Tình trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp chè trong nước lao đao, đồng thời có thể làm tàn lụi hàng chục nghìn ha chè trong thời gian ngắn. Báo cáo của Hiệp hội chè cho biết, vào vụ chè xuân 2007, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5, thị trường nguyên liệu chè tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh biên giới và các vùng trọng điểm chè diễn biến rất phức tạp. Thương nhân Trung Quốc đã xây dựng nhiều đầu mối thu gom chè nguyên liệu để chế biến kiểu chè được gọi là chè vàng.
Nguyên liệu cung ứng cho các tư thương này không cần phân loại phẩm cấp (chè thường dài 10-12 cm, 5-7 lá, thu hái bằng dụng cụ dao, liềm, phơi nắng ngoài đường...). Giá loại chè xanh được chế biến theo kiểu chè vàng đã được đẩy lên đến mức bất thường, 17.000-19.000 đồng/kg, có lúc 23.000-25.000 đồng/kg (khoảng 3-3,2 kg chè tươi là làm được 1 kg chè loại này, trong khi tỷ lệ bình quân phải là 4,5 kg chè tươi/1 kg chè khô).
Vì vậy, giá chè tươi nguyên liệu có thời điểm đã được đẩy lên tới 5.000 đồng/kg (bình thường chỉ 2.000-2.500 đồng/kg). Riêng loại chè vàng phơi nắng được chế biến từ chè Shan Tuyết được tiêu thụ ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc với mức giá 75.000-90.000 đồng/kg. Cơn "lốc" thu mua chè vàng còn lan vào vùng chè Lâm Đồng. Nhiều thương nhân xuống tận các cơ sở thu gom chè xanh, phơi nắng lẫn cả đất, đá, tro, bụi rồi đem bán.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình ở vùng chè cũng đã bỏ hàng chục triệu đồng mua sắm thiết bị chế biến thủ công tự sao chè bán cho thương nhân Trung Quốc. Sau hai tháng 4-5 làm ăn náo nhiệt, đến đầu tháng 6, khi thương nhân Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua nguyên liệu giá chè vàng thì đã có đến là 5.000-7.000 tấn chè nguyên liệu khô đọng lại, đứng trước việc bị đổ bỏ vì không thể đáp ứng chất lượng chè dùng tinh chế. Đi kèm là hàng chục nghìn hécta chè sau một thời gian bị khai thác cạn kiệt bằng cả liềm, dao nay đã xuất hiện triệu chứng suy kiệt thậm chí bị giảm năng suất tới 30% do thu hoạch quá sớm.
Hàng chục doanh nghiệp chè trong nước đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu, sản lượng sụt giảm chỉ bằng 1/4 - 1/5 công suất thiết kế. Nhiều doanh nghiệp chế biến chè đen đã phải đơn phương xóa bỏ hợp đồng với các đối tác nước ngoài, chịu lỗ vì không đủ hàng giao theo đúng hợp đồng kéo theo hàng nghìn công nhân không có việc làm.
Không chỉ làm ăn thua lỗ, ngành chè Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất uy tín trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp nước ngoài đã quay lưng lại với chè Việt Nam. Một công ty nước ngoài đã kiện Công ty chè Sông Lô và Công ty chè Nghệ An vì phá vỡ hợp đồng do thiếu nguyên liệu để giao. Nếu tình trạng "chảy máu" chè vàng còn tiếp tục, sẽ có thêm nhiều nhà máy chè phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội chè Trần Văn Giá, vấn nạn chè vàng không chỉ diễn ra trong năm nay mà đã âm ỉ từ nhiều năm trước do Trung Quốc luôn có nhu cầu nhập nguyên liệu để chế biến loại chè vàng đặc sản. Loại chè được chế biến từ chè Shan Tuyết, làm lên men và ủ nhiều lần để lá chè chuyển màu, chuyển chất. Khi đã trở thành chè vàng, pha ra nước chè có vị thơm mát, sóng sánh và có viền vàng rất đẹp.
Một loại chè vàng khác rất quý được Trung Quốc ưa chuộng là chè Phổ Nhĩ. Nguyên liệu làm loại chè này cũng từ chè Shan Tuyết của đồng bào Dao ở huyện Phổ Nhĩ (Trung Quốc) và Hà Giang. Loại chè này phải qua quá trình 50-60 ngày vò, phơi, ủ nhiều lần, đến khi soi bằng kính hiển vi thấy có mộc nhĩ mọc trên lá chè, khi pha có mùi gỗ thông, thơm mát. Loại chè này có tác dụng chống ung thư, nhuận tràng, lợi tiểu...
Theo các chuyên gia ngành chè, nếu xây dựng được vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết (Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang) ổn định với sản lượng 2.500-2.700 tấn/năm, sau khi được tinh chế, loại chè vàng sẽ có thể đạt được mức giá trên 1 triệu đồng/kg. Với giá thành này, bản thân người trồng chè và doanh nghiệp chè trong nước đều có lợi. Nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn chế biến chè vàng. Vì vậy, rất khó để hoạt động thu gom chè vàng đi vào khuôn khổ.
Xét đến cùng, sự bùng phát của nạn chè vàng cũng chỉ là một trong hàng loạt những bất cập mà ngành chè đang phải đối mặt hiện nay như: không thể kiểm soát việc tuân thủ quy trình chăm sóc, thu hái, sơ chế, cũng như tình trạng phá hợp đồng bán cho tư thương thay vì nhà máy chè.
Phải chăng đã đến lúc cần xem lại vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển vùng chè nguyên liệu thay vì chỉ đổ lỗi cho người trồng chè? Người trồng chè thực sự cần đầu tư cả về giống, vốn, công nghệ cũng như cần được đối xử công bằng về thông tin thị trường chè hiện nay