Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quyết toán thuế theo Luật Quản lý thuế: Nêu cao tính tự giác của doanh nghiệp
25 | 09 | 2007
Theo quy định hết năm tài chính các doanh nghiệp (DN) đều phải thực hiện quyết toán thuế, song trên thực tế vẫn còn khá nhiều DN đang hoạt động chưa thực hiện, thậm chí có DN “quên” hoặc “bị quên” tới 5 - 7 năm, tại sao vậy? Để giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Huyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, xung quanh việc quyết toán thuế của DN hiện nay.

Trong số các DN đang thực hiện chế độ sổ sách kế toán (DN NQD) hằng năm, ngành Thuế quyết toán được bao nhiêu DN? Bao nhiêu DN chưa được thực hiện?

Theo số liệu báo cáo của các Cục Thuế địa phương, năm 2006 ngành Thuế đã thực hiện kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế tại trụ sở cơ quan Thuế được 100% số hồ sơ khai thuế; tiến hành kiểm tra tại trụ sở DN khoảng 20 - 25% DN và khoảng 10 - 12% số hộ cá thể có mở sổ sách kế toán. Riêng 6 tháng đầu năm 2007 đã kiểm tra tại trụ sở của DN được khoảng 15 - 17% đơn vị và 5 - 8% số hộ cá thể có mở sổ sách kế toán.

Theo quy định hết năm tài chính các DN đều phải thực hiện quyết toán thuế, song trên thực tế vẫn còn khá nhiều DN đang hoạt động chưa thực hiện, thậm chí có DN ngành Thuế “quên” vì sao vậy?

Theo cơ chế quản lý thuế mới áp dụng từ 1/7/2007, cơ sở kinh doanh tự tính, tự khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự khai, tự nộp thuế của mình. Cơ quan Thuế thực hiện quản lý theo chức năng trong đó có hai chức năng chính, đó là: Hỗ trợ cho người nộp thuế và thanh tra, kiểm tra thuế. Cơ chế này nhằm nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của cơ sở kinh doanh. Cơ quan Thuế thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra theo phương pháp phân tích, đánh giá, phân loại theo mức độ tuân thủ pháp luật của cơ sở kinh doanh, tức là dựa trên hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh và thông tin trong kho dữ liệu của ngành Thuế hoặc thông tin từ bên thứ 3 cung cấp để phân tích đánh giá mức độ tuân thủ của đối tượng nộp thuế theo các cấp độ. Nhóm tuân thủ tốt các quy định về pháp luật thuế; nhóm tuân thủ tương đối tốt các quy định về pháp luật thuế và cuối cùng là nhóm có rủi ro cao về thuế. Từ đó tập trung nhiều nguồn lực vào thanh tra, kiểm tra.

Theo các văn bản pháp luật áp dụng trước 1/7/2007 quy định DN phải gửi quyết toán, không bắt buộc phải kiểm tra hết các DN, vì vậy không phải cơ quan Thuế “bỏ quên” việc quyết toán thuế tại DN. Tuy nhiên, cũng có DN chưa chấp hành việc kê khai và quyết toán thuế khi kết thúc năm tài chính theo quy định, trường hợp này đòi hỏi ngành Thuế phải theo dõi, đôn đốc nhắc nhở và ra quyết định xử phạt về việc “quên” nộp quyết toán thuế của DN.

Nhiều DN cho rằng, không phải họ không chấp hành mà vì cơ quan Thuế không yêu cầu nên họ không biết đâu mà thực hiện và như vậy rõ ràng cơ quan thuế cũng có lỗi trong việc này. Nhưng một số cán bộ thuế lại lợi dụng việc đó để “vòi vĩnh” DN theo kiểu “hai bên cùng có lợi” hòng chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Nếu DN “chịu chi” thì lại đâu vào đấy, còn không sẽ bị đưa ra mức xử phạt thật nặng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Các luật thuế trước đây và các văn bản pháp luật khác đều quy định chế tài xử lý đối với công chức vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ, Cán bộ thuế cũng như công chức Nhà nước phải thực hiện các quy định này.

Luật Quản lý thuế có hiệu lực thực hiện từ 1/7/2007 đã quy định rõ ràng về quyền của người nộp thuế (điều 6) và nghĩa vụ của người nộp thuế (điều 7), đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm cuả cơ quan Thuế (điều 8) và quyền hạn của cơ quan thuế (điều 9). Do vậy, DN cũng như cơ quan quản lý thuế đều phải thực hiện hiện theo luật, nghiêm cấm cán bộ thuế làm trái luật để “vòi vĩnh” DN.

Với mức xử phạt về những hành vi vi phạm hành chính được quy định rõ tại chương XII của Luật Quản lý thuế, tôi cho rằng, cán bộ thuế khó có thể thoả thuận với DN để “hai bên cùng có lợi” như một số trường hợp đã xẩy ra trước đây... Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc còn có một số cán bộ thuế lợi dụng “câu, chữ” cố tình không hiểu để vòi vình, ăn chia với DN. Để hạn chế việc này, thời gian qua, cơ quan Thuế đã mở đường dây nóng để các cơ sở kinh doanh có thể phản ánh, tố cáo kịp thời các trường hợp nhũng nhiễu của cán bộ thuế, nếu cán bộ thuế vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Hiện ngành Thuế đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình cải cách thuế để người nộp thuế hiểu và tự giác thực hiện theo cơ chế tự khai - tự nộp thuế, tuy nhiên để làm được việc này thì đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ thuế phải thực hiện nghiêm các quy định để làm gương, vậy đối với trường hợp “quên” quyết toán thuế của DN nêu trên, ngành Thuế sẽ xử lý như thế nào?

Thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế, hàng năm cơ quan thuế địa phương đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế dựa trên việc đánh giá phân tích rủi do về việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Dựa trên kế hoạch này, lãnh đạo Cục Thuế chỉ đạo bộ phận kiểm tra, thanh tra của cơ quan Thuế thực hiện.

Việc thanh tra, kiểm tra thuế được tổ chức thực hiện theo Luật Thanh tra và hiện nay là theo Luật Quản lý thuế (có quyết định thanh tra, kiểm tra, kế hoạch thanh tra). Do vậy, không thể có trường hợp cán bộ thuế “quên” quyết toán DN đã ghi trong kế hoạch được. Những cũng không phải hàng năm cơ quan Thuế phải kiểm tra quyết toán tất cả mọi DN. Vì vậy, đối với DN chưa kiểm tra hoặc không kiểm tra không phải là “bỏ quên”. Cơ quan Thuế quản lý cán bộ theo dõi công việc và theo quy định của quy trình nghiệp vụ cụ thể, nếu cán bộ nào vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý về mặt hành chính. Đối với vi phạm nghiêm trọng sẽ bị loại trừ ra khỏi ngành Thuế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn ông!



Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường