Mỹ muốn tăng cường xuất khẩu nông sản sang Cuba
Các quan chức đại diện các ngành sản xuất bơ sữa, ngũ cốc và khoai tây ở một số bang của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội tăng cường buôn bán nông sản với Cuba.
Sau khi Quốc hội Mỹ chấp thuận việc buôn bán thực phẩm với Cuba thanh toán bằng tiền mặt từ năm 2000, Cuba đã trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 34 trong số 227 đối tác của Mỹ.
Năm 2006, Cuba đã nhập khẩu các nông sản từ Mỹ như gà, bột mỳ, ngô, gạo, đậu nành với tổng giá trị khoảng 340 triệu USD.
Trung Quốc sẽ cấp phép xuất khẩu thép cho 83 công ty
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 20/5/07 Trung Quốc sẽ cấp phép xuất khẩu cho 83 công ty sản xuất thép của nước này nhằm kiểm soát sự lớn mạnh trong thặng dư thương mại của ngành thép.
Theo đó, những công ty được cấp phép là các công ty sản xuất thép cuốn lạnh, thép cuốn nóng và thép tấm. Đồng thời, giấy phép xuất khẩu này chỉ được áp dụng trong mậu dịch chung.
Indonesia vẫn chưa tăng thuế xuất khẩu dầu cọ thô
Chính phủ Indonesia vẫn đang xem xét liệu có nên tăng thuế xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) trong bối cảnh giá bán lẻ dầu ăn của nước này đang ở mức 8.000 rupi/kg hay không.
Theo Giám đốc điều hành hoạt động thương mại trong nước, Ardiansyah Parman : Chính phủ quyết định mức thuế trên cơ sở những đánh giá về thị trường hiện tại của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, “chúng tôi hy vọng sẽ không phải tăng thuế xuất khẩu CPO”. Ardiansyah cho biết thêm, nước này sẽ cố gắng đưa giá dầu ăn giảm xuống còn 6.500 – 6.800 Rupi/kg.
Nếu thuế xuất khẩu CPO của Indonesia tăng thì nó sẽ có hiệu lực kể từ tháng 6 năm nay.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina sẽ giảm
Ukraina dự kiến sẽ giảm xuất khẩu ngũ cốc khoảng 4%, xuống còn 9,55 triệu tấn trong vụ 2006/07 này so với 9,95 triệu tấn của vụ trước do giá lúa mì và giá ngô giảm.
Theo đó, nước này sẽ giảm xuất khẩu lúa mì khoảng 6,7%, còn 2,8 triệu tấn và giảm xuất khẩu ngô 12,5% xuống còn 1,4 triệu tấn.
Ngành dệt may Thái Lan sẽ tăng xuất khẩu lên 2%
Theo Hiệp hội dệt may Thái Lan, Thái Lan cần tăng xuất khẩu hàng dệt may thêm 2% mỗi năm trong vòng 3 đến 5 năm tới mới có thể cạnh tranh được với các nước khác trong lĩnh vực này.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 12 trên thế giới, với kim ngạch hàng năm khoảng 6,8 tỷ USD, chiếm 1,6% trên thị trường. Đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này là Trung Quốc, chiếm 20% thị trường, tiếp đó là EU và Bănglađét.
Xuất khẩu của Ấn Độ tăng mạnh
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, tài khoá 2006/07 kết thúc vào tháng 3/07, xuất khẩu của nước này đạt mức cao kỷ lục 124,6 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu cũng tăng mạnh, đạt 181,4 tỷ USD.
Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Kamal Nath đã dự báo, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tài khoá 2007/08 (bắt đầu từ tháng 4/07) có thể đạt 160 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên đạt 200 tỷ USD vào năm 2009.
Nhập khẩu đồng tinh luyện của Trung Quốc đạt kỷ lục
Hiệp hội Ngành Kim loại phi sắt Trung Quốc cho biết, nước này đã nhập khẩu kỷ lục 202.955 tấn đồng tinh luyện trong tháng 3/07, tăng gần 150% so với cùng tháng năm ngoái. Như vậy, tổng lượng đồng tinh luyện mà Trung Quốc nhập khẩu trong quý I/07 là 480.000 tấn, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2006.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, tiêu thụ đồng hàng năm của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khoảng 7,5%/ năm trong vài năm tới lên mức 6,5 triệu tấn, trong đó sẽ có khoảng 5 triệu đồng tinh luyện.
Cuba sẽ xuất khẩu 10.000 tấn nickel sang Trung Quốc
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu nickel lớn thứ hai của nước này. Trong năm 2006, Cuba đã xuất khẩu 30.000 tấn nickel sang Trung Quốc và thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD.
Năm nay, Cuba dự kiến sẽ tiếp tục xuất khẩu khoảng 10.000 tấn nikel sang Trung Quốc
Cuba là nước dự trữ nickel lớn thứ hai thế giới với sản lượng dự trữ trung bình mỗi năm đạt 14,6 triệu tấn.