Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những hướng đi giúp ngành chế biến thức ăn chăn nuôi Việt Nam phát triển
21 | 09 | 2007
Có thể nói, chưa bao giờ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng trước thách thức to lớn như hiện nay. Dịch lở mồm long móng gia súc chưa qua, dịch cúm gia cầm có nguy tái phát đã đe dọa trực tiếp ngành chăn nuôi, khiến đầu ra của thị trường thức ăn chăn nuôi giảm sút nghiêm trọng; trong khi đó giá cả nguyên liệu đầu vào gia tăng ở mức 15-20% khiến khó khăn chồng lên khó khăn. Chưa nói tới việc cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài nhập vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất TACN đang phải đối mặt với chính những khó khăn nội tại.

Kinh nghiệm là một vấn đề gặp phải đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất TACN Việt nam. Thông thường, các công ty nước ngoài làm trong lĩnh vực này thường có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, đầu tư máy móc hiện đại, có phòng thí nghiệm hiện đại và điều kiện làm việc tốt. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thì lâu nhất cũng chỉ có thâm niên 16-17 năm, trình độ kỹ thuật chưa caos chế và hầu hết các nhà máy đều không có phòng thì nghiệm do khả năng đầu tư hạn chế. Đây là một bất lợi lớn khi ngành sản xuất trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài sản xuất TACN cung cấp cho thị trường trong nước.

Tiếp theo là tình trạng thiếu đội ngũ chuyên gia thực sự hiểu về ngành sản xuất chế biến này. Nếu như các công ty nước ngoài nắm giữ những bí quyết công nghệ được nghiên cứu qua hàng chục năm, với hệ thống kiểm nghiệm luôn song hành cùng quy trình sản xuất, thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của Việt Nam quan tâm tới bí quyết công nghệ. Họ thuê chuyên gia dinh dưỡng lập công thức phối chế sản phẩm. Một số cán bộ của Viện Chăn nuôi, nhiều chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại các tập đoàn nước ngoài đang kiếm thêm thu nhập nhờ nghề lập công thức cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ. Cần phải có chuyên gia giỏi để điều chỉnh công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt nam thiếu những chuyên gia có thể điều chỉnh chất lượng đảm bảo đạt tiêu chuẩn mà giá thành vẫn thấp để có thể cạnh tranh.

Nếu như các doanh nghiệp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm hội nhập thì Việt Nam chỉ mới tham gia vào WTO năm 2006, kinh nghiệm hội nhập còn thiếu nên chiến lược hoạt động chưa tốt, không có thương hiệu và khó giữ uy tín trên thị trường. Hiện nay, nhiều hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi nổi tiếng như Cargill, Proconco, Biomin... đã bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam. Nếu hoạt động không có tầm chiến lược tốt hơn, các doanh nghiệp Việt nam khó có thể cạnh tranh với những công ty chuyên nghiệp đến từ bên ngoài với số lượng đầu tư vốn khổng lồ và hoạt động chuyên nghiệp.

Bên cạnh nhiều thách thức khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất TACN Việt Nam cũng có lợi thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài ở chỗ họ là doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu người Việt hơn, hiểu văn hoá Việt hơn nên có thể có cơ hội phục vụ nhiều hơn và tốt hơn. Nhưng dựa vào ưu thế này chưa đủ để đảm bảo cho các doanh nghiệp TACN cạnh tranh, họ cần làm nhiều hơn để có thể tồn tại và đứng vững ngay trong thị trường nội địa.

Tăng cường năng lực cho ngành sản xuất TACN ở Việt Nam

Định hướng đầu tư mới cho ngành sản xuất TACN Việt Nam có thể hướng tới việc ra đời chính sách khuyến khích tư nhân xây dựng cầu cảng, đầu tư hệ thống vận chuyển, nhà kho mang tính chuyên dụng hay như mở sàn giao dịch về TACN qua mạng để cập nhật thông tin về giá nguyên liệu cũng như thành phẩm TACN công nghiệp của các hãng, các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, một giải pháp giản đơn nhưng góp phần không nhỏ làm giảm giá TACN là cần rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu nhằm giảm thời gian lưu hàng hóa tại cảng; bằng cách đưa ra danh sách các xuất xứ nguyên liệu trong diện phải quản lý để tránh việc phải kiểm tra những xuất xứ không cần thiết như hiện nay; có phương thức tính thuế phù hợp hơn với nguyên liệu thu mua trực tiếp của nông dân.

Để sản phẩm chăn nuôi giữ vững thị trường nội địa, cần phải có sự chỉ đạo trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chính sách đối với ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, để hàng hoá sản xuất ra phục vụ ngay trong vùng và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, đồng thời giảm chi phí vận chuyển thức ăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi. Mặt khác, phải có chính sách khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng hệ thống sản xuất hiện đại và hiệu quả.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, với bờ biển dài hơn 3.000 km hoàn toàn đủ khả năng cung cấp nguyên liệu bột cá cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vấn đề là ngành thủy sản cần chú trọng hơn trong việc quy hoạch thời gian đánh bắt cá hợp lý vừa bảo đảm nguồn lợi thủy sản, vừa có tác dụng giữ ổn định mức giá và chất lượng nguyên liệu bột cá. Là một nước nông nghiệp nhiệt đới, nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi. Cùng với cải tiến chất lượng giống, đổi mới công nghệ, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta cần khắc phục những trở ngại về chi phí, dần đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu của ngành nâng nhằm cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi khi tham gia vào quá trình hội nhập.

Tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo đủ nguồn thức giàu năng lượng như cám, gạo, ngô, sắn...; đồng thời chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất hoá dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước. Cần có kiến nghị Nhà nước để có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng với người nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, đậu tương, sắn... để có nguồn nguyên liệu ổn định.

Nhà nước cần có định hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam rõ ràng hơn, như hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, đào tạo nghiên cứu sản xuất để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư xây dựng nhiều phòng thí nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật tại các trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi để nghiên cứu sản xuất tạo ra sản phẩm tốt hơn với giá thành hợp lý hơn, làm quen với kinh doanh trực tuyến, qua sàn giaodịch và sử dụng sàn giao dịch giúp cho việc phát triển chiến lược nguyên liệu.



Nguyễn Quốc Chinh (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường