1. Sự phát triển của thể chế ngoại thương Trung Quốc Ngoại thương là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận nhiệm vụ trao đổi, giao lưu kinh tế với nước ngoài, góp phần đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật, tạo tiền đề cho mỗi quốc gia. Với vị trí địa lí thuận lợi, nhiều vùng giáp biển, diện tích lãnh thổ trên 9,6 triệu km2, chiếm 7% diện tích thế giới, dân số đông nhất thế giới (1,3 tỉ người năm 1999), tài nguyên thiên nhiên phong phú... nên Trung Quốc là một trong những nước có tiềm năng lớn trong việc mở rộng quan hệ ngoại thương với các nước khác trên thế giới. Thực tế đã chỉ ra rằng, hơn 20 năm thực hiện công cuộc cải cách mở cửa, ngoại thương Trung Quốc có một vị trí cực kì quan trọng, trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế cao của đất nước.
1.1. Khái quát về ngoại thương Trung Quốc thời kì trước mở cửa.
Ngay sau khi thành lập, Trung Quốc đã bắt tay xây dựng một thể chế ngoại thương mới để mở rộng phạm vi buôn bán với bên ngoài. Ngoại thương trong thời kì này được thực hiện theo một cơ chế tập trung thống nhất từ Trung ương, một cơ chế hoạt động ngoại thương trực thuộc Nhà nước. Hoạt động ngoại thương được chính quyền trung ương lãnh đạo và chi phối bằng các biện pháp hành chính, tức là bằng các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước. Nhà nước quản lí hành chính đối với các công ti ngoại thương, thực hiện kế hoạch trực tiếp và thu - chi thống nhất trong cả nước. Chính vì vậy, đặc trưng của thể chế quản lí hoạt động ngoại thương thời kì này là thể chế của nền kinh tế hiện vật, trên cơ sở chế độ công hữu đơn nhất.
Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và xu thế toàn cầu nên thể chế quản lí hoạt động ngoại thương trên đã bộc lộ một số nhược điểm và hạn chế của nó, mặc dù nó cũng có tác dụng tập trung được sức mạnh tổng hợp để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế và đã phần nào tạo được chỗ đứng trong quan hệ mậu dịch quốc tế:
Thứ nhất, trong một thời gian dài, Nhà nước chỉ duy trì chính sách kinh doanh độc quyền, thống nhất, được điều hành bằng mệnh lệnh hành chính thông qua một mạng lưới các công ti ngoại thương đã khiến cho tình hình buôn bán luôn luôn trong thế bị động; các công ti thương mại không chủ động phát huy sáng tạo trong sản xuất kinh tế, ỷ lại vào Nhà nước. Kết quả là sản xuất không phát huy được hiệu quả, bị tách khỏi tiêu thụ, mất tính tập trung với quy mô lớn, hình thành việc buôn bán đơn lẻ, thiếu những kênh tiêu thụ hàng hoá ra thị trường thế giới.
Thứ hai, việc điều hành ngoại thương dựa trên các biện pháp hành chính, các chỉ tiêu pháp lệnh đều được rót từ Trung ương xuống từng xí nghiệp ngoại thương đã làm cho các doanh nghiệp thiếu sự năng động, sáng tạo, tìm tòi. Sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp sản xuất về thị trường, mặt hàng, cơ chế... đã gây nhiều trở ngại hơn cho việc mở rộng khả năng và phạm vi hoạt động ngoại thương.
Thứ ba, do nóng vội và mong muốn phát triển kinh tế, hội nhập với mậu dịch quốc tế nên chính quyền trung ương đã xây dựng một hệ thống các chính sách khổng lồ, chồng chéo. Bên cạnh đó, việc quản lí các hoạt động ngoại thương một cách quá cứng nhắc đã hạn chế rất nhiều đến các giao dịch với nước ngoài. Ngoài ra, sự cạn thiệp quá sâu bằng các biện pháp hành chính đã làm mất tác dụng điều tiết của đòn bẩy kinh tế, làm giảm sức cạnh tranh trong việc tham gia trao đổi mậu dịch trên thế giới.
