Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiệt quệ sau 2 năm "sập bẫy" Công ty phân bón
12 | 07 | 2022
Tháng 6/2020, Dân Việt đã có loạt bài "Sập bẫy Công ty phân bón, nông dân lao đao, đại lý đổ nợ". Sau 2 năm PV quay trở lại gặp những người nông dân, đại lý bị "sập bẫy", nhiều người đã kiệt quệ.

Nguồn: Theo danviet.vn

Cây trồng không thể phát triển được

Trở lại vườn tiêu của bà Đinh Thị Mận ở Tổ 6 phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) sau 2 năm, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng với những thiệt hại của nông dân phải gánh chịu từ phân bón.

Ông Trịnh Minh Nhật là cháu của bà Mận cho biết: Sau khi sử dụng loại phân cá của Công ty CP Sản xuất và XNK Quang Dũng, cả vườn tiêu bị lụi dần rồi chết, đã phải trồng lại.

Kiệt quệ sau 2 năm "sập bẫy" công ty phân bón - Ảnh 2.

Vường tiêu của bà Đinh Thị Mận ở Tổ 6 phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) sau 2 năm dùng phân bị chết phải phá đi trồng lại vẫn cằn cỗi không phát triển được.

"Nhưng cả vườn tiêu trồng lại mà cây cứ cằn cỗi, đỏ quạch ra không phát triển được. Dù chăm bón như  những vườn tiêu khác nhưng cây tiêu vẫn không lên được. Chúng tôi chưa dám khẳng định là do phân bón hoàn toàn nhưng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân vì sao cây trồng ở khu đất nhà tôi không phát triển được", ông Nhật nói.

Ông Nhật chỉ về phía ruộng tiêu bên cạnh và cho chúng tôi biết, cũng vùng đất, khí hậu như nhau nhưng vườn tiêu của những hộ bên cạnh lại xanh tốt, dù chăm bón hiện tại là áp dụng phương pháp giống nhau.

Trước đó, trong loạt bài đăng tải vào tháng 6/2020 Dân Việt đã thông tin, bà Đinh Thị Mận có dãy trồng tiêu hơn 7 sào ở Tổ 6 phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) biết đến Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng (Công ty Quang Dũng) sau khi đến dự một Hội thảo về phân bón được tổ chức "hoành tráng" tại địa phương vào năm 2018.

Tại đây, bà Mận cùng nhiều nông dân khác được Tiến sỹ Phạm Trung Hòa tư vấn, được nghe nhiều lời ca ngợi về phân bón của Công ty Quang Dũng. 

Thậm chí, nông dân mua phân bón còn có cơ hội được tặng chuyến du lịch, đại lý phân phối được tặng ô tô. 

Sau Hội thảo, bà Mận cùng nhiều nông dân khác đã mua phân bón của Công ty Quang Dũng về sử dụng cho cây trồng. 

Với hơn 11ha diện tích, trong đó có gần 3ha cây tiêu còn lại là diện tích các loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, bưởi... bà Mận đã dùng các loại phân bón gồm HERBAKALI, GRERN FARM, BIOEARTNTRO của Công ty Quang Dũng. 

Vậy nhưng, khác với lời quảng cáo đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, sản lượng cây trồng giảm và tiêu chết dần mà không rõ nguyên nhân.

Kiệt quệ sau 2 năm "sập bẫy" công ty phân bón - Ảnh 4.

Ông Viễn, ông Thu là đại lý phân bón của Công ty Quang Dũng 2 năm nay đi bán heo quay để có tiền thuê kho chứa loại phân bón gây "hậu quả" cho người dân

Đi quay heo để có tiền thuê kho chứa phân bón niêm phong

Trở lại địa chỉ số 43, QL14 – Hòa Thuận- TP. Buôn Ma Thuật – Đắk Lắk, nơi trước đây là kho hàng của Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Quang Viễn, (Công ty Quang Viễn) ghi nhận của phóng viên cho thấy, lượng phân bón được niêm phong vẫn còn nguyên vẹn. 

Một tấm bạt được phủ kín, khi mở ra bên trong là hàng trăm tấn phân bón bị mạng nhện răng nhưng riêng các giấy niêm phong thì vẫn còn nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thu – đại diện theo pháp luật Công ty Quang Viễn (Đại lý phân phối độc quyền 5 tỉnh Tây Nguyên của Công ty Quang Dũng) cho biết, hơn 2 năm nay các đại lý đã thực sự kiệt quệ, phải bươn chải đủ nghề nhằm có tiền trả nợ.

Cả ông Thu và ông Viễn là những người cùng gom góp tiền và cầm cố nhà để làm đại lý cho Công ty Quang Dũng. Đến nay đều phải tìm đủ các nghề khác nhau để kiếm tiền trả nợ. 

"Chúng tôi mỗi người đều đã bị ngân hàng siết nợ phải bán nhà, hiện chỉ còn thuê được một cửa hàng với giá 3 triệu/tháng để quay heo bán kiếm tiền duy trì cuộc sống và trả tiền thuê kho chứa phân bón", ông Thu nói.

Ông Thu cũng cho biết, tháng 1/2019 công ty đã có đơn tố cáo Công ty Quang Dũng về việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và một số nội dung khác liên quan đến mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng như gây thiệt hại vô cùng lớn cho bà con nhân dân.

Kiệt quệ sau 2 năm "sập bẫy" công ty phân bón - Ảnh 5.

Toàn bộ phân bón của Công ty Quang Viễn phân phối cho Công ty Quang Dũng vẫn được niêm phong 2 năm nay và ông Viễn, ông Thu phải chịu chi phí thuê kho bảo quản. Ảnh: TX

Nhiều người nông dân khu vực Tây Nguyên và các đại lý như ông Thu, ông Viễn như ngồi trên "đống lửa" suốt 2 năm nay đi tìm công lý cho chính bản thân mình. Họ mong chờ những kết quả từ cơ quan chức năng nhưng thời gian đã kéo dài quá lâu, nhiều người đã tỏ ra mệt mỏi và kiệt quệ, lo sợ lại có thêm một vụ "Thuận Phong" thứ 2.



danviet.vn
Báo cáo phân tích thị trường