Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực trạng ngành chè Việt Nam
10 | 09 | 2007
Các nhà máy, cơ sở chế biến ùn ùn mọc lên, trong khi vùng chè nguyên liệu không đáp ứng nổi, dẫn tới tranh cướp nguyên liệu kéo dài. Thậm chí, chè bị hái non khi không đủ tiêu chuẩn. Tình trạng này đã kéo dài mà ngành chè vẫn bế tắc, chưa thoát ra được.
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tại 20 tỉnh vùng chè tập trung của cả nước có 240 cơ sở chế biến công nghiệp, tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày (600.000 tấn búp tươi/năm). Tuy nhiên, với sản lượng chè búp tươi như năm ngoái thì mới đáp ứng được 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến công nghiệp. 
Đó là chưa kể, hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công, bán công nghiệp cũng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế và nhiều cơ sở đấu trộn ướp hương đóng gói chè.
 
Theo Bộ NN-PTNT, tại các tỉnh vùng chè miền núi phía Bắc, sự phát triển quá nhiều cơ sở chế biến không cân đối với nguyên liệu gây nên tình trạng tranh chấp nguyên liệu khá gay gắt trong nhiều năm qua, đặc biệt ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Phú Thọ có 75 cơ sở chế biến. Song, riêng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ của các Công ty chè Phú Bền, Phú Đa và của tư nhân đã lên tới 175.000 tấn chè búp tươi/năm. Trong khi đó, sản lượng chè búp năm 2005 mới đạt 63.700 tấn, chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến trên địa bàn.
 
Tại Hội nghị phát triển chè các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè một cách phù hợp nhất. 
Các địa phương phải có kế hoạch rà soát, đánh giá năng lực thiết bị, công nghệ và khả năng cung cấp nguyên liệu của các cơ sở chế biến trên địa bàn. Từ đó, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Bộ khuyến khích các cơ sở áp dụng tiêu chuẩn về chất lượng, ATVSTP đối với chè như ISO-9001:2000 và HACCP.
Bên cạnh đó, từng địa phương phải đảm bảo điều tiết, phân vùng nguyên liệu của các cơ sở chế biến để khắc phục cả hai xu hướng: tranh chấp trong thu mua hoặc ép cấp (phẩm cấp chè), ép giá đối với người sản xuất.
 
Bộ NN-PTNT cho biết, miền núi phía Bắc là vùng chè phát triển sớm nhất, có diện tích lớn nhất nước. Tại đây, đã có những loại chè nổi tiếng trong nước và trên thế giới như Tân Cương (Thái Nguyên), Thanh Ba (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái)... Tổng diện tích chè toàn vùng năm 2005 xấp xỉ 90.800ha, chiếm 80,7% diện tích chè toàn quốc. Trong đó, Thái Nguyên là địa phương  có diện tích chè lớn nhất trong vùng với 16.400 ha (18,1%).
 
Mặc dù tốc độ tăng diện tích chè cao đến chóng mặt trong vòng 10 năm qua (1996-2005), lên tới gần 150%, nhưng sản lượng chè vẫn thiếu hụt do không chạy theo nổi số lượng nhà máy, cơ sở chế biến và do năng suất chè không cao. Trên 70% diện tích chè hiện sử dụng các giống chè chất lượng trung bình. Hầu hết diện tích chè phân tán của các hộ dân còn làm đất bằng thủ công. Diện tích chè được tưới nước chỉ chiếm khoảng 2%.


(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường