Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Intimex Group xuất khẩu cà phê nhiều nhất cả nước niên vụ 2021/2022
03 | 01 | 2023
Trong niên vụ 2021/2022, tổng lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu tăng 13% so với niên vụ trước, trong đó Intimex Group là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, tiếp đến là Vĩnh Hiệp và Công ty 2/9.

Nguồn: mekongasean.vn

Theo số liệu của của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), tổng lượng xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2021 - 2022 khoảng 1,7 triệu tấn, gồm cả cà phê arabica và thành phẩm, tăng 13% so với niên vụ trước đó do giá trên sàn London giữ ở mức cao, thúc đẩy người dân bán ra.

Bên cạnh đó, niên vụ vừa qua, cà phê robusta của Việt Nam không chịu cạnh tranh từ mặt hàng cùng loại của Brazil do sản lượng của nước này giảm. Trong năm qua, Intimex Group là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, tiếp đến là Vĩnh Hiệp và Công ty 2/9.

Tổng lượng cà phê nhân được sử dụng để sản xuất, chế biến trong nước ước tính 300.000 tấn trong đó 130.000 tấn dùng để rang xay và 170.000 tấn dùng để chế biến cà phê hoà tan. Trong 6 tháng đầu vụ, xuất khẩu liên tục tăng (từ tháng 2/2022) với tổng khối lượng gần 1 triệu tấn, chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu của cả vụ.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối, lượng xuất khẩu giảm do người dân chỉ bán với mức giá cao. Một số tháng cuối vụ, Việt Nam còn chịu cạnh tranh từ cà phê robusta Indonesia được chào bán với mức giá thấp hơn. Theo đó, trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 9, Indonesia vào vụ, giá Robusta rẻ hơn Việt Nam 100 - 200 USD/tấn khiến nhu cầu mua từ Việt Nam giảm mạnh.

Dịch chuyển tỷ trọng xuất khẩu cà phê giữa các quốc gia

Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 10 tiếp tục tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 triệu bao. Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 9,5% so với 8,9% của cùng kỳ năm ngoái. Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 291.345 bao ra thị trường quốc tế trong tháng 10, giảm 6,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lượng cà phê hoà tan xuất khẩu của hai nước đứng sau là Ấn Độ và Indonesia tăng tới 25% và 33,7%, đạt lần lượt 180.000 bao và 397.805 bao. Trong tháng 10, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 5 triệu bao.

Tại khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu của khu vực này tăng nhẹ 10.000 bao lên mức 3,2 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu của các nước trong khu vực lại có biến động trái chiều khi Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng 15,1% và 34,5%, trong khi Việt Nam giảm tới 19,5%.

Xuất khẩu cà phê từ châu Phi đạt 1,1 triệu bao trong tháng 10, giảm 2,4% so với cùng kỳ vụ trước. Trong đó, hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu chính trong khu vực là Ethiopia và Uganda sụt giảm lần lượt là 10,9% và 6%.

Ngược lại, sự gia tăng được ghi nhận tại một số quốc gia khác như Burundi (316,7%), Bờ Biển Ngà (83,2%) và Kenya (46,3%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ba nước này chủ yếu đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung cà phê thế giới niên vụ 2022/2023 có thể thừa 4,9 triệu bao

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ cà phê từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 đạt 172,80 triệu bao, cao hơn 4% so với năm trước.

Cùng với đó, sản lượng sản xuất ước tính ở Brazil trong niên vụ cà phê từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 sẽ cao hơn 7,8% so với niên vụ cà phê trước đó, với tổng số 62,6 triệu bao trong niên vụ 2022/23.

USDA cũng đưa ra dự báo nhu cầu cà phê toàn cầu trong niên vụ từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023 có thể đạt 167,90 triệu bao, tăng 0,48% so với năm trước. Dự báo mới nhất cho thấy khả năng nguồn cung cà phê toàn cầu dư thừa khoảng 4,9 triệu bao.

 



Báo cáo phân tích thị trường