Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa giả, sữa “nổ” lộ sáng: Cơ hội cho ai?
22 | 04 | 2025
Sữa giả, sữa “nổ” bị phanh phui không chỉ làm dấy lên làn sóng hoang mang trong cộng đồng cha mẹ, mà còn phơi bày mặt tối của những chiêu trò quảng cáo lố. Nhưng giữa cơn khủng hoảng niềm tin ấy, lại là cơ hội để những thương hiệu sữa tử tế, minh bạch bước lên khẳng định vị thế.

Nguồn: thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn

Người dùng tỉnh táo hơn

Những ngày gần đây, thông tin về các sản phẩm sữa giả, sữa quảng cáo quá đà, thậm chí sai sự thật bị phanh phui đã khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Khi niềm tin bị tổn thương, người tiêu dùng bắt đầu trở nên dè chừng, quay lưng với những cái tên từng "nổi như cồn" trên mạng xã hội nhờ các chiêu trò tiếp thị hào nhoáng.

Sữa giả, sữa “nổ” lộ sáng: Cơ hội cho ai? - ảnh 1

Gần 600 loại sữa giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện

Tuy nhiên, trong "cơn khủng hoảng niềm tin" ấy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là bài học đắt giá cho toàn ngành, mà còn là cơ hội vàng cho những thương hiệu làm ăn bài bản, minh bạch, lấy chất lượng làm nền tảng. “Tôi mua sữa cho con không phải vì quảng cáo mà phải nhìn kỹ nguồn gốc, chứng nhận an toàn, và quan trọng nhất là con uống có hợp không. Trước giờ nghe theo bạn bè giới thiệu, giờ thì phải tìm hiểu kỹ hơn. Không thể tin hoàn toàn vào những lời tung hô trên mạng nữa”, chị Thu Hằng (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ sau khi một nhãn sữa từng gây sốt online bị tố sai phạm về chất lượng.

Không chỉ chị Hằng, rất nhiều bà mẹ bỉm sữa khác giờ đã chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng về thành phần, chứng nhận dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ... trước khi chọn mua sữa cho con. Trào lưu "uống thử, review thật", từng giúp nhiều sản phẩm "lên hương", giờ đang trở thành con dao hai lưỡi khi người tiêu dùng quay lại chất vấn: “Thực sự có tốt như lời đồn?”.

Thời gian qua, không ít sản phẩm sữa mới ra mắt đã nhanh chóng trở nên nổi bật nhờ chiến dịch marketing rầm rộ, đánh vào tâm lý của phụ huynh như: tăng chiều cao vượt trội, phát triển trí não tối ưu,...

Tuy nhiên, khi các chuyên gia dinh dưỡng vào cuộc, kiểm chứng các thành phần thực tế, nhiều sản phẩm đã bị bóc mẽ về việc quảng cáo sai lệch, không đủ bằng chứng khoa học, thậm chí chứa thành phần không phù hợp cho trẻ nhỏ.

Minh bạch, rõ ràng thông tin

Theo các luật sư, kẽ hở khiến công tác giám sát, kiểm tra sữa giả gặp khó là các sản phẩm này hiện chủ yếu bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nơi việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ. Thậm chí, để lách kẽ hở, các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người có sức ảnh hưởng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo...

Luật sư cho rằng, trong việc sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần phải có nội dung ràng buộc trách nhiệm liên đới nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời có chế tài mạnh hơn (như cấm có thời hạn quảng cáo, buộc xin lỗi công khai, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự).

“Nếu người nổi tiếng không nhận thức đúng vai trò của mình, và không có sự tỉnh táo trong hoạt động kinh doanh, thì người chịu thiệt sẽ chính là công chúng. Do vậy, bên cạnh những chế tài pháp lý cụ thể và nghiêm khắc hơn nhằm xử lý trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng bá, kinh doanh sản phẩm thiếu trung thực, điều quan trọng hơn cả vẫn là sự tự ý thức của chính họ”- Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco cho biết.

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường sữa Việt

Ngành sữa Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện nay, đang có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, trong đó có 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa. Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%).

Các doanh nghiệp hàng đầu trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài bao gồm FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand).

Ngành sữa Việt Nam hiện là một trong những thị trường thực phẩm – đồ uống phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị thị trường ước đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2024, và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 8,65% đến năm 2029.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn là "gã khổng lồ" thống lĩnh thị trường, chiếm gần 50% thị phần toàn ngành tính đến cuối năm 2024.

Vinamilk có mặt ở hầu hết các phân khúc: sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đặc và gần đây là cả sữa thực vật. Năm 2024, Vinamilk đạt 61.824 tỷ đồng doanh thu – tăng 2,2% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 9.453 tỷ đồng – tăng 4,8%. Vinamilk đặt kế hoạch năm 2025 tiếp tục tăng trưởng, với doanh thu 64.505 tỷ đồng – tăng 4,3% và lợi nhuận sau thuế 9.680 tỷ đồng – tăng 2,4%.

Ngoài việc giữ vững thị phần trong nước, Vinamilk còn đẩy mạnh xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng doanh số từ các thị trường quốc tế trong khi vẫn đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và phát triển sản phẩm xanh, sạch.

TH True Milk hiện chiếm khoảng 30–45% thị phần sữa tươi đóng hộp tại Việt Nam. Hãng này định vị sản phẩm ở phân khúc sữa tươi sạch, hữu cơ và cao cấp, tập trung mạnh vào yếu tố nguồn gốc và tiêu chuẩn quốc tế trong chăn nuôi.

TH cũng là thương hiệu nội địa đầu tiên đầu tư bài bản vào chuỗi sản xuất sữa tươi khép kín, với hệ thống trang trại tại Nghệ An và các tỉnh khác. Ngoài thị trường nội địa, TH đang mở rộng mạnh mẽ ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Lào, Nga và các nước ASEAN.

FrieslandCampina Vietnam – công ty sữa đến từ Hà Lan, sở hữu thương hiệu Dutch Lady (Cô Gái Hà Lan), hiện chiếm khoảng 25% thị phần ngành sữa Việt Nam. Dù là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng Dutch Lady đã có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm và là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng.

Dutch Lady có thế mạnh trong phân khúc sữa bột và sữa tiệt trùng, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ em, học sinh và người trung niên. Thương hiệu này gần đây cũng đầu tư phát triển các sản phẩm ít đường, bổ sung vi chất, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Nestlé Vietnam: Dù là tập đoàn đa quốc gia, Nestlé chỉ chiếm khoảng 7% thị phần ngành sữa tại Việt Nam (chủ yếu qua thương hiệu Nestlé NAN và Milo), nhưng lại mạnh về phân khúc dinh dưỡng trẻ em và đồ uống dinh dưỡng.

Nutifood: Là doanh nghiệp Việt chuyên về sữa bột và thực phẩm dinh dưỡng, Nutifood có lợi thế nhờ đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng trong nước. Công ty này đang đẩy mạnh mở rộng thị trường với các dòng sản phẩm cao cấp và hữu cơ.

IDP (Lof Milk): Đây là thương hiệu đang nổi lên ở phân khúc sữa tươi và đồ uống có nguồn gốc từ sữa dành cho giới trẻ, với hình ảnh thương hiệu trẻ trung và năng động.



Báo cáo phân tích thị trường