Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lộc Trời (LTG) đưa ra 3 nhận định về các thay đổi đáng kể trong sản xuất nông nghiệp
07 | 05 | 2020
Giá xuất khẩu bình quân gạo tăng mạnh so với cùng kỳ do động thái tích trữ lương thực của người tiêu dùng tại các nước xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Ghi nhận tại bản tin nhà đầu tư quý 1/2020, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cho biết gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu trong quý 1/2020 đều tăng so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân cũng tăng mạnh so với cùng kỳ, do động thái tích trữ lương thực của người tiêu dùng tại các nước xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Tuy vậy, dịch Covid-19 cũng có tác động tiêu cực nhất định lên chuỗi cung ứng xuất khẩu, nhất là hệ thống logistics. Bên cạnh đó, do lo ngại về an ninh lương thực, nhiều nước đã áp dụng các chính sách hạn chế xuất khẩu, trong đó có Việt Nam (tạm ngừng xuất khẩu từ 0h ngày 24/3, khống chế hạn ngạch trong tháng 4, và sau đó cho phép xuất khẩu trở lại từ 1/5).

Trong quý đầu năm, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39% tổng kim ngạch. Malaysia trở lại nhập khẩu mạnh, do nhu cầu mua vào được thúc đẩy trong tâm lý hoảng loạn vì dịch bệnh.

Thị trường Trung Quốc cũng tăng mua, do sụt giảm nguồn cung nội địa vì hệ thống sản xuất bị gián đoạn do dịch bệnh. Thị trường này chủ yếu mua các mặt hàng nếp, tấm nếp, và gạo thơm.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có kỳ vọng tích cực trong thời gian tới, cụ thể:

+ Khi dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại các quốc gia, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam.

+ Nguồn cung của các quốc gia xuất khẩu lớn (Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan) giảm dưới tác động của hạn hán và dịch châu chấu.

+ Các ưu đãi của Hiệp định CPTPP và EVFTA mà Việt Nam là thành viên được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo.

Riêng tại LTG, doanh thu thuần quý đầu năm giảm 53%, chủ yếu đến từ sự sụt giảm doanh thu của ngành thuốc BVTV và ngành lương thực do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu đại lý và chính sách bán hàng ngành thuốc, thay đổi trong chính sách điều hành của chính phủ liên quan đến xuất khẩu gạo.

Ngành lương thực sụt giảm mạnh tỷ trọng, từ 60% về còn 31% tổng doanh thu

Chi tiết, gián đoạn chuỗi cung ứng xuất khẩu do các quốc gia thực thi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, và chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo của chính phủ Việt Nam áp dụng từ ngày 24/3 để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, kênh xuất khẩu ngành Lương thực đã ghi nhận kết quả kém khả quan, với tỷ trọng chỉ còn chiếm khoảng 31% tổng doanh thu toàn ngành so với mức 60% cùng kỳ. Dù sản lượng xuất khẩu giảm, giá bình quân tăng 6% so với cùng kỳ do nhu cầu tích trữ lương thực tăng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong đó, châu Phi vượt lên Philippines trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của LTG, chiếm 56% tổng doanh thu xuất khẩu. Nhu cầu tại thị trường này tăng mạnh bởi lượng sản xuất nội địa giảm do dịch châu chấu và nhu cầu tích trữ lương thực tăng giai đoạn dịch Covid-19.

Doanh thu thị trường Philippines giảm so với cùng kỳ vì không thỏa thuận được giá bán với các nhà nhập khẩu, giá bán hầu hết ở mức thấp trong tương quan giá mua lúa nguyên liệu đã tăng từ đầu quý 1. Nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus cũng ảnh hưởng đến hệ thống logistics của thị trường này.

Với chính sách cho phép xuất khẩu bình thường có hiệu lực từ 1/5/2020 và các hoạt động logistics trở lại bình thường sau dịch, LTG sẽ nỗ lực ký kết các hợp đồng mới, đàm phán theo hướng khách đặt hàng trước, và theo dõi diễn biến thị trường để điều chỉnh phù hợp kế hoạch mua nguyên liệu và sản xuất.

