Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có cần dự trữ 100.000 tấn urê?
05 | 06 | 2007
Mới đây, Bộ Thương mại có Văn bản số 2783/BTM-TTTN đề nghị Chính phủ giao cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ dự trữ thường xuyên 100 nghìn tấn urê cho đến khi Nhà máy Điện đạm Cà Mau hoạt động
Trước vấn đề này, Hiệp hội Phân bón cho rằng không cần phải dự trữ vì lãng phí, tốn kém. Trong khi đó, nhu cầu urê hiện nay đã được cân đối đủ từ các nguồn sản xuất trong nước, tồn kho và nhập khẩu.

Lý do phải dự trữ 100 nghìn tấn urê thường xuyên trong vòng khoảng 3 năm mà Bộ Thương mại kiến nghị với Chính phủ là e ngại thị trường thiếu, gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 30/5/2007, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPB), ông Nguyễn Đình Hạc Thúy giải thích: “Chẳng có lý do gì phải dự trữ 100 nghìn tấn urê trong hàng năm trời như vậy. Bởi vì hiện nay, nhu cầu thị trường cả nước đã giảm và các nguồn cung hoàn toàn cân đối đủ!”.

Vậy, tại sao quan điểm giữa Bộ Thương mại và Hiệp hội Phân bón lại trái ngược nhau? Trên thực tế, có cần thiết phải dự trữ urê không?Số liệu cân đối của HHPB năm 2006 cho thấy: nhu cầu urê cả nước hiện chỉ giao động từ 1,6 triệu đến 1,7 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất trong nước khoảng 800 nghìn tấn (650 nghìn tấn từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ và 150 nghìn tấn từ Nhà máy Đạm Hà Bắc). Nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và tồn kho khoảng 850 nghìn tấn. So với tổng cầu, khả năng cân đối là hoàn toàn đủ.

Cần nói thêm, thị trường nhập khẩu urê hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc, với giá tương đối rẻ, gần Việt Nam nên chi phí vận chuyển không lớn. Vì vậy, trong hai năm gần đây, bất cứ lúc nào thị trường cần, lập tức các nhà nhập khẩu đều mở đơn hàng đáp ứng đủ.

Còn nếu cân đối riêng cho vụ hè thu và vụ mùa 2007, HHPB cho biết: nhu cầu urê vụ hè thu cả nước khoảng 400 nghìn tấn, hiện vẫn còn dư ra 100 nghìn tấn. Trong số 100 nghìn tấn chưa tiêu thụ này, có hơn 70 nghìn tấn từ Đạm Phú Mỹ, hơn 5 nghìn tấn từ Nhà máy Hà Bắc và 20 nghìn tấn đang lưu lại trong các kênh phân phối. Trước khi chuyển sang vụ mùa (kéo dài từ tháng 8,9,10/2007), vụ hè thu chỉ sử dụng hết 50 nghìn tấn để bón thúc và vẫn còn 50 nghìn tấn gối sang vụ sau.

Năng lực sản xuất trong các tháng 8,9,10/2007 của Đạm Phú Mỹ gần 200 nghìn tấn và 50 nghìn tấn từ Nhà máy Hà Bắc. Ngoài ra, thị trường còn được bổ sung bình quân mỗi ngày 2.000 - 2.500 tấn urê tiểu ngạch từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (tùy thuộc vào con nước lên xuống) và chỉ cần nhập khẩu khoảng 2 tháng là được 100 nghìn tấn. Như vậy, tổng có urê vụ mùa khoảng 400 nghìn tấn.

Theo HHPB, nhu cầu urê vụ mùa cũng chỉ cần đến vậy. Chưa kể, khi cửa khẩu đường bộ Bát Xát (Lào Cai) nối với Trung Quốc thông thương tốt, nhu cầu urê không những không thiếu mà lúc nào cần là có.

Theo thời giá hiện nay, mỗi tấn urê khoảng 4,7 triệu đồng, nếu dự trữ 100 nghìn tấn, ước mỗi năm, NM Đạm Phú Mỹ bị đọng vốn 470 tỷ đồng. Nếu lấy lãi vay ngân hàng khoảng 10%/năm làm cơ sở tính toán thì mức thiệt hại sẽ lên tới 47 tỷ đồng.

Ông Phạm Hữu Tiến, Phó tổng giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, ngoài thiệt hại 47 tỷ đồng mỗi năm, nhà máy còn phải chịu thêm các chi phí lưu kho, đảo kho, bảo quản, tổng thiệt hại sẽ lên tới xấp xỉ 80 tỷ đồng/năm. Chưa hết, thời gian đề nghị dự trữ theo Bộ Thương mại kiến nghị là kéo dài đến khi Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động.

Một quan chức của Bộ Công nghiệp cho biết, Dự án đạm Cà Mau đã hoàn thành nghiên cứu khả thi, đang triển khai đấu thầu các gói thầu, thời gian thi công kéo dài trong 3 năm. Điều này được hiểu, Nhà máy đạm Cà Mau vẫn chưa...ra khỏi giấy! Như vậy, mức thiệt hại của Đạm Phú Mỹ sẽ lên tới gần 240 tỷ đồng, ai chịu khoản này?

Ngoài ra, HHPB còn cho biết thêm, câu chuyện dự trữ urê đã có một bài học khá đắt từ 2003. Tại thời điểm đó, các bộ quản lý yêu cầu dự trữ 300 nghìn tấn trong khi Hiệp hội phân bón và các doanh nghiệp phản đối. Bàn đi tính lại, các bộ quyết định rút mức dự trữ xuống còn 100 nghìn tấn và giao cho ba doanh nghiệp gồm Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Công ty Vật tư nông nghiệp Apromaco, Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An thực thi.

Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, Bộ Thương mại đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bán ngay 100 nghìn tấn urê nói trên vì giá xuống quá nhanh. Mặc dù bán đổ, bán tháo nhưng “phi vụ” này, các doanh nghiệp bị lỗ sơ sơ 23 tỷ đồng, nhưng chẳng có bộ nào đứng ra chung chia rủi ro kia.

Chuyện cũ đã 4 năm nhưng bài học vẫn còn. Thiết nghĩ, nếu bộ ngành vẫn duy trì tư duy quản lý thiếu sâu sát thực tế, không tính tới lợi ích của doanh nghiệp thì việc ban hành văn bản chỉ để cho xong chuyện mà thôi

Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường