Vụ Đa biên - Bộ Thương mại cho biết, đến nay, sau 10 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và hơn 2 năm áp dụng chính sách ưu đãi thuế theo các thỏa thuận AFTA, mới chỉ có rất ít DN Việt Nam tận dụng được các ưu đãi để tăng xuất khẩu. Rất nhiều DN chưa quan tâm nghiên cứu các chính sách ưu đãi để vận dụng.
Cụ thể, theo điều tra của Vụ Đa biên, đến nay mới chỉ có 5% DN Việt Nam sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D - loại C/O dùng cho hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong khu vực thương mại tự do AFTA, thường có mức thuế từ 0-5%. Điều này có nghĩa mới có 5% DN xuất hàng được hưởng các ưu đãi thuế quan, 95% DN còn lại chưa biết để vận dụng những ưu đãi này một cách có lợi nhất cho mình.
Điều này có thể là nguyên nhân của tình trạng khi tham gia vào AFTA, tốc độ nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ thị trường ASEAN vào Việt Nam cao hơn tốc độ xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường này. Thực tế, khi giảm thuế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã tăng lên đáng kể nhưng tốc độ tăng xuất khẩu không cao bằng tốc độ tăng nhập khẩu. Bộ Thương mại đã khuyến cáo các DN phải chú ý khai thác thị trường ASEAN hơn nữa.
Các hàng rào phi thuế thường do các nước phát triển dựng lên và các nước luôn có cơ sở khoa học để bảo vệ những rào cản mà họ xây dựng lên. Vì vậy, việc nắm vững pháp luật và tận dụng hợp lý những ưu đãi thuế quan sẽ giúp DN xuất khẩu tiết kiệm được những khoản thuế lớn và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Liên quan đến việc giảm thuế trong quá trình hội nhập AFTA, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành danh mục thuế suất ưu đãi cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước thuộc khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc. Tháng trước, một danh mục tương tự cũng được ban hành dành cho hàng hóa thuộc khu vực ASEAN - Trung Quốc.