Hoài Đức là huyện có vị trí liền kề với Thủ đô Hà Nội, với nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển kinh tế như công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đặc biệt là phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất và chế biến nông sản. Hàng năm, để phục vụ cho nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp xay xát và chế biến gạo, bên cạnh lượng thóc khoảng 30.000-40.000 tấn sản xuất nội tỉnh , các doanh nghiệp chế biến gạo Hoài Đức thu mua thóc từ các tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc, khoảng 70.000-80.000 tấn/năm nhằm phục vụ hoạt động sản xuất và chế biến. Trong tổng lượng thóc 100.000-120.000 tấn, Hoài Đức tiêu dùng khoảng 30% để đưa vào chế biến các sản phẩm từ gạo như mỳ, bún,phở…, 50% đưa vào tiêu dùng đô thị và 20% xay xát gạo xuất khẩu theo đơn đặt hàng trực tiếp.
Chất lượng & Thị trường:
Công nghệ chế biến xay xát gạo và các sản phẩm từ gạo tại Hoài Đức, Hà Tây tương đối phát triển. Hiện nay, Hoài Đức có 75 cơ sở lớn nhỏ đang sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo trong đó có 50 cơ sở nằm ngoài thị trấn và 25 cơ sở đặt ngay tại thị trấn.
Để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập thì đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ là một hướng đi hiệu quả.
Công ty Cổ phần Việt Đức là một trong số các công ty chú trọng phát triển theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm và đã mang lại hiệu quả tốt trong kinh doanh. Công ty Cổ phần Việt Đức chuyên kinh doanh chế biến nông sản thực phẩm sạch an toàn. Hiện công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạo với công nghệ hiện đại. Hàng năm công ty cung cấp cho thị trường hàng chục tấn gạo với chất lượng cao, sạch và an toàn. Công ty xuất khẩu sang thị trường Châu Âu từ 10-20 tấn/tháng. Ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Đức cho biết: “Công ty Việt Đức đã đầu tư một cách có hệ thống và bài bản.Việt Đức đã đi xuống từng vùng nguyên liệu để đầu tư giống kỹ thuật cho bà con nông dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, công ty còn đưa cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con nông dân cách gieo trồng, chăm sóc thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch một cách khoa học nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào”.
Dây chuyền sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Việt Đức, Hà Tây
Chủ hộ gia đình chế biến gạo Tấn Quý (Hoài Đức – Hà Tây) cho biết: “Hàng tháng, cơ sở chế biến này sản xuất từ 200-300 tấn. Cơ sở có một máy xay xát và một máy tách màu được đầu tư từ năm 2005 để sản xuất các loại gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Chính sự đầu tư vào dây chuyền công nghệ khá đồng bộ nên tỷ lệ thu hồi gạo từ thóc trong quá trình xay xát chế biến đạt tỷ lệ cao 80% và mang lại doanh thu tốt cho gia đình”.
Cơ sở sản xuất và chế biến gạo Tấn Quý, Hoài Đức, Hà Tây
Tại Hoài Đức, Hà Tây có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình xay xát lúa gạo và sử dụng gạo chất lượng thấp, các phế phẩm thu hồi từ gạo để sản xuất vào các thành phẩm từ gạo và sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mặc dù đây là phương thức sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả, có nhu cầu thị trường, một số cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gạo vẫn còn những nơi còn sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu do đang rất khó khăn trong việc tìm mặt bằng để đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại. Hiện nayhầu hết các cơ sở này vẫn dùng “công nghệ” phơi sấy ngoài trời cho các sản phẩm chế biến từ gạo. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng và năng suất, và khiến cho hoạt động sản xuất phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết tự nhiên. Các chủ cơ sở này cho biết ““Đã có một số lần chúng tôi đi sang tham dự các hội chợ ở nước ngoài, ở Trung Quốc để tham khảo và mua máy móc thiết bị nhưng khi về địa phương thì chưa được duyệt kế hoạch thuê đất, thế là chúng tôi lại không thể mua máy về đầu tư phát triển sản xuất được”.
Đóng gói phở khô bằng phương pháp thủ công phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một phần khác các sản phẩm thu hồi từ quá trình sản xuất và chế biến gạo như cám, tấm, gạo vỡ được cung cấp làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho 20 nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Hoài Đức – Hà Tây. Trong sản xuất thức ăn gia súc, các phế phẩm từ gạo chiếm 15%-20%. Các phần còn lại là ngô, sắn (30%-40%), đậu tương (15%-20%)… Công suất chế biến của các nhà máy này không những đủ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận.
Trong quá trình hội nhập, việc đảm bảo vùng nguyên liệu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm luôn là yếu tố “sống còn” của mỗi doanh nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, công ty Việt Đức đã xây dựng mô hình liên kết giữa bốn nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học để tạo ra sản phẩm có chất lượng được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận, từng bước giúp nhà nông thoát nghèo và làm giàu trên những thửa ruộng của mình. Công ty cổ phần Việt Đức đhợp tác với Viện Di truyền Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và áp dụng các giống lúa có chất lượng và năng suất cao; kết hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuậtchăm sóc cây trồng theo hướng sản xuất nông sản chất lượng cao sạch và an toàn với người tiêu dùng. Đồng thời, Công ty kết hợp với Viện Công nghệ sau Thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chế biến bảo quản nông sản.
Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt trên thị trường phía Bắc, sản phẩm gạo chất lượng cao mang thương hiệu "Hương đồng quê" đã có mặt tại tất cả các siêu thị tại Hà Nội, các tỉnh lân cận và xuất khẩu. Các loại gạo đặc sản chất lượng cao của công ty như: Tám thơm Điện Biên, Tám xoan Hải Hậu, Bắc thơm Hải Hậu, IR64 Điện Biên, Nếp cái hoa vàng, Nếp nương Điện Biên, Gạo Việt Đài, Gạo thơm hương lài được rất người tiêu dùng lựa chọn trong bữa cơm gia đình của mình.
Sức mạnh của hệ thống phân phối
Sự vận động phát triển của xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đã tạo ra những cơ hội và thách thức trong kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất dù nhỏ hay các công ty có quy mô lớn hơn. Việc xoá bỏ hàng rào thuế quan, tự do hoá thương mại làm cho các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại phát triển phải nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh hệ thống phân phối để mở rộng thị trường. Nắm bắt được xu thế này, các cơ sở chế biến tại Hoài Đức đã tích cực phát triển hệ thống phân phối nhằm mở rộng thị trường trong nước và làm đơn vị trung gian bán cho các công ty lớn khác thực hiện hoạt động xuất khẩu. Chủ cơ sở sản xuất chế biến gạo Tấn Quý cho biết: “Kênh tiêu thụ sản phẩm của cơ sở là bán cho đại lý, bán theo hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp và bán cho công ty lương thực phục vụ dự trữ quốc gia”. Do có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra tốt nên doanh thu của gia đình anh tương đối ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, do biến động chung của thị trường gạo năm 2007, giá vật tư đầu vào tăng cao, tình hình dịch bệnh nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xay xát gạo của gia đình anh. “Thiếu gạo để thực hiện xay xát và chế biến, giá thành sản phẩm cao nên trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu”, anh Quý cho biết.
Giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng ảnh hưởng đến các cơ sở chế biến các sản phẩm từ gạo. Một cơ sở chế biến mỳ, bún, bánh phở khô tại Huyện Hoài Đức trao đổi: “Hàng năm, cơ sở này sử dụng 2200 tấn gạo để sản xuất ra các thành phẩm từ gạo. Doanh thu từ hoạt động chế biến này các năm trước tương đối cao do giá thành sản xuất thấp mà giá bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu cao. Tuy nhiên, năm 2007, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên lợi nhuận thu về của cơ sở này có suy giảm. Ví dụ, giá thành sản xuất năm 2006 là 4000 đồng/kg, nhưng năm 2007, giá thành sản xuất tăng lên 5200 đồng/kg”. Tuy nhiên, nếu có chất lượng sản phẩm tốt, có hệ thống phân phối hiệu quả thì các cơ sở chế biến và đặc biệt là các doanh nghiệpvẫn có thể có những chiến lược tốt để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Công ty Cổ phần Việt Đức là một ví dụ điển hình. Hệ thống phân phối sản phẩm và cách thức huy động vốn của công ty Việt là một mô hình hiệu quả, là bài học kinh nghiệm tốt cho các doanh nghiệp khác. Hiện nay, công ty Việt Đức có 4 chi nhánh tại Hải Phòng – chuyên chế biến mỳ với doanh số đạt 10 triệu USD/năm; chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh - chuyên về chế biến thực phẩm; vùng sản xuất nguyên liệu loại gạo đặc sản tại Điện Biên với diện tích trên 200 ha và cuối cùng là nhà máy chế biến chế biến gạo tại Hà Tây. Với mô hình kinh doanh chuyên môn hoá sản xuất, tập trung khai thác thế mạnh của từng vùng, kết hợp với sự phối hợp đồng bộ đã mang lại cho công ty hiệu quả kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường khả năng về vốn, ông Phạm Minh Đức cũng cho biết: “Việt Đức là công ty tư nhân, đang thực hiện cổ phần hoá và ông kêu gọi sự đóng góp và hợp tác của các cổ đông chiến lược như tập đoàn Phú Thái, Công ty Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Thực phẩm Hải Phòng, Công ty Thực phẩm Hà Nội và Hiệp hội Siêu thị Việt Nam”. Đây là cách hợp tác huy động vốn có hiệu quả và tăng cường hơn nữa về hệ thống phân phối của công ty tại thị trường trong nước.
Phát triển theo hướng đổi mới, tiếp tục mở rộng đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hướng phát triển của Hoài Đức – Hà Tây trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu đó, chính quyền huyện Hoài Đức đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với các cấp, các tổ chức nhằm giải quyết tốt hơn về mặt bằng cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, liên kết với hệ thống ngân hàng nhằm có ưu đãi về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ven đô theo hướng hàng hoá nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài.
Để tìm hiểu thêm thông tin về bài viết, xin liên lạc với: Nguyễn Trang Nhung - email:nguyentrangnhung@agro.gov.vn