Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến và xuất khẩu đồ gỗ: Khẳng định đẳng cấp quốc tế
05 | 10 | 2007
Hiện nay, cả nước có 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ, sử dụng 170.000 lao động. Năng lực sản xuất tăng gấp 4 lần so với năm 2003. Ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng mạnh không chỉ về số lượng nhà máy, quy mô sản xuất mà còn ở việc đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh trên bình diện quốc tế. ^

Bứt phá ngoạn mục

Năm 2004 ngành thương mại trong nước đánh dấu sự bứt phá kỳ diệu của ngành xuất khẩu đồ gỗ với kim ngạch vượt qua cột mốc 1 tỷ USD, tăng 88% so với năm trước. Đó cũng là tiền đề cho sự ra đời của Chỉ thị số 19/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ. Trong hơn 3 năm qua kể từ khi có chỉ thị 19, chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã đi dần vào chiều sâu và tiếp tục đi lên. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các nước vào Việt Nam. Hiện nay cả nước có 410 dự án đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ, trong đó có hơn 300 dự án đã thực hiện với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Chỉ tính trong năm 2006, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong chế biến gỗ đã đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ 1,93 tỷ USD. Bình Dương, nơi đóng góp gần 40% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước, có tới 369 doanh nghiệp chế biến gỗ; trong đó có 194 doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư hơn 700 triệu USD.

Sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, còn các nhà đầu tư trong nước thì mạnh dạn mở rộng sản xuất với quy mô lớn. Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaizer 100% vốn của Đài Loan đầu tư vào Bình Dương từ năm 2003 đã sử dụng 2.800 công nhân, chế biến và xuất khẩu 250 container đồ gỗ mỗi tháng. Tháng 5 vừa qua công ty này đã hoàn tất đầu tư giai đoạn 3, đã sử dụng đến 7.000 công nhân và tăng năng lực xuất khẩu lên tới 1.000 container sản phẩm mỗi tháng, trở thành nhà chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp trong nước cũng tăng cường quy mô sản suất với những tên tuổi được nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài biết tới như Khải Vy, Trường Thành, Tiến Đạt, Đại Thành, Tiến Triển. Công ty TNHH Khải Vy từ 2 nhà máy ở TPHCM và Bình Định đã đầu tư nâng lên 4 nhà máy, sử dụng 4.800 công nhân, xuất khẩu mỗi tháng hơn 500 container đồ gỗ và đang đàm phán mua thêm một nhà máy trị giá 25 triệu USD. Trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam hiện nay có nhiều doanh nghiệp 100% vốn trong nước, đã chứng tỏ sự vươn lên của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vốn lâu nay thường bị xem là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mở rộng thị trường

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2006 tăng gấp 4 lần năm trước, giúp Việt Nam vượt qua Indonesia, Thái Lan để trở thành một trong hai quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam xấp xỉ Malaysia (1,98 tỷ USD) và có khả năng vượt qua Malaysia trong năm nay! Mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu hiện đã vươn lên đứng thứ 5 trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản. Trong chiến lược xuất khẩu đồ gỗ do Bộ Thương mại xây dựng, tới năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 5,56 tỷ USD, tăng gấp đôi so với con số dự kiến 2,5 tỷ USD năm nay. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng những con số trên sẽ thành hiện thực vì uy tín của công nghiệp gỗ Việt Nam khẳng định trên thị trường thế giới. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu vào 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt 744 triệu USD. Dự báo của Vụ Chính sách thị trường châu Mỹ, Bộ Thương mại, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu đổ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ khoảng 1,26 tỷ USD, chiếm hơn một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước (dự kiến 2,5 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU năm ngoái đạt 500 triệu USD.

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành, doanh nghiệp có tới 6 nhà máy và 5.000 lao động, đứng top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam cho rằng sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam được cải thiện khá nhiều, thậm chí ngang ngửa với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, chỉ thua Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Trước đây các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn xuất khẩu đồ gỗ trang trí sân vườn (outdoor), nay đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với đồ gỗ Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu nhóm đồ gỗ trong nhà (indoor) như nội thất nhà ở, văn phòng.

Vị thế mới

Trước đây, ít ai nghĩ rằng đồ gỗ Việt Nam có thể chen chân vào các siêu thị lớn trên thế giới thì nay, hầu hết các siêu thị lớn trên thế giới đều có bán đồ gỗ chế biến tại Việt Nam. Việc có nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ quốc tế tới tham dự hội chợ EXPO đồ gỗ hàng năm vào tháng 10 tại TPHCM trong 4 năm qua, để tìm hiểu và ký kết hợp đồng đã phần nào khẳng định vị thế của công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.

Khâu yếu nhất của công nghiệp gỗ Việt Nam là nguyên liệu gỗ đầu vào. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, cứ xuất khẩu được 2 USD đồ gỗ thì doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra 1 USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước nhập tới gần 700 triệu USD gỗ nguyên liệu, chiếm gần một nửa trong 1,5 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ. Theo nhiều chuyên gia, hiện nay 80-90% nguyên liệu dùng cho chế biến gỗ phải nhập khẩu, ước tính khoảng 2 triệu mét khối gỗ nhập về các cảng Việt Nam mỗi năm. Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm sản, Bộ NN-PTNT, thừa nhận cả nước hiện chỉ có 720.000ha rừng trồng kinh tế có thể tham gia cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến nhưng các giống cây rừng trồng đa phần có chất lượng gỗ thấp, chỉ phục vụ được cho nhu cầu làm nguyên liệu ván nhân tạo, gỗ dăm hay nguyên liệu giấy là chính. Mục tiêu phát triển lâm nghiệp, trồng rừng của Bộ NN-PTNT là hình thành vùng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng ổn định với diện tích 825.000ha từ nay tới năm 2020. "Nếu lựa chọn giống cây rừng phù hợp, có sự đầu tư của doanh nghiệp trong diện tích nói trên thì tới năm 2020, Việt Nam có thể chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước", ông Hòa phát biểu.



Nguồn: agroviet
Báo cáo phân tích thị trường