Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều giải pháp tăng nguồn cung giống lợn
01 | 06 | 2020
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để tăng nguồn cung con giống trên thị trường.
Nhiều giải pháp tăng nguồn cung giống lợn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để phát triển nhanh, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Ảnh: Hưng Giang.

Giá lợn hơi trên thị trường tăng cao cũng khiến giá lợn giống tăng mạnh. Cùng với đó, việc khuyến khích đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn cũng góp phần đẩy nhu cầu con giống lên.

Tăng nguồn cung con giống

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tháng 5, 6, 7/2019 là những tháng chăn nuôi lợn bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thậm chí có tháng phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn.

Do vậy, thời điểm đó, cơ bản các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi không thực hiện phối giống. Do yếu tố chu kỳ, thời gian sinh trưởng của con lợn nên hiện giá lợn thịt tăng cao.

Từ tháng 8/2019, một số doanh nghiệp, trang trại mới bắt đầu cho phối giống nên dự kiến quý III, IV năm 2020 nguồn cung thịt lợn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tái đàn nhanh, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp giống, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp then chốt để đảm bảo hiệu quả vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái bùng phát khi chưa có vacxin, thuốc chữa.

 

 

Để tăng nguồn cung con giống, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, có 3 giải pháp.

Thứ nhất, các tỉnh, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là hỗ trợ trong đầu tư đàn giống bố mẹ.

Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao các tỉnh, thành phố đã có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đàn lợn nái, lợn đực.

Điển hình, Hà Nội đã hỗ trợ cho người chăn nuôi 5 triệu đồng/con nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/con đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020.

Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/con nái, và nhiều tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã có các chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi lợn.

Nhiều tỉnh học hỏi kinh nghiệm của các nơi đã làm để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương mình.

Thứ hai là với trên 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà được nhân đàn tại chỗ sẽ được tăng tỷ lệ chọn lọc. Cùng với kế hoạch nhập tinh lợn về để làm tươi máu đàn lợn cụ kỵ, ông bà, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhập đàn lợn cụ kỵ, ông bà.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập được trên 5.000 con, kế hoạch sẽ nhập tiếp khoảng 10.000 con trong năm nay.

Kế hoạch nhập này để thay thế cho đàn lợn nhập của những năm 2016, 2017. Vì đàn lợn thường, khoảng 4 năm phải thay 1 lứa. Như vậy, dự kiến lợn giống không chỉ đủ cho cuối năm nay mà còn đủ cho chu kỳ đến năm 2025.

Thứ ba là để nhanh có đàn lợn giống, giảm áp lực thị trường, các doanh nghiệp đã nhập lợn bố mẹ. Điển hình, Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đã nhập khẩu trên 200 con lợn bố mẹ, đến hết tháng 8/2020, công ty này sẽ nhập đủ 2.000 con. Đàn lợn nhập này cuối năm sẽ cung cấp con giống ra thị trường.

“Với tổng thể các giải pháp trên cùng với việc sản xuất giống từ trên 2,9 triệu con nái sẽ cung cấp đủ giống cho thời gian tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng cũng cho rằng, chăn nuôi lợn phát triển giống như hình tháp với đỉnh là lợn cụ kỵ, rồi đến ông bà, bố mẹ và thương phẩm, mỗi bậc sẽ tăng dần. Với đặc điểm sinh học và mô hình tháp như vậy, việc nhập khẩu từ đàn bố mẹ trở lên, ngành chăn nuôi sẽ có lợi hơn.

Bên cạnh đó, trong quy định không cho nhập con thương phẩm. Đây chính là rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, cho đội ngũ nghiên cứu khoa học chủ động nghiên cứu, sản xuất giống phát triển. Các giống nước ngoài có thể không hơn giống trong nước về năng suất nhưng hơn về sạch bệnh, khả năng miễn dịch,…

Doanh nghiệp chung tay

Vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác tái đàn và sản xuất con giống tại trại lợn nái ở xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) của Công ty Cổ phần C.P Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng đàn, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học của trang trại nói riêng và của công ty nói chung.

Nhiều giải pháp tăng nguồn cung giống lợn - Ảnh 3.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho biết, công ty đang làm nhiều cách để tăng nguồn cung lợn giống cho bà con. Ảnh: Hưng Giang

Hướng tới mục tiêu giải quyết bài toán con giống cho các hộ chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho biết, công ty đang làm nhiều cách để tăng nguồn cung lợn giống cho bà con.

Nếu trước đây, khi lựa chọn đàn nái, công ty chọn không quá 70% thì hiện tăng tỷ lệ chọn lên 80%. Trong đó, phần 70% lựa chọn theo tiêu chuẩn trước đây, công ty tăng đưa ra ngoài để cung cấp cho các hộ chăn nuôi.

Để bù lại, công ty đưa toàn bộ phần 15% chọn thêm vào nuôi trong nội bộ, vì kỹ thuật chăn nuôi và khả năng thay nái của công ty cao hơn so với người chăn nuôi.

Tính đến hiện tại tổng đàn heo nái gồm cả cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của công ty khoảng 310.000 con (trong đó có khoảng 1.200 con lợn cụ kỵ, hơn 50.000 lợn ông bà và 260.000 lợn bố mẹ).

Do nguồn con giống ở phía Bắc đang rất khan hiếm, C.P Việt Nam đang đẩy mạnh việc đưa lợn hậu bị, lợn giống từ các trang trại của công ty ở miền Trung ra các trang trại ngoài Bắc, nhằm tăng nguồn cung con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ngoài ra, C.P Việt Nam còn vào chậm lợn hậu bị ở các trang trại của mình để có thêm nguồn cung lợn hậu bị cho các hộ chăn nuôi.

Cùng với việc tăng nguồn cung lợn hậu bị, lợn giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ, công ty còn tích cực cử nhân viên kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn về phương pháp an toàn sinh học khi tái đàn cho các trang trại, hộ chăn nuôi. Nhân viên kỹ thuật của công ty trực tiếp tới trang trại, hộ chăn nuôi có nhu cầu chuẩn bị vào lợn giống để tư vấn.

Sau khi trang trại, hộ chăn nuôi đã vào lợn giống, nhân viên kỹ thuật vẫn thường xuyên trao đổi qua các phương tiện liên lạc hay đến tư vấn trực tiếp để giúp giảm thiểu rủi ro, tái đàn thành công.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam, cho biết thêm, công ty chia các trang trại thành 3 nhóm để tư vấn cách tái dàn sao cho phù hợp và an toàn nhất.

Chẳng hạn, với nhóm trang trại trước đây chưa bị bệnh, nhưng do tình hình dịch bệnh và thiếu vốn nên buộc phải giảm đàn, thì sẽ hướng dẫn thực hiện cách ly thế nào, củng cố chuồng trại ra sao nhằm nâng cao an toàn sinh học.

Đối với các trại đã bị dịch và phải tiêu hủy toàn bộ thì đến nay đã có 3-4 tháng làm sạch chuồng trại, kiểm tra xem mầm bệnh còn trong trang trại không, chuồng trại được sửa sang nhằm đảm bảo an toàn sinh học. Sau khi kiểm tra, thấy đã đảm bảo an toàn sinh học, thì có thể tư vấn trang trại vào 50% số lợn.

Ngoài ra, đối với những trại đã từng bị dịch nhưng không phải tiêu hủy hết, thì ngoài đảm bảo an toàn sinh học, cũng cần có những biện pháp thăm dò, vào heo hậu bị sao cho phù hợp nhất.

 



Vietnambiz.vn
Báo cáo phân tích thị trường