Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 164,8 triệu bao (bao 60kg), giảm 11,0 triệu bao so với niên vụ trước, chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng tại Brazil khi cây cà phê arabica bước vào năm cuối của chu kỳ sản xuất hai năm một lần và thời tiết không thuận lợi.
Sản lượng thấp kéo theo tồn kho cà phê toàn cầu giảm 7,9 triệu bao xuống 32,0 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Đồng thời, xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng được dự báo giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao do xuất khẩu từ Brazil dự kiến thấp hơn nhiều so với lượng xuất khẩu gia tăng từ Việt Nam.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính tăng 1,8 triệu bao lên 165,0 triệu bao, với sự gia tăng tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.
Như vậy, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ vượt sản lượng trong niên vụ 2021-2022.
Dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2021 - 2022
Brazil
Sản lượng cà phê arabica của Brazil trong niên vụ 2021-2022 ước tính giảm 14,7 triệu bao xuống 35,0 triệu bao do phần lớn các khu vực sản xuất chính của nước này bước vào chu kỳ hai năm một lần, dẫn đến khả năng sản xuất thấp hơn cho vụ mùa 2021-2022.
Ngoài ra, năng suất giảm còn do điều kiện thời tiết bất lợi, hạn hán và nhiệt độ cao ở các vùng trồng cà phê arabica chính đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu trái và phát triển của cây cà phê.
Cũng có báo cáo cho rằng, người trồng cà phê cắt tỉa cây với tỷ lệ nhiều hơn mức trung bình sau vụ mùa kỷ lục năm ngoái cũng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm. Phần lớn diện tích cà phê arabica bắt đầu thu hoạch vào tháng 5 và tháng 6/2021.
Trong khi đó, sản lượng cà phê robusta của Brazil được dự báo sẽ tiếp tục tăng 1,1 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 21,3 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. Lượng mưa tốt đã hỗ trợ sự phát triển của cà phê robusta ở các vùng trồng chính tại các bang Espirito Santo, Rondonia và Bahia. Vụ thu hoạch robusta thường bắt đầu vào tháng 4 và tháng 5.
Tính chung tổng sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil trong niên vụ 2021-2022 sẽ giảm 13,6 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 56,3 triệu bao.
Mặc dù sản lượng giảm, tiêu thụ cà phê của Brazil được dự báo tăng lên mức kỷ lục 23,7 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Với nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê của Brazil dự kiến giảm 9,0 triệu bao xuống 32,0 triệu bao và lượng dự trữ cuối vụ giảm 2,5 triệu bao xuống chỉ còn 1,5 triệu bao, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Việt Nam
Trong niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao sau khi khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê vào niên vụ trước.
Với cà phê robusta chiếm hơn 95% tổng sản lượng và giá có xu hướng tăng trong 12 tháng qua đã tạo động lực cho người trồng cà phê tăng năng suất bằng cách tăng cường chi phí tưới tiêu trong giai đoạn khô hạn từ tháng 1 đến tháng 3. Ngoài ra, nông dân tiếp tục trồng xen cà phê với các loại cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng để tăng thu nhập.
Xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam niên vụ 2021-2022 dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho.
Colombia
Sản lượng cà phê arabica của Colombia dự báo giảm 200.000 bao xuống 14,1 triệu bao mặc dù các điều kiện phát triển thuận lợi. Xuất khẩu cà phê của Colombia ước tính giảm 100.000 bao xuống 12,4 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Liên đoàn quốc gia những người trồng cà phê Colombia (FEDECAFE) ước tính rằng gần 85% diện tích cà phê của nước này hiện được trồng bằng các giống kháng bệnh gỉ sắt, cao hơn nhiều so với chỉ 35% trong niên vụ 2008-2009 khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến bệnh rỉ sắt sinh sôi, dẫn đến 1/3 sản lượng sụt giảm.
Kể từ đó, sản lượng đã tăng khoảng 30% phần lớn là do chương trình cải tạo thay thế những cây già cỗi, năng suất thấp hơn bằng những giống kháng bệnh gỉ sắt. Chương trình cũng làm giảm tuổi trung bình của cây cà phê từ 15 năm xuống 6,9 năm, thúc đẩy năng suất.
Indonesia
Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo sẽ giảm nhẹ 100.000 bao xuống còn 10,6 triệu bao trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, sản lượng cà phê robusta của Indonesia dự kiến đạt gần 9,4 triệu bao và arabica đạt 1,3 triệu bao.
Cây cà phê phát triển thuận lợi ở các vùng đất thấp của Nam Sumatra và Java nhưng mưa lớn ở phía bắc Sumatra, nơi chiếm khoảng 60% sản lượng Arabica khiến sản lượng giảm.
Dự trữ cuối kỳ cà phê tại Indonesia dự kiến sẽ giảm một nửa so với niên vụ trước xuống chỉ còn gần 900.000 bao do tiêu thụ và xuất khẩu tăng lên.
Ấn Độ
Sản lượng cà phê của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 5,4 triệu bao nhờ sản lượng robusta cao hơn ở Karnataka, bang sản xuất cà phê lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, sản lượng cà phê arabica được dự báo sẽ thấp hơn khi bước vào năm cuối của chu kỳ sản xuất hai năm một lần. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ được dự báo không đổi ở mức 3,7 triệu bao.
Trung Mỹ và Mexico
Tổng sản lượng cà phê tại khu vực này được dự báo giảm nhẹ 400.000 bao xuống 17,4 triệu bao với sự sụt giảm ở Guatemala, Nicaragua, Mexico và đặc biệt là Honduras do ảnh hưởng của bệnh gỉ lá.
Honduras là nhà sản xuất cà phê lớn nhất ở khu vực, chiếm khoảng 1/3 sản lượng sẽ giảm khoảng 700.000 bao trong niên vụ 2021-2022, đạt 5,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico dự báo giảm 300.000 bao xuống 14,4 triệu bao chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu thấp hơn ở Honduras. Gần một nửa lượng cà phê xuất khẩu của khu vực được vận chuyển sang Liên minh châu Âu và khoảng một phần ba đến Mỹ.
Dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2021-2022
Trong niên vụ 2021-2022, USDA dự báo nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu giảm 2,5 triệu bao xuống 42,5 triệu bao và chiếm gần 40% tổng nhập khẩu cà phê toàn cầu. Các nhà cung cấp hàng đầu cho châu Âu bao gồm Brazil (34%), Việt Nam (24%), Honduras (8%) và Colombia (6%).
Tuy nhiên, tiêu thụ của khu vực dự kiến tăng khoảng 965.000 bao so với niên vụ trước lên 41,4 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, dự trữ cà phê tại EU dự kiến sẽ giảm 2,1 triệu bao xuống còn 14,0 triệu bao.
Mỹ - thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ nhập khẩu 24,2 triệu bao trong niên vụ 2021-2022, giảm 300.000 bao so với niên vụ trước. Các nhà cung cấp cà phê chính cho Mỹ gồm Brazil (30%), Colombia (21%), Việt Nam (11%) và Nicaragua (5%).
Cũng giống như châu Âu, nhập khẩu cà phê của Mỹ giảm trong khi tiêu dùng tăng 600.000 tấn lên 26,4 triệu tấn dẫn đến dự trữ cà phê cuối kỳ tại Mỹ giảm 700.000 bao, xuống còn 5,7 triệu bao.
Sửa đổi dự báo cho niên vụ 2020-2021
Cùng với việc đưa ra dự báo cho niên vụ 2021-2022, USDA đã điều chỉnh nâng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 lên 175,8 triệu bao, tăng 300.000 bao so với ước tính tháng 12 năm 2020.
Trong đó, Brazil tăng thêm 2,0 triệu bao lên 69,9 triệu bao, phần lớn là do dữ liệu cập nhật về sản lượng cà phê arabica của nước này.
Uganda được điều chỉnh tăng 1,2 triệu bao lên 6,0 triệu bao do diện tích tăng.
Peru giảm 1,1 triệu bao xuống 3,4 triệu bao theo số liệu cập nhật về diện tích và sản lượng.
Bờ Biển Ngà giảm 700.000 bao xuống còn 1,1 triệu bao do sản lượng thấp hơn.
Xuất khẩu cà phê thế giới điều chỉnh tăng 2,8 triệu bao so với ước tính trước đó lên 120,3 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Riêng Brazil điều chỉnh xuất khẩu tăng thêm 4,0 triệu bao lên 41,0 triệu bao do nguồn cung xuất khẩu cao hơn.
Peru giảm 900.000 bao xuống 3,3 triệu bao do nguồn cung xuất khẩu giảm.
USDA cũng hạ dự báo sản lượng của Việt Nam xuống 23,0 triệu bao, giảm 800.000 bao so với dự báo trước do các chuyến hàng đến Liên minh châu Âu và Mỹ thấp hơn dự kiến.
Bờ Biển Ngà giảm 600.000 bao xuống còn 900.000 bao với nguồn cung dành cho xuất khẩu thấp hơn.
Dự trữ cà phê toàn cầu điều chỉnh giảm thêm 1,4 triệu bao xuống 39,9 triệu bao.
Brazil dự báo giảm 1,3 triệu bao xuống 4,0 triệu bao với những lô hàng xuất khẩu cao hơn.
Liên minh châu Âu được điều chỉnh tăng hơn 1,6 triệu bao lên 16,1 triệu bao theo dữ liệu cập nhật từ Liên đoàn cà phê châu Âu.
Dự trữ của Mỹ giảm 600.000 bao xuống còn 6,4 triệu bao do mức tiêu thụ thấp hơn so với dự đoán.