“VỊ ĐẮNG" HẠT ĐIỀU
2 năm liền mất mùa, ông Đỗ Ngọc Quyền ở thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng “ngấm" với sự được, mất của cây điều. Nhưng năm nay, thời tiết khu vực Phước Thịnh thuận lợi nên cây điều ra bông và cho thu sớm, trước tết Nguyên đán. “Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu hơn 5 tấn, trong khi năm trước chỉ được 3 tấn. Hiện vườn điều của nhà tôi đã vào cuối vụ nhưng mỗi ngày vẫn thu từ 30-40kg. Điều được mùa nhưng giá thấp, đầu vụ ở mức 27-28 ngàn đồng/kg, đến cuối vụ chỉ còn 16 ngàn đồng/kg khiến người trồng điều không khỏi thấp thỏm lo âu" - ông Quyền chia sẻ.
Không được may mắn như hộ ông Quyền và các nông hộ trồng điều khác ở thôn Phú Thịnh, năm nay các hộ trồng điều ở thôn 12, xã Long Hà (Phú Riềng) lại “nhàn rỗi" mặc dù đang mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Viết Huy cho biết: Năm nay vườn điều của gia đình tôi cho thu hoạch muộn, thời điểm điều ra bông và trái non đợt đầu tiên gặp cơn mưa trái mùa nên bị hư hết 80%. Khi điều ra bông đợt 2 thì gặp nắng nóng nên bị cháy hư hết bông. 2 ha điều nhưng mỗi ngày gia đình tôi chỉ thu được khoảng 20kg, mặc dù đã đầu tư chi phí chăm sóc, bón phân và xịt thuốc hết hơn 20 triệu đồng. Vụ điều năm nay thu không đủ bù chi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ vựa thu mua điều lâu năm ở thôn 12, xã Long Hà cho biết: Các vườn điều ở khu vực thôn 12, do ảnh hưởng thời tiết nên cho thu hoạch muộn hơn những nơi khác. Hiện một số nơi đã gần hết vụ thu hoạch nhưng ở đây điều chỉ mới bắt đầu vào chính vụ. Mỗi ngày, cơ sở của tôi cũng chỉ thu mua được khoảng 2 tấn, trong khi vụ điều năm ngoái tôi mua hơn 4 tấn/ngày. Không riêng cơ sở tôi mà các điểm thu mua khác cũng giảm số lượng mua hằng ngày so với các năm trước.
1KG HẠT ĐIỀU = 1KG RAU
Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh ở thôn 9, xã Long Hà cho biết: Hiện vườn điều nhà tôi mới bắt đầu chín rộ, mỗi ngày thu trên 1 tạ. Điều chính vụ vừa chín rụng là thu hoạch nên hạt trắng đẹp, không bị thâm, sâu nhưng các vựa thu mua đang tính theo giá điều cuối vụ. Vì những vườn cho thu hoạch sớm bây giờ không còn điều chín, đẹp mà chỉ còn điều khô, điều non do bị ảnh hưởng các đợt mưa, nắng nên chín ép, những hạt điều này về chất lượng không đẹp và tỷ lệ nhân không cao.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Sau khi giá điều tụt dốc chỉ còn 14,5 ngàn đồng/kg thì đến chiều 4-4-2020 tăng lên 17 ngàn đồng/kg. Cũng là người trồng điều với diện tích 4 ha, tôi nhận thấy với giá này thì nông dân vẫn là người “cầm đằng lưỡi", công chăm sóc, đầu tư bao nhiêu cũng không thể chống chọi với đợt nắng kéo dài hoặc cơn mưa trái mùa vào đúng lúc cây điều đang ra bông và trái non.
Xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 2.400 ha điều, đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Để có đầu ra ổn định, các hộ trồng điều trong xã đã liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) điều sạch theo chuẩn hữu cơ Organic.
“Thuê nhân công thu hoạch mùa này rất khó vì vụ điều và tiêu chín cùng lúc. Tôi đang trả công nhặt 4.000 đồng/kg nhưng giá bán hạt điều chỉ được 12-14 ngàn đồng/kg, tính ra nông dân mất 25kg hạt điều để trả 1 ngày công thu hoạch. Nhiều nông hộ trồng điều ví von giá 1kg hạt điều chỉ tương đương giá 1kg rau ăn lá đang bán tại chợ khiến vụ điều tưởng “ngọt" lại hóa “đắng". - Bà TRẦN THỊ YẾN, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập
Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập chia sẻ: HTX có trên 500 ha trồng theo chuẩn hữu cơ, trong đó hơn 80% là các hộ dân tộc thiểu số. Những năm trước, HTX ký hợp đồng với Công ty Việt Hà ở thị xã Thuận An (Bình Dương) thu mua toàn bộ điều với giá cao hơn 1.000 đồng so với giá thị trường. Sau khi kết thúc mùa vụ, nông dân còn được công ty bù giá 500 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay Công ty Việt Hà ngưng thu mua do đang mở rộng nhà máy nên thành viên HTX phải bán cho thương lái với giá bấp bênh. Giá điều thấp nhưng đa số nông dân không dám phơi tích trữ vì không biết thị trường diễn biến thế nào. Trong điều kiện giá nông sản thấp, nông dân mong Nhà nước hỗ trợ vốn vay hoặc giãn thời gian trả nợ ngân hàng để người trồng điều có vốn tái đầu tư cho vụ sau.
