Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tây Ninh thiếu mía nguyên liệu?
10 | 10 | 2007
So với vụ trước, diện tích mía toàn tỉnh Tây Ninh vụ này giảm đi khá nhiều, nguyên nhân do bất cập ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, đánh giá chữ đường, tạp chất... chưa được khắc phục khiến nông dân không mặn mà với cây mía.

Hiện Tây Ninh đang chuẩn bị cho vụ chế biến mía đường mới, thông thường vào khoảng cuối tháng 10, hoặc đầu tháng 11 dương lịch. So với vụ trước, diện tích mía toàn tỉnh giảm đi khá nhiều, nguyên nhân do bất cập ở các khâu thu hoạch, vận chuyển, đánh giá chữ đường, tạp chất... chưa được khắc phục khiến nông dân không mặn mà với cây mía.

Vụ mùa 2006-2007, Tây Ninh phát triển diện tích mía lên đến gần 38.000 ha, cao nhất từ trước tới nay với năng suất bình quân hơn 60,2 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 2.288.000 tấn mía cây (TMC), tăng gần 18% so năm trước. Trên các vùng nguyên liệu chính, ba nhà máy chế biến mía công nghiệp trong tỉnh đã ký hợp đồng, đầu tư và bao tiêu sản phẩm được gần 28.000 ha, thu mua hơn 1,52 triệu TMC (chưa tính phần ngoài tỉnh thu mua), sản xuất tổng cộng hơn 143.500 tấn đường các loại, tăng hơn vụ trước khoảng 30.300 tấn.

Nhiều chính sách ưu đãi cũng được các nhà máy áp dụng dành cho người trồng mía như đầu tư, hỗ trợ vốn trồng mới, chăm sóc, hỗ trợ giống mía, thủy lợi phí và cả cho nông dân vay vốn để thuê, mua đất trồng mía cho nhà máy.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có chính sách dành riêng cho vùng nguyên liệu gồm: hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã hơn 4,6 tỷ đồng khuyến khích trồng mới hơn 12.000 ha mía, đẩy mạnh công tác khuyến nông, vận động nông dân chuyển cây mía xuống vùng thấp, mở các điểm trình diễn, hội thảo... nhằm tăng năng suất, sản lượng và tìm giải pháp để cây mía có thể phát triển trong tiến trình hội nhập. Về cơ bản, trong vụ mùa 2006-2007, Tây Ninh đã cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp chế biến, đạt 81,83% công suất ép mía cả vụ theo thiết kế.

Theo dự kiến, các nhà máy đường sẽ không có thay đổi lớn về chính sách ưu đãi cho nông dân trong vụ mía sắp tới, nhưng nhiều người lo ngại sản lượng mía nguyên liệu sẽ sụt giảm vì nhiều nguyên nhân.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, tổng diện tích mía trồng mới đến nay chỉ đạt khoảng hơn 4.500 ha, giảm hơn 7.600 ha so vụ trước, riêng diện tích mía vùng thấp cũng đã giảm hơn 2.300 ha. Trên thực tế, chính phương thức điều hành thu mua, tổ chức lịch đốn chặt không tốt khiến nhiều nông dân trồng mía bị thiệt hại, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch, làm giá nhân công tăng cao, hàng loạt cánh đồng mía bị khô mất sản lượng, chữ đường (CCS)...

Một điều thường thấy trên vùng mía là, hễ khi nào giá đường cao, giá mua mía cũng cao theo thì lượng mía cháy thường rất ít. Vụ mùa 2006-2007 bị trì trệ trong thu hoạch, tổng diện tích mía cháy lên đến gần 5.000 ha, tăng gấp 3,3 lần vụ trước, trong đó nhiều đám mía do nông dân cố tình đốt để được ưu tiên đốn chặt sớm.

Mặt khác, cách tính CCS của các nhà máy khiến nông dân nghi ngờ. Nhà máy đường Bourbon thanh toán bình quân toàn vụ khoảng 8,7 CCS, thấp hơn vụ trước đến 1,1 CCS, nhà máy đường Biên Hòa-Tây Ninh là 9,3 CCS, thấp hơn vụ trước 0,8 CCS. Ðối với tạp chất bị khấu trừ, các nhà máy tính bình quân toàn vụ lại tăng lên 25% so vụ trước. Ðiều đó làm giảm lòng tin của người trồng mía, khiến tổng diện tích vùng nguyên liệu giảm đi trông thấy.

Có những vùng đất thấp trước chuyển sang trồng mía có năng suất rất cao, nay chuyển lại trồng lúa. Nhiều khu vực người dân cày bỏ cả mía vụ 2, vụ 3 để chuyển sang trồng mì, cao-su do có lợi nhuận cao hơn, từ đây dẫn đến nguy cơ thiếu hụt mía nguyên liệu cho vụ mùa 2007-2008.

Để giữ ổn định vùng nguyên liệu, tỉnh hiện chỉ đặt mục tiêu phát triển khoảng 32 nghìn ha mía, nhưng cố gắng gia tăng năng suất để tăng sản lượng lên cao, đáp ứng cho toàn vụ 1,5 triệu TMC, tương đương 136 nghìn tấn đường.

Trước mắt, tỉnh và các nhà máy cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu cho phù hợp, đẩy mạnh việc đưa cây mía xuống vùng thấp, đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu... Về giống mía, bộ giống của Tây Ninh chủ yếu là K84-200 nên khi chín thì đồng loạt, gây áp lực lớn cho thu hoạch, do đó cần có đề án nghiên cứu và ứng dụng giống mới cho các vùng theo ba dạng chín sớm, trung bình và muộn để tránh thu hoạch đông ken, gây thiệt hại cho nông dân.

Vấn đề cơ giới hóa, nhất là trong thu hoạch mía đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chưa thực hiện được, khiến giá công lao động tăng lên rất cao so với bình thường, nên cần nhanh chóng ứng dụng cơ giới trên vùng mía trong tình hình thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay.

Ðặc biệt, lịch đốn chặt, kế hoạch tiếp nhận vụ mía 2007-2008 nên rút kinh nghiệm vụ trước, thông báo rộng rãi cho người trồng mía nắm rõ, không để xảy ra tình trạng thu mua nhỏ giọt, gây thiệt hại cho cả nông dân lẫn nhà máy. Riêng việc tính CCS và tạp chất, nhiều nông dân kiến nghị cần thay đổi phương thức tính toán cho trung thực, thí dụ lập cơ sở trung gian đo CCS, có sự tham gia của "bốn nhà" gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà máy đường để nông dân có niềm tin, ra sức thâm canh, tăng năng suất, duy trì được vùng nguyên liệu bền vững, lâu dài.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường