Trước khi Covid-19 bùng phát, Mỹ, Trung Quốc, EU là 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, Chính phủ Mỹ và EU đang áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng, như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này đã làm đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị hủy bỏ.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhiều đơn hàng xuất khẩu điều đang bị cắt giảm, chậm thanh toán, thậm chí bị hủy. Một số đối tác đang yêu cầu các nhà máy giao sớm nhất có thể với những đơn hàng cũ, còn đơn hàng mới hầu như không được ký kết.
Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu điều trong quý I/2020 giảm 69,53%, tháng 2 giảm 77,03%, tháng 3 giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá thị trường này, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, đối với ngành điều, Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng hiện vẫn siết chặt, nên ảnh hưởng tới giá cả và lượng hàng xuất khẩu.
Do hầu hết thị trường lớn đều gặp khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành chế biến hạt điều đang sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều thô rất dồi dào, Việt Nam đang trong thời gian thu hoạch rộ, nên giá điều giảm mạnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá hạt điều thô trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá hạt điều thô tại tỉnh Đồng Nai trong tháng 3/2020 được thương lái thu mua ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với cuối tháng trước đó.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu điều và tiêu thụ nội địa. Theo ông, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong năm 2020 chắc chắn sẽ giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch.
“Kế hoạch 4 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 của ngành điều Việt Nam sẽ phải điều chỉnh giảm. Mức giảm cụ thể sẽ do Ban Chấp hành Hiệp hội cân nhắc điều chỉnh, nhưng theo đánh giá cá nhân, xuất khẩu sẽ chỉ có thể đạt 3 tỷ USD", ông Công nhận định.
Kỳ vọng phục hồi trong 6 tháng cuối năm
Với tình hình xuất khẩu khó khăn, Vinacas khuyến nghị các nhà máy nên mua bán chậm lại, cập nhật thông tin thị trường liên tục từ nhiều nguồn để đưa ra phương án mua bán hợp lý nhất trong tình hình khó khăn chung trên thế giới cũng như tình hình ngành điều trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có phương án kinh doanh phù hợp để phục hồi sau dịch.
Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, thị trường xuất khẩu điều sẽ hồi phục sau khi Covid-19 được khống chế, nên doanh nghiệp cần tính phương án đẩy mạnh xuất khẩu cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay. Trong đó, tiềm năng từ thị trường EU được đánh giá là rất lớn.
Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu tính toán từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, nhập khẩu hạt điều của Đức năm 2019 đạt 60.200 tấn, trị giá 426,2 triệu euro (tương đương 475,2 triệu USD), tăng 26,4% về lượng và tăng 1,9% về trị giá so với năm 2018.
Dự báo nửa cuối năm 2020, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Đức, Bỉ, Hà Lan sẽ khả quan hơn, khi dịch bệnh được khống chế và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi.
Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội gia tăng thị phần hạt điều Việt Nam ở thị trường EU, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành điều cần gia tăng chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần tổ chức xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài và tăng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý…
Nắm bắt được nhu cầu từ thị trường, bà Nguyễn Trà My, Phó chủ tịch Tập đoàn PAN Group (công ty mẹ của Lafooco) cho biết: “Thời điểm này rất khó để phát triển ngành hạt điều. Nhưng chúng tôi vẫn muốn cải thiện hơn nữa về chất lượng cũng như sự hấp dẫn của các sản phẩm, từ đó chiếm thị phần lớn hơn ở EU và các thị trường lớn trên toàn cầu. Ở Lafooco, hạt điều rang chiếm 80% lượng xuất khẩu. Công ty đã đa dạng hạt điều rang với nhiều hương vị khác nhau".
Phương An
Nguồn: Báo Đầu Tư