Doanh thu nội địa giảm 15%, trong đó phân khúc gạo có thương hiệu tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó giá bán bình quân tăng 6% và sản lượng tăng 1%. Doanh thu kênh MT tăng 13% và GT tăng 4% nhờ các nỗ lực phát triển hệ thống phân phối. Đáng kể, doanh thu vào chuỗi siêu thị Co.opmart và BigC đã tăng hơn 30% và 120% so với cùng kỳ. LTG dự kiến đẩy mạnh doanh số tại 2 chuỗi này và gia tăng sự hiện diện tại các chuỗi Bách Hóa Xanh và Vinmart.

Dịch Covid-19 là đình trệ chuỗi cung ứng, doanh thu thuốc thực vật giảm mạnh 65%

Với ngành thuốc, doanh thu thuần LTG giảm 65% so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất ở

2 nhóm thuốc bệnh và thuốc sâu. Cơ cấu doanh thu cũng có sự thay đổi với tỷ trọng nhóm thuốc bệnh giảm, trong khi tất cả các nhóm thuốc còn lại đều tăng so với quý 1/2019.

Sự sụt giảm này là kết quả tổng hợp của 3 yếu tố chính:

+ Các biện pháp hạn chế giao thương để phòng chống dịch Covid-19 đã làm đình trệ chuỗi cung ứng nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, kéo theo mức độ tái đầu tư thấp đối với mặt hàng thuốc BVTV.

+ Biến đổi khí hậu và việc xây dựng dày đặc các đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mê Kông làm gia tăng mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc xoáy tại vùng núi phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên, và hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – địa bàn kinh doanh chính của ngành, dẫn đến nhu cầu sử dụng giảm đối với tất cả các nhóm sản phẩm.

+ Cuối quý 4/2019, các đại lý đã nhập hàng theo kế hoạch bình thường (không tính tới tác động của Covid-19 và biến đổi khí hậu lên nhu cầu thị trường), dẫn đến lượng tồn kho tại đại lý cao. LTG chủ trương hỗ trợ đại lý giải phóng tồn kho thay vì theo đuổi mục tiêu doanh số. Dự kiến từ quý 2 khi lượng tồn kho đã được giải phóng, các đại lý sẽ đẩy mạnh nhập hàng mới.

Mức độ tái đầu tư cũng thấp đối với mặt hàng giống cây trồng do Covid-19

Ngoài ra, ngành Giống của LTG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận gộp giảm 8% và 12% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu thị trường giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm kéo theo thu nhập thấp hơn của nông dân, và khả năng tài chính để đầu tư cho các vụ gieo trồng tiếp theo giảm xuống. Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ nông sản vẫn khá ảm đạm và khó dự đoán cũng ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng đầu tư của nông dân.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ảnh hưởng đến nhu cầu về giống theo hướng gia tăng nhu cầu với các sản phẩm có đặc tính chịu hạn, mặn, cho năng suất cao. Trong kỳ, doanh thu các giống biến đổi gen có khả năng kháng sâu bệnh cũng tăng lên, tuy nhiên do hạn chế về nguồn cung các sản phẩm này (thời gian trung bình để sản xuất các sản phẩm này từ 12-18 tháng), dung lượng phát triển của nhóm này vẫn còn khá lớn trong các quý tiếp theo khi nguồn cung được bổ sung.

Đáng chú ý, LTG nhận thấy có các thay đổi đáng kể sau về nhu cầu mua và sử dụng giống của nông dân:

(1) Các biện pháp hạn chế giao thương để phòng chống dịch Covid-19 đã làm đình trệ chuỗi cung ứng nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, kéo theo mức độ tái đầu tư thấp đối với mặt hàng giống cây trồng, xu hướng tự để giống thay vì mua giống mới gia tăng.

(2) Mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy, mưa đá, xâm nhập mặn trầm trọng hơn làm gia tăng nhu cầu đối với các giống có đặc tính thích nghi cao với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chủ yếu là các giống biến đổi gen.

(3) Nhu cầu mua hạt giống của các nông sản có nhu cầu (từ người tiêu dùng cuối cùng) cao cũng tăng lên, ví dụ các giống lúa nếp (do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc tăng), lúa giống Nhật (do nhu cầu tiêu thụ gạo Japonica của thị trường trong nước tăng), rau (nhu cầu thị trường trong nước tăng).

Theo Tổ Quốc



Báo cáo phân tích thị trường