DOANH NGHIỆP CẨN TRỌNG
Mặc dù giá nguyên liệu rẻ nhưng doanh nghiệp chế biến điều trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn vì xuất khẩu mặt hàng này hầu như đình đốn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thị trường Trung Quốc hầu như không có giao dịch, các thị trường khác cũng trầm lắng. Điều đó khiến việc xuất hàng trở nên khó khăn, doanh nghiệp chế biến thận trọng trong tổ chức sản xuất.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhân điều đạt hơn 54 ngàn tấn, trị giá gần 376 triệu USD, tăng 13,31% về lượng nhưng giảm 3,61% về giá trị so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, do dịch Covid-19, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt gần 2.300 tấn, trị giá hơn 15 triệu USD, giảm 65,46% về lượng và 71,56% về giá trị. Trước tình hình đó, mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD nhân điều trong năm nay sẽ được Vinacas điều chỉnh xuống. Vinacas đã khuyến cáo các hội viên và doanh nghiệp điều cần cẩn trọng trong các giao dịch tại thời điểm này.
Chị Bùi Thị Hậu, chủ cơ sở sản xuất điều rang muối Hải Nam ở thôn Thanh Long, xã Long Hà cho biết: Gia đình tôi có 3 nhà xưởng chế biến hạt điều với 90 công nhân. Nhưng nay do ít có đơn đặt hàng nên cơ sở đành phải giảm 60 lao động và chỉ gia công chưa đến 1 tấn hạt điều/ngày. Từ sau tết Nguyên đán 2020, cơ sở hoạt động cầm cự vì không có lợi nhuận, đơn hàng ngày càng ít, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng giảm sút. Mặc dù ký được vài lô hàng nhưng vẫn không xuất được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi tháng cơ sở đang bán ra thị trường trên 60 tấn điều rang muối cho các đối tác nước ngoài là Đài Loan và Trung Quốc nhưng nay nhu cầu tiêu thụ giảm nên chỉ xuất được 15 tấn. Không chỉ cơ sở sản xuất điều rang muối Hải Nam mà nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều trong tỉnh cũng đang sản xuất cầm chừng vì khó dự đoán khi nào thị trường xuất khẩu mới khởi động trở lại.
Theo số liệu của Cục Thống kê, diện tích điều toàn tỉnh là 137.368 ha, sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt 125.000 tấn, tăng 11,61% so cùng kỳ. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương có diện tích điều nhiều cần nghiên cứu liên kết chế biến sản phẩm trong nước hoặc đa dạng hóa sản phẩm từ hạt điều; khuyến khích người trồng điều xây dựng chuỗi liên kết điều bền vững an toàn, hướng tới quy trình HACCP để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình đồng hành với nông dân trồng điều như: Hỗ trợ kỹ thuật tái canh vườn điều bằng các giống mới thay thế những diện tích điều già cỗi để tăng năng suất; thành lập các hợp tác xã tạo sự liên kết giữa các nhà nông, đồng thời giúp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành điều. Khó khăn và thay đổi của thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng nông dân có thể làm chủ được năng suất cây điều, vì vậy nên đầu tư chăm sóc tái canh vườn điều sau khi kết thúc vụ điều 2020 để nâng cao năng suất trong vụ mùa tới.
“Thời tiết năm nay nắng nóng, khô hanh khiến cây điều không đủ nước, bông khô, một số diện tích xuất hiện sâu bệnh, bọ trĩ gây hại nhưng ở mức độ nhẹ. Điều này có ảnh hưởng đến năng suất cây điều. Năng suất điều năm nay trên địa bàn tỉnh bình quân từ 1,4-1,5 tấn/ha, trong khi năm 2019 chỉ đạt 1,02 tấn/ha. Năm 2020, giá điều thấp hơn so với năm 2019, do một số nguyên nhân như: ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu đang khó khăn do ảnh hưởng của thế giới, giá nhân điều thấp nên các doanh nghiệp thu mua cầm chừng.” - Bà LÊ THỊ ÁNH TUYẾT, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Báo Bình Phước