Các hạn chế trên đây là kết quả của một thể chế ngoại thương được điều hành bằng chỉ tiêu pháp lệnh, hành chính. Việc thực hiện một chính sách "bế quan toả cảng" và một cơ chế điều hành tập trung như vậy rõ ràng không phù hợp với xu thế quốc tế là mở rộng quan hệ đối ngoại, hoà nhập quốc tế, tham gia tích cực vào buôn bán toàn cầu. Mặt khác, cơ chế điều tiết này cũng đã làm xơ cứng tác dụng điều tiết của đòn bẩy kinh tế khiến cho nền kinh tế trì trệ và không ổn định. Chính vì vậy, Trung Quốc buộc phải tiến hành cải cách ngoại thương để nó có thể đảm đương nhiệm vụ quan trọng của mình trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế hiện đại. Mục đích chủ yếu của cuộc cải cách này là mở rộng quyền hạn chủ động kinh doanh ngoại thương, khơi dậy sự năng động, tính sáng tạo, tích cực cho các xí nghiệp và công ti xuất - nhập khẩu ngoại thương; mở rộng các kênh tiêu thụ hàng hoá ra thị trường nước ngoài, tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao vị trí của hàng hoá xuất nhập khẩu của Trung Quốc trên thị trường quốc tế... Và thực tế đã chứng minh rằng, nhờ chủ trương đúng đắn này mà Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu, mức sống người dân thấp, cơ sở vật chất kĩ thuật thiếu thốn... đã vươn lên là một trong năm cường quốc kinh tế, có sức mạnh kinh tế không chỉ với các nước đang phát triển mà với cả các nước kinh tế phát triển khác trên thế giới.
1.2. Các chính sách cải cách ngoại thương Trung Quốc thời mở cửa
Một là, trao quyền tự chủ kinh doanh ngoại thương xuống các địa phương. Nhà nước đề ra các biện pháp cụ thể như: cho phép các địa phương có thể thành lập các công ti ngoại thương địa phương; các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh cũng được phép thành lập tổng công ti ngoại thương riêng; ưu tiên quyền hạn kinh doanh xuất - nhập khẩu cho hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông; đưa quyền sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cho các xí nghiệp sản xuất cỡ nhỏ và vừa; từng bước mở rộng quyền kinh doanh cho các tổng công ti xuất - nhập khẩu... Chính sách này đã mở ra một bước ngoặt mới quan trọng mới quan trọng trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, có tác dụng mở rộng quan hệ mậu dịch.
Hai là, đổi mới cơ chế quản lí ngoại thương. Trước đây, các hoạt động ngoại thương được quản lí trực tiếp bằng các công cụ hành chính đã gây cản trở rất lớn cho hoạt động ngoại thương. Chính vì vậy, cần phải thay cơ chế quản lí này bằng một cơ chế quản lí ngoại thương khác gọn nhẹ hơn và năng động hơn, phối hợp quản lí vĩ mô với quản lí vi mô. Thông qua việc thành lập Bộ Ngoại thương với những quyền hạn và chức năng của mình trong việc quản lí ngoại thương ở cấp vĩ mô thì các tỉnh, thành phố, khu vực tự trị cũng thành lập các Uỷ ban ngoại thương, Cục quản lí ngoại thương để lãnh đạo và quản lí công tác ngoại thương của các địa phương. Ngoài ra, các công ti cũng từng bước thay đổi chức năng quản lí sang kinh doanh, thực hiện kinh doanh tổng hợp, đa dạng; được phép hoạt động riêng. Do đó, hoạt động buôn bán với nước ngoài ở các địa phương phát triển khá mạnh.
Ba là, thực hiện chế độ khoán kinh doanh ngoại thương. Thể chế này thực hiện nới lỏng quyền hạn kinh doanh, thông qua phương thức khoán chỉ tiêu hàng hoá và thu nhập từ xuất - nhập khẩu trực tiếp cho các doanh nghiệp và công ti xuất - nhập khẩu trực tiếp cho các doanh nghiệp và công ti xuất - nhập khẩu ngoại thương. Hình thức khoán được thực hiện là: tổng công ti ngoại thương trung ương giao khoán xuất - nhập khẩu trực tiếp cho các địa phương. Các địa phương chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến xuất - nhập khẩu và giao nộp ngoại tệ lên trên, đảm bảo đầy đủ chỉ tiêu và hiệu quả đối với Nhà nước. Sau khi đã nhận khoán, các địa phương giao chỉ tiêu khoán xuống các doanh nghiệp và cơ sở hoạt động ngoại thương trong tỉnh, thành phố và huyện.
Để phối hợp với việc thực hiện chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh ngoại thương một cách đồng bộ, Trung Quốc đã thực hiện cải cách một số thể chế chủ yếu có liên quan đến sản xuất hàng hoá xuất - nhập khẩu và kinh doanh xuất - nhập khẩu như cải cách thể chế kế hoạch ngoại thương, cải cách thể chế kinh doanh xuất - nhập khẩu, cải cách thể chế phân phối lợi nhuận ngoại thương, cải cách thể chế giữ lại ngoại tệ, cải cách thể chế tài vụ ngoại thương.
Bốn là, phát triển các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Cùng với việc mở rộng quan hệ mậu dịch qua lại với các nước trên thế giới, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc ngày càng sôi động thông qua việc thành lập các cơ quan thương vụ ở các nước có và chưa có quan hệ ngoại giao. Những năm qua, các cơ quan này đã đóng góp rất lớn vào các hoạt động đàm phán và kí kết các hiệp định mậu dịch, bảo vệ quyền lợi của mình ở các nước sở tại, giúp đỡ các tổ chức hoạt động ngoại thương của nước mình trong lĩnh vực trao đổi, buôn bán với nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc còn lập ra các văn phòng đại diện, công ti xuất - nhập khẩu của mình, đặc biệt là bốn trung tâm mậu dịch lớn ở New York, Atlanta, Panama, Hambourg.
1.3. Kết quả đạt được của ngoại thương Trung Quốc từ khi mở cửa đến nay
Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc chuyển thể chế ngoại thương truyền thống của nền kinh tế hiện vật trên cơ sở chế độ công hữu đơn nhất sang một thể chế mới đa dạng, linh hoạt và phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Trung Quốc đã xoá bỏ từng bước quyền lực kinh tế tập trung thống nhất, dành quyền tự chủ rộng rãi trong mậu dịch ngoại thương cho các địa phương, xí nghiệp và công ti ngoại thương; cải cách đồng bộ các thể chế có liên quan. Nhờ đó mà quan hệ mậu dịch đã phát triển với quy mô lớn, từng bước hoà nhập với xu thế phát triển ngoại thương thế giới; mặt khác, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất - nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, làm cho địa vị kinh tế của Trung Quốc ngày càng cao.
Có thể nói Trung Quốc là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Nếu tính từ năm 1979 đến năm 2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 9,5%/năm. Trong năm 2000, nền kinh tế Trung Quốc giữ được mức phát triển nhanh, ổn định, GDP đạt 8.940,4 tỉ nhân dân tệ, tăng 8% so với năm 1999; 6 tháng đầu năm 2001, GDP tăng 8%.
Sau 22 năm tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 22 lần; năm 2000 tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đạt 474,3 tỉ USD, xuất khẩu xếp hàng thứ 7 và nhập khẩu hàng thứ 8 thế giới, tăng 31,5% so với năm 1999; trong đó, xuất khẩu tăng 27,8%, nhập khẩu tăng 35,8%. Kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2001 giảm 20% so với cùng kì năm 2000, chỉ đạt 248,6 tỉ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 128,4 tỉ USD, chiếm 51,6% tổng kim ngạch; nhập khẩu đạt 120,2 tỉ USD, chiếm 48,4% tổng kim ngạch.
Bên cạnh việc mở rộng không ngừng kim ngạch xuất - nhập khẩu thì cơ cấu hàng xuất - nhập khẩu của Trung Quốc cũng ngày càng được cải thiện đáng kể. Trước đây, Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm sơ chế như thực phẩm, súc vật sống, nguyên liệu thô và dầu mỏ; tỉ trọng các hàng công nghiệp trong cơ cấu xuất khẩu chiếm một lượng nhỏ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nhu cầu thị trường thế giới thì các sản phẩm trên không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, Trung Quốc đã chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm gia công, tỉ lệ các mặt hàng này khá cao, khoảng 74% năm 1998 nhờ tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ nên các sản phẩm này có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là hàng dệt, điện máy, hoá chất, quần áo, thực phẩm, nước giải khát, máy móc không dùng điện... Về nhập khẩu, do yêu cầu phát triển đất nước nên trong những năm đầu của cải cách, Trung Quốc chủ yếu nhập những sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến để góp phần đổi mới các cơ sở sản xuất lạc hậu và nhờ vậy đã sản xuất được một lượng hàng có giá trị xuất khẩu cao. Những năm về sau, do thực hiện ý đồ phát triển theo hướng coi "khoa học kĩ thuật là sức mạnh sản xuất thứ nhất" nên hoạt động này càng trở nên sôi động. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là máy móc, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, thiết bị nghe nhìn, phụ kiện... Trung Quốc cũng đã mở rộng quan hệ giao lưu buôn bán với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng phong phú hơn trên các thị trường. Các đối tác thương mại chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ.
Ngoài ra, nhờ mở cửa mà Trung Quốc đã nâng cao được trình độ về kinh tế - kĩ thuật, rút ngắn được khoảng cách so với các nước phát triển, thu hút được một lượng lớn về vốn đầu tư của nước ngoài, làm tăng lượng khách du lịch, nâng cao vị thế của mình trong buôn bán toàn cầu.