Nguồn: Gỗ Việt
Công văn nên rõ, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ loại trừ gỗ bất hợp pháp khỏi tất cả các chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. Cam kết này được thể hiện cụ thể trong Hiệp định VPA/FLEGT (VPA), được ký kết bởi Chính phủ Việt Nam và EU vào năm 2019. Thực hiện VPA về các yêu cầu về tính hợp pháp được áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu và cả các sản phẩm trong thị trường nội địa. Vào tháng 9 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ Việt Nam (Luật VNTLAS), nhằm đảm bảo tính hợp pháp của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ.
Kiểm soát tính hợp pháp của việc nhập khẩu gỗ là trọng tâm của Luật VNTLAS. Trong đó, quy định khi đưa gỗ có rủi ro cao vào trong nước, các nhà nhập khẩu Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo hàng nhập khẩu của họ có thể được xác minh là có nguồn gốc hợp pháp. Để làm được điều này, các nhà nhập khẩu phải chứng minh các tài liệu chính thức do cơ quan Chính phủ có liên quan tại quốc gia xuất khẩu cấp để xác minh tính hợp pháp của nguồn hàng và xuất khẩu, và/hoặc chứng nhận bền vững từ các bên thứ ba.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 1.490 m3 gỗ tròn/gỗ hộp (HS 4403) và 27.490 m3 gỗ xẻ (HS 4407) từ Campuchia. Theo Luật VNTLAS, khi nhập khẩu gỗ từ Campuchia, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải cung cấp thêm các giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền Campuchia cấp để xác minh tính hợp pháp của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam chưa nắm được đầy đủ thông tin về những giấy tờ hợp pháp nào được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền Campuchia. Những giấy tờ đó có đủ để chứng minh nguồn cung ứng hợp pháp hay không. Vấn đề này đã và đang gây ra thách thức không chỉ cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam mà cả các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện Luật VNTLAS.
Để thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Campuchia và Việt Nam và đảm bảo các nhà nhập khẩu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về tính hợp pháp từ cả hai nước, VIFOREST đề nghị Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia chỉ đạo cơ quan chức năng chia sẻ với chúng tôi danh sách, nội dung cơ bản các văn bản, tài liệu pháp lý cần thiết cho xuất khẩu gỗ tại Campuchia (bao gồm cả các quy định liên quan đến các sản phẩm gỗ hạn chế và các loài cây được bảo vệ) và các giấy tờ cần thiết mà doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi các nhà nhập khẩu này đưa gỗ Campuchia vào Việt Nam. Những thông tin này rất quan trọng đối với chúng tôi để đảm bảo tính hợp pháp của việc nhập khẩu gỗ.
VIFOREST đại diện cho ngành gỗ của Việt Nam, với hơn 1.300 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: phát triển rừng trồng; công nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. VIFOREST cũng đóng vai trò là điểm giao tiếp và hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các thành viên của VIFOREST. VIFOREST khuyến khích các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt mọi yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước xuất khẩu gỗ sang Việt Nam.