Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc với tác động của ACFTA
10 | 08 | 2007
Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thị trường lớn và đa dạng, khả năng cạnh tranh cao, lại do vị trí gần kề, Trung Quốc vừa là bạn hàng quan trọng đầy tiềm năng, lại vừa là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.
Những lợi thế cơ bản trong hoạt động thương mại với Trung Quốc là vị trí địa lý gần kề, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng có nhiều nét tương đồng, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ vừa phải. Do vậy, trên cơ sở xem xét chính sách của Trung Quốc, Việt Nam nên có chính sách thích hợp, coi trọng buôn bán biên mậu, tận dụng phương thức này để gia tăng xuất khẩu trên cơ sở hình thành sự điều hành tập trung và nhịp nhàng từ phía ta. Đồng thời, cần chú trọng thị trường Hồng Kông - một thị trường tiêu thụ lớn và vốn là một khâu trung chuyển quan trọng nhưng gần đây có xu hướng thuyên giảm trong buôn bán với ta.
Với ACFTA (Khu vực thương mại tự do Asean – Trung Quốc), Trung Quốc sẽ dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc như các thành viên WTO. Lợi thế này cộng với các điều kiện về mặt địa lý sẽ là cơ sở để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản sang Trung Quốc, đặc biệt là vào các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Chương trình Thu hoạch sớm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với ACFTA, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế về giá thành sản xuất nông nghiệp đối với các nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, thuỷ sản, rau quả, cao su… nhờ điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu, nhân công rẻ.
Về gạo, trong ASEAN có hai nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan và Việt Nam, hai nước có tiềm năng là Myanmar và Campuchia. So với Thái Lan, hiện nay ta đang có lợi thế về giá thành sản xuất (thấp hơn Thái Lan từ 15-30%). Trên thị trường, hiện nay, Việt Nam có lợi thế về gạo trung bình và cấp thấp, trong khi đó Thái Lan vẫn độc chiếm ưu thế về gạo chất lượng cao. Trong khi đó, năng suất gạo của Trung Quốc khá cao nhưng giá thành sản xuất cũng cao. Tuy là nước xuất khẩu gạo nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu gạo chất lượng cao để phục vụ thành thị. Thái Lan là nước đứng đầu trong xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, chiếm tới 99% thị phần. Do vậy, muốn tăng cường xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, Việt Nam cần phải sản xuất gạo đặc sản, chất lượng cao.
Về cà phê, Việt Nam có ưu thế đặc biệt về giá thành sản xuất do năng suất thuộc laọi cao nhất thế giới (trên 2 tấn/ha so với bình quân 7-8 tạ/ha của Indonesia). Tuy nhiên, thời gian qua chưa xuất khẩu được nhiều sang Trung Quốc do dân Trung Quốc chưa có nhu cầu tiêu dùng cà phê nhiều, công tác tiếp thị và xúc tiến của ta chưa tốt. Với thu nhập và nhu cầu của Trung Quốc ngày càng phát triển, ACFTA sẽ tạo thuận lợi tốt cho mặt hàng cà phê của Việt Nam.
Về cao su, trong Asean, 3 nước Thái lan, Indonesia và Malaysia sản xuất và xuất khẩu trên 80% lượng cao su toàn thế giới. Hiện nay giá thành của ta thấp hơn các nước này nhưng do hạn chế về số lượng và cơ cấu sản phẩm nên xâm nhập thị trường khó khăn. Trong những năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường lớn.
Về hồ tiêu, Việt Nam có năng suất cao trên thế giới và công nghiệp chế biến đạt chất lượng cao. Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam và Việt Nam rất ít gặp phải trở ngại từ phía các nước ASEAN về cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm này.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh khác như chi phí dịch vụ phục vụ thương mại, công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng thương mại, kinh nghiệm và uy tín thương mại thì nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, ACFTA sẽ đem lại cơ hội cho hàng nông, lâm, thuỷ sản vì:
Việt Nam thực sự có lợi thế cạnh tranh với một số nhóm hàng như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, rau quả nhiệt đới… do giá thành thấp;
Vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt là nông, lâm hải sản;
Bổ sung cho nhau vì có sự chênh lệch mùa vụ;
Thuế nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể theo ACFTA.
Như vậy, Việt Nam sẽ chủ yếu có khả năng cạnh tranh đối với các mặt hàng thô, chưa qua chế biến như gạo, điều, hạt tiêu, cao su, chè, cà phê, thuỷ hải sản. Những mặt hàng có sức cạnh tranh hạn chế sẽ là rau tươi, quả tươi… vì hiện nay, khả năng cạnh tranh của ta so với các nước ASEAN còn hạn chế. Những mặt hàng mà Việt Nam sẽ không có khả năng cạnh tranh vìe sức cạnh tranh còn thấp so với hàng hoá ASEAN và Trung Quốc chủ yếu là những mặt hàng nông sản chế biến hiện đang được bảo hộ cao như mía đường, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu thực vật đã tinh chế…
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng trong cơ cấu hàng nông sản của ta và các nước ASEAN sẽ có nhiều mặt hàng tương đồng, do vậy, cần có chiến lược tập trung phát triển và quy hoạch sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng mà ta có khả năng cạnh tranh cao và tận dụng ưu thế địa lý của ta để nâng cao xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đang và sẽ là nhà nhập khẩu chính dầu thô của Việt Nam, tuy nhiên, theo phương án giảm nhập khẩu sản phẩm xăng dầu từ nước ngoài để đảm bảo đến năm 2010 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng gần 80% nhu cầu về sản phẩm dầu và khí, thì xuất khẩu dầu thô sẽ giảm đi.
Về than đá,  hiện nay, Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam, tuy nhiên, dự kiến nhu cầu nội địa sẽ tăng đáng kể do xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới nên xuất khẩu cũng sẽ chỉ dao động ở mức 4 triệu tấn/năm, mang lại kim ngạch mỗi năm khoảng 120-150 triệu USD. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính của ta trong những năm tới.
Về thuỷ sản, đây là mặt hàng có tiềm năng lớn do tiềm năng khai thác và nuôi trồng còn nhiều, nhu cầu thị trường thế giới tăng khá ổn định. Dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn của mặt hàng này.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 năm tới, chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng nguyên vật liệu, nông, lâm thuỷ hải sản. Việt Nam vẫn sẽ khó thâm nhập vào thị trường này ở các mặt hàng có hàm lượng công nghệ, trí tuệ cao. Cũng phải nhìn nhận rằng Trung Quốc có xu hướng mua nguyên liệu thô về chế biến do vậy cơ hội xuất khẩu sản phẩm thô là có thực song giá trị gia tăng thấp.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Trung Quốc là hoá chất, thuốc trừ sâu, một số chủng loại phân bón, chất dẻo nguyên liệu, bông, sắt thép, máy móc, thiết bị và phụ tùng.
Riêng về hàng nông sản, Trung Quốc sẽ có thế mạnh về máy móc, vật tư nông nghiệp, rau quả ôn đới. Riêng với rau quả ôn đới và thực phẩm chế biến, hiện nay, Việt Nam duy trì thuế suất tương đối cao, do vậy khi ACFTA có hiệu lực, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Đối với các vật tư và máy móc nông nghiệp, Việt Nam sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng lắm do hiện nay mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đã tương đối thấp.
(Tổng hợp)


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường