Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH HÀNG CÀ PHÊ - HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC NƯỚC VÀ VẤN ĐỀ CỦA VIỆT NAM
02 | 10 | 2007
Sản lượng cà phê toàn cầu tăng hay giảm, trước kia chỉ do hai yếu tố thời tiết và giá cả thị trường quyết định. Giá cả cao lên đã giúp cho người trồng cà phê có điều kiện đầu tư, chăm sóc vườn cà phê của mình. Trong những năm giá cà phê xuống quá thấp, ở một số nước, nhất là ở châu Phi, nông dân đã bỏ mặc những vườn cà phê không chăm sóc. Trong những năm tới, sản lượng cà phê thế giới sẽ thay đổi, do nhiều nước đang chủ động cùng hành động hướng tới sự phát triển bền vững, như trồng diện tích cà phê mới, nâng cao năng suất vườn và chất lượng cà phê. Trước bối cảnh đó, Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đã đưa ra sáu đề xuất, đó là những vấn đề vừa là bức thiết, vừa là lâu dài cho một ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững.

Thế giới đối phó với diện tích cà phê già cỗi

Ở nhiều nước, ngành cà phê đã có kế hoạch trồng diện tích cà phê mới thay cho các vườn cũ và sẽ nâng sản lượng lên vào những năm tới. Ở Honduras, người ta cho rằng giá cà phê sẽ giữ vững hoặc tăng lên trong vòng 5 năm tới và đề ra kế hoạch đầu tư 150 triệu USD để trồng lại 50% diện tích cà phê cũ ( 250 nghìn hécta ) trong vòng 2 năm. Theo ngành cà phê Honduras thì 40-60% diện tích cà phê của nước này đã già và sản lượng chỉ còn 8bao/1ha. Họ hi vọng với kế hoạch này sản lượng sẽ được nâng lên gấp 3 lần và vào vụ 2011/2012 họ sẽ xuất khẩu 16,9 triệu bao so với 2,9 triệu bao vụ 2006/2007. Như thế Honduras sẽ dễ dàng vượt qua Guatemala là nước sản xuất cà phê đứng đầu vùng Trung Mỹ. Ở Colombia, Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ về tài chính để phục hồi 300.000 hécta cà phê của nước này, đưa sản lượng hàng năm lên 16-17 triệu bao vào vụ 2014/2015.

Nâng cao năng suất vườn cà phê và chất lượng cà phê xuất

Ở Comlombia, Hiệp hội những người sản xuất cà phê Colombia (Fedecafe ) có chủ trương áp dụng biện pháp quản lý vườn cây tốt hơn để nâng cao năng suất cà phê. Fedecafe chủ trương tập trung sức vào việc nâng cao sản lượng cà phê chất lượng cao và sản phẩm cà phê giá trị gia tăng.

Ở Uganda, chính phủ đối phó giải quyết nạn khô hạn bằng cách đôn đốc các chủ vườn, lo tưới nước cho cà phê và trồng cây che bóng cho cà phê. Chính phủ cũng khuyến khích việc trồng 500 dòng cà phê chọn lọc có khả năng chống bệnh héo rũ được sản xuất từ phòng thí nghiệm Kampala và sẵn sàng cung cấp cho nông dân trong vòng 3-4 năm tới. Ở Indonexia, nhu cầu đối với cà phê Indonexia, đặc biệt là với cà phê Arabica loại hảo hạng tiếp tục tăng lên. Tỷ trọng cà phê Robusta xuất khẩu giảm từ 90% xuống dưới 80%, trong khi đó tỷ trọng xuất khẩu Arabica tăng lên đến 30%, trong đó cà phê chè hảo hạng chiếm tới 7%.3. Đổi mới chính sách quản lý ngành cà phê:

Ở Braxin, tháng 8/2006, Ủy ban tiền tệ Quốc gia đã chi từ quỹ bảo hộ cà phê 1578 tỷ đồng Real cho việc hỗ trợ cà phê 2006/2007. Những vùng trồng cà phê có thể được hỗ trợ cho việc tạm trữ 10 triệu bao cà phê, để đón giá cao lên do vụ tới mất mùa.

Ở Ấn Độ: Sản xuất cà phê tập trung ở các miền Nam Ấn như Karnataka, Kerala, và Tamil Nadu. Khoảng 5 triệu người có cuộc sống gắn với cây cà phê, trong đó có 550.000 lao động. Khoảng 98% của 178300 chủ vườn cà phê có dưới 10 hécta và làm ra 60% sản phẩm, trong khi các doanh điền lớn ( có trên 10 hécta ) làm ra 40% sản phẩm. Để hỗ trợ cho bộ phận này, tháng 2/2006, Chính phủ quyết định cho phép các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài đầu tư vào các khâu chế biến và kho tàng.

Kenya: Chính phủ đã cấp giấy phép cho 32 tổ chức xuất khẩu mới, mở đường cho việc trực tiếp xuất khẩu theo việc đổi mới, cho phép nông dân bỏ qua chợ bán đấu giá Trung ương được thiết lập từ lâu. Người ta hi vọng rằng cái " Cửa sổ thứ hai " này có thể đưa đến thu nhập cao hơn cho nông dân dựa vào sự gia tăng cạnh tranh và bớt đi sự quan liêu. Những người nông dân cho rằng hệ thống đấu giá cổ vũ cho sự tồn tại một chuỗi dài những người trung gian, chúng "ăn" cả vào thu nhập của người trồng cà phê.

Những vấn đề đặt ra với ngành cà phê Việt Nam

Thứ nhất, ngành cà phê cần lập ngay kế hoạch thay thế các vườn cà phê già cỗi, kết hợp đưa vào sản xuất các dòng vô tính cà phê ưu tú đã được chọn lọc bằng con đường ghép tại lô cà phê hoặc ghép trong vườn ươm để trồng thay thế. Cũng có thể thay một số diện tích cà phê vối, già cỗi bằng cà phê chè ( trồng ở những nơi có điều kiến sinh thái thích hợp như vùng Tây Bắc, Lâm Đồng ). Cà phê Việt Nam hiện nay được trồng trên quy mô lớn, từ thời kỳ các hiệp định hợp tác với Liên Xô cũ, Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ những năm 1982- 83, mỗi năm trồng mới từ 10 nghìn đến 20 nghìn hécta cà phê. Năm 1987, Việt Nam đã có khoảng 100 nghìn hécta. Cách đây 10 năm ( 1995,1996) diện tích cà phê cả nước đã đạt trên 250 nghìn hécta. Các diện tích cà phê đó đến nay đã được gần 20 năm, hàng chục vạn cà phê đã già, đến tuổi cần tạo hình trẻ lại hoặc thanh lý.

Thứ hai, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cà phê xuất khẩu phải được quan tâm giám định chất lượng và có chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn nhà nước, mở rộng sản xuất các loại cà phê có chứng chỉ như….., cà phê hữu cơ, cà phê rừng mưa, cà phê thân thiện sinh thái, tham gia thương mại công bằng. Hiện nay, theo xu hướng chung cũng cần đẩy mạnh chương trình trồng cà phê theo bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê ( cà phê 4C ) do Cục trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì.

Thứ ba, cần quan tâm đầy đủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề ngăn ngừa nấm mốc và nhiễm….. đã nói đến nhiều nhưng cần đưa vào thực hành. Vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm phải được đặt lên vị trí quan trọng trong việc chuẩn bị hàng xuất khẩu, đảm bảo không có những lô hàng có chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực cho cà phê trên nhiều khâu, nhiều lĩnh vực từ sản xuất, trồng trọt, chế biến đến nhiệm vụ kinh doanh xuất khẩu, tránh bị thua thiệt trên thương trường.

Thứ năm, đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, từ các hộ nông dân riêng lẻ, manh mún thành các tổ chức, các nhóm hộ, các câu lạc bộ và các hợp tác xã, tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu kỹ thuật mới, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chúng ta mới có điều kiện thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành cà phê.

Thứ sáu, nghiên cứu tổ chức quản lý ngành hàng cà phê nước ta theo mẫu tổ chức của ngành cà phê quốc tế. Nhà nước cần có tổ chức để hướng dẫn, quản lý ngành hàng tốt hơn và tạo điều kiện cho ngành cà phê Việt Nam hội nhập thật sự với cộng đồng cà phê quốc tế.



Tác giả: Đoàn Triệu Nhạn: Phó CT Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường