Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực hiện giấc mơ cà phê đặc sản
06 | 01 | 2021

Nguồn: Thoibaonganhang.com

Việc phát triển cà phê đặc sản là hướng đi đúng mà Việt Nam đang thực hiện, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn khẳng định thương hiệu, tên tuổi cà phê Việt trên thị trường thế giới.

Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam đang xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam tại năm tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Theo đó, tại Việt Nam giới chuyên môn đã đặt sự phát triển cà phê đặc sản ở cấp địa phương (từng thực hiện tại 8 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng…), nhưng đến hết năm 2019, sản lượng cà phê đặc sản chỉ đạt 200 tấn; thấp cả về số lượng lẫn hiệu quả quảng bá cà phê Việt trên thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc phát triển cà phê đặc sản vẫn đang là hướng đi phù hợp nhất, nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản, mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và tăng thu nhập cho nhà nông và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng.

Đề án cà phê đặc sản xây dựng các phương án và định hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

thuc hien giac mo ca phe dac san
Cà phê Việt Nam mới có tiếng về sản lượng còn chất lượng vẫn chưa được đánh giá cao

Theo TS. Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cà phê là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Diện tích cà phê Việt Nam hiện có trên 664.000ha, sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó, cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Việt Nam hiện hiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ hai sau Brazil. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, cà phê Việt chỉ có tiếng về sản lượng, còn chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê Việt không được đánh giá cao. Nguyên nhân do cơ cấu sản phẩm cà phê Việt có giá trị gia tăng thấp, số lượng xuất khẩu cà phê nhân chiếm đến 93%, còn lại là chế biến sâu chỉ 7%. Chỉ khi Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam được thực thi, thì mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam mới được khẳng định.

Ông Nguyễn Nam Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, khái niệm cà phê đặc sản khá đơn giản, là yếu tố cấu thành cà phê đặc sản luôn bao gồm cà phê được chăm sóc tốt, rang tươi và pha đúng cách. Đây là nền tảng để ngành cà phê đặc sản thế giới phát triển trong suốt 20 năm qua. Cụ thể hơn, cà phê đặc sản bắt đầu từ giống cây trồng, vi khí hậu, thổ nhưỡng và chăm sóc. Tiếp theo là thu hoạch và bảo quản, trái cà phê chín trên cây cà phê khỏe (với giống cà phê phù hợp thổ nhưỡng, trong điều kiện thời tiết tốt và chăm sóc cẩn thận) phải được thu hái vào đúng thời điểm chín tới, để bảo tồn tiềm năng đặc sản của hạt cà phê.

Cũng theo TS. Hải, người mua cà phê đặc sản chú trọng đến việc nhà nông có thể làm với chất lượng hạt cà phê là chỉ thu hoạch khi cà phê chín. Quá trình chế biến, đối với phần lớn cà phê đặc sản là bắt đầu đưa trái cà phê chín vào nhà máy chế biến ướt. Thời gian giữa thu hoạch và bắt đầu chế biến có thể tác động lớn tới chất lượng cuối cùng của hạt cà phê. Cà phê đặc sản phụ thuộc vào việc vận chuyển nhanh chóng cà phê từ điểm thu hoạch tới nhà máy sơ chế để bảo tồn tiềm năng đặc sản.

Sau khi loại bỏ vỏ và màng, hạt cà phê phải được sấy khô, cũng là một công đoạn quan trọng. Sấy quá nhanh hoặc quá chậm, sấy không đều, sấy rồi bị ẩm lại, không sấy đúng cách… tất cả đều sẽ phá hủy chất lượng hạt cà phê. Từ giai đoạn này, hạt cà phê phải được nghỉ ngơi trước khi trải qua bước cuối cùng của chế biến thô và chuẩn bị giao hàng. Ở giai đoạn này, độ ẩm, nhiệt độ và điều kiện container bảo quản, tất cả đều rất quan trọng. Cuối cùng, hạt cà phê phải được tách vỏ, phân loại theo cỡ và đóng gói giao hàng. Những điểm quan trọng hơn bắt đầu nảy sinh từ đây và những lỗi nhỏ trong phân loại hoặc những lỗi lớn trong đóng gói hoặc điều kiện bảo quản trước khi giao hàng đều có thể làm suy yếu tiềm năng đặc sản của cà phê...

Như vậy, cà phê đặc sản hoàn toàn khác với cà phê hữu cơ và phát triển cà phê đặc sản phải gắn với cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường về chất lượng. Ở thị trường Việt Nam hiện nay, bình quân tiêu thụ 2 kg cà phê/người/năm. Do đó, phát triển cà phê đặc sản phải xác định được thị trường và coi trọng thị trường tiêu thụ nội địa. Phát triển theo chuỗi, tập trung áp dụng quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cà phê đặc sản của thế giới trong phát triển cà phê đặc sản cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Như vậy, việc phát triển cà phê đặc sản là hướng đi đúng mà Việt Nam đang thực hiện, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn khẳng định thương hiệu, tên tuổi cà phê Việt trên thị trường thế giới. Không để nước xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ hai thế giới mà khách hàng không hề biết đến cà phê Việt Nam.

 
 


Báo cáo phân tích thị trường