dứa, táo, lê. Sản lượng quả năm 2002 của Đài Loan đạt 2,69 triệu tấn trên tổng diện tích canh tác là 221.775 hecta.
Ngành sản xuất rau quả Đài Loan phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại rau quả nhập khẩu kể từ khi thuế nhập khẩu đối với các loại rau quả được giảm hoặc miễn hoàn toàn. Để cạnh tranh được, nông dân Đài Loan đã áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăm sóc cây trồng nhằm hiện đại hoá các hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Ngành sản xuất trái cây của Đài Loan đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển và mang lại lợi nhuận cao. Các vườn cây ăn quả cũng được đa dạng hoá thành các khu du lịch sinh thái nhà vườn.
Các loại quả được nhập khẩu nhiều nhất là táo và lê. Tuy nhiên, nho là loại quả có mức tăng nhập khẩu cao nhất. Đài Loan nhập hoa quả chủ yếu từ Hoa Kỳ.
- Về Hoa: Trong những năm gần đây, với sự đa dạng của các loài hoa, ngành trồng hoa ở Đài Loan đã thực sự khởi sắc. Giá trị sản lượng năm 2002 đạt 314 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 43,2 triệu USD. Năm 2002, khoảng 11.600 hécta đất canh tác được sử dụng cho trồng hoa. Diện tích trồng hoa thường được dành một nửa cho việc trồng hoa cắt cành xuất khẩu, một nửa còn lại để trồng hoa lan và làm vườn ươm. Tuy không phải là một nước có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, Đài Loan đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hoa lan lớn nhất thế giới. Các thị truờng xuất khẩu hoa chủ yếu của Đài Loan là Nhật Bản, Hồng kông, Hoa Kỳ và Hàn quốc.
3. Các quy định về nhập khẩu
a. Chính sách thuế và phi thuế
Sau khi gia nhập WTO, Đài Loan đã thực hiện mở cửa thị trường nông sản theo các cam kết WTO. Do việc cấm nhập khẩu không phù hợp với các nguyên tắc của WTO về không phân biệt đối xử nên 18 loại sản phẩm nông nghiệp bị cấm trước đây sẽ được nhập khẩu mà không có các hạn chế phi thuế, trong đó có các sản phẩm rau quả như: quả mâm xôi, vải, cam, chanh và các loại cam chanh, bưởi, nho, đào, mận, táo, các loại quýt tươi, khoai tây, đu đủ. Mức thuế áp dụng cho các sản phẩm này dao động từ 20 đến 40%.
Các loại rau quả như lê, tỏi củ, hạt trầu không, đậu adzuki, nấm khô, bưởi, nho khô và quả nho, dừa non, chuối, dứa, xoài, hồng, hoa lys khô được nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan. Hạn ngạch nhập khẩu sẽ chiếm từ 4 đến 8% lượng tiêu thụ trong nước hoặc cao hơn và mức thuế sẽ bằng 50% mức hiện tại. Ngoài ra khối lượng hàng nhập khẩu sẽ không bị hạn chế đối với số hàng nhập vượt quá hạn ngạch tuy nhiên sẽ phải chịu mức thuế cao hơn so với các loại hiện có trong hạn ngạch tùy theo sự chênh lệch về giá sàn giữa thị trường trong nước và nước ngoài và tuỳ vào kết quả đàm phán song phương với các quốc gia liên quan.
Về chính sách phi thuế, Đài Loan áp dụng chủ yếu là hạn ngạch và các loại giấy phép. Đài Loan thực hiện chính sách phân biệt trong nhập khẩu, chỉ nhập khẩu từ một số nước nhất định. Ví dụ như táo và cam chỉ nhập từ Hoa Kỳ và New Zealand, dừa nhập từ Malaysia và Philippines. Việt Nam chưa được ưu tiên trong việc chỉ định thị trường nhập khẩu nên nhiều mặt hàng Việt Nam không xuất khẩu được sang Đài Loan. Điểm khó trong chính sách phi thuế của Đài Loan là các biện pháp hạn chế chỉ được quy định một cách chung chung mà không chi tiết hoá cho từng mặt hàng cụ thể như nhiều nước khác dẫn đến sự không minh bạch khi áp dụng.
Từ 2004, Bộ Tài chính Đài Loan đã ra thông báo giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số sản phẩm rau quả như súp lơ, cải bắp, cải trắng, su hào, cải xanh... từ 20% xuống còn 10%. Những nước được hưởng mức thuế này bao gồm các nước thành viên WTO và các nước có đãi ngộ tối huệ quốc, trong đó có Việt Nam.
b. An toàn thực phẩm và vệ sinh dịch tễ
Cục tiêu chuẩn đo lường và kiểm định Đài Loan bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn mới đối với dung lượng thuốc trừ sâu vào tháng 6 năm 1999. Ngoài một số loại thuốc trừ sâu được cho phép với mức dư lượng quy định, các loại thuốc trừ sâu khác không được phép tồn tại trong rau quả nhập khẩu. Các loại rau quả xuất khẩu không đáp ứng được các tiêu chuẩn trên sẽ không được phép đưa vào Đài Loan.