Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoạt động biên mậu- Tăng trưởng mạnh nhưng chưa bền vững
04 | 08 | 2007
Theo đánh giá của Bộ Thương mại, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu thời gian qua có tốc độ tăng tương đối cao. Nhiều tỉnh có kim ngạch XNK tăng tới trên 30%/năm như Quảng Ninh, năm 2005, kim ngạch XK tăng gần 30% so với năm 2004, dự kiến năm 2006 tăng trên 30%.
Năm 2005, kim ngạch XNK qua biên giới của Lạng Sơn đạt trên 300 triệu USD; Cao Bằng đạt 70 triệu USD; Hà Giang XNK mậu dịch đạt trên 50 triệu USD, XNK biên giới đạt gần 20 triệu USD; Hà Tĩnh kim ngạch XNK qua cửa khẩu Cầu Treo đạt trên 50 triệu USD; các tỉnh có cửa khẩu khác như Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh, Thanh Hoá... cũng đều có kim ngạch XNK tăng mạnh. Trong những tháng đầu năm nay, hoạt động biên mậu vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao.

Phải nói rằng, nhờ hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới phát triển mà hoạt động thương mại dịch vụ của các tỉnh có biên giới đã thay đổi lớn, giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế xã hội bức xúc, tạo thêm nguồn thu ngân sách, làm tăng GDP tỉnh...

Theo Vụ Thương nghiệp miền núi & mậu dịch biên giới- Bộ Thương mại, yếu tố tạo cho hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới thời gian qua tăng trưởng mạnh là do có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252, (24/11/2003) và Bộ Thương mại ban hành Quyết định 1684/2004/QĐ-BTM về tăng cường buôn bán hàng hoá qua biên giới. Cùng với các quyết định trên, các bộ, ngành chức năng khác cũng đã ký nhiều thoả thuận hợp tác như Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải, Bưu điện và Xây dựng Lào ký bản ghi nhớ về việc triển khai bước đầu hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và đi lại qua biên giới giữa hai nước, trong khuôn khổ Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13, Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

 

Tháng 7 năm 2004, tại huyện Sa Pa (Lào Cai) cũng đã diễn ra Lễ ký kết thanh toán mậu dịch qua biên giới giữa Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai với Ngân hàng Công thương tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đầu tháng 12/2004, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Chi nhánh khu tự trị Quảng Tây, đã ký kết thoả thuận về thanh toán mậu biên giữa hai ngân hàng trên cơ sở triển khai “Thoả thuận thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Còn có những nguyên nhân quan trọng khác là việc Trung Quốc tham gia WTO cùng với việc ký Hiệp định khung về Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – Asean (ACFTA) đã tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam XK sang Trung Quốc được hưởng ưu đãi về thuế quan (thuế suất hàng NK trung bình từ 15% giảm xuống còn 9%) và nới lỏng hạn ngạch trong vòng 3 năm tới.

 

Ngoài ra, đầu năm 2004, Chính phủ đã có Nghị định số 99/2004/NĐ-CP ban hành danh mục hàng hoá và thuế suất NK của Việt Nam cho các năm 2004-2008 để thực hiện chương trình thu hoạch sớm (EHP) của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Asean- Trung Quốc. Theo đó, từ năm 2004, Việt Nam phải cắt giảm tới 484 dòng thuế NK các mặt hàng nông, thuỷ sản xuống 0% vào năm 2008. Để thực hiện EHP, Trung Quốc cũng phải cắt giảm 536 dòng thuế đối với hàng nhập từ Việt Nam. Việc trao đổi hàng hoá giữa Lào và Việt Nam đã được hai nước cho hưởng mức thuế ưu đãi đặc biệt (giảm 50%) nên kim ngạch tăng trưởng rất mạnh... Tất cả những động thái này không những tạo điều kiện cho hoạt động biên mậu phát triển mạnh mà ngày càng đi vào nền nếp hơn.

Việc kim ngạch buôn bán hàng hoá qua biên giới tại các địa phương thời gian qua đều tăng là điều đáng ghi nhận, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ và các chuyên gia kinh tế, hoạt động biên mậu còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, đến nay hoạt động biên mậu chưa được triển khai đồng đều ở tất cả cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới. Hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới chủ yếu vẫn tiến hành một cách tự phát, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XNK chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, chưa thực sự phát triển bền vững. Cơ cấu hàng hoá còn nghèo nàn, thiếu các mặt hàng chủ lực, đây là nguyên nhân chính giải thích tại sao chúng ta chưa thể phát triển mạnh mẽ hoạt động biên mậu. Hệ thống chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu chưa được đầu tư xây dựng tương xứng, cơ sở vật chất còn thấp kém. Hoạt động kinh doanh thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu thiếu định hướng phát triển rõ ràng. Đặc biệt là vẫn chưa có một định hướng cụ thể trong hoạt động biên mậu nếu như Việt Nam tham gia WTO



http://www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường