Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cắt giảm thuế nông sản theo cam kết WTO: Đâu là lối ra?
10 | 10 | 2007
Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam phải mở cửa thị trường nông nghiệp bằng việc cắt giảm thuế nông sản 20% so với mức hiện hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước sự kiện này, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng sẽ phải chịu những tác động đáng kể, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nông sản và nông dân phải nỗ lực để vượt qua thách thức.

Ngoài việc cắt giảm thuế, Việt Nam phải cam kết loại bỏ hết các hàng rào phi thuế, trừ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng là đường, trứng gia cầm, thuốc lá và muối. Đối với 4 mặt hàng này, mức thuế trong hạn ngạch tương đương mức thuế tối huệ quốc (MFN) hiện hành (trứng 40%, đường thô 25%, đường tinh 50-60%, thuốc lá 30%, muối ăn 30%), thấp hơn nhiều so với mức thuế ngoài hạn ngạch.

Nông dân: đối tượng chịu tác động đầu tiên

Theo nhận định của các chuyên gia Bộ Công Thương, trong bối cảnh nền nông nghiệp của ta vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất và chất lượng thấp (giá trị sản xuất trên 1ha canh tác chỉ đạt 30 triệu đồng/năm), việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan các mặt hàng nông sản vốn có khả năng cạnh tranh thấp sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với những người sản xuất trực tiếp. Đơn cử như ngành mía đường và muối. Do vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm thấp trong khi giá thành sản xuất lại cao đã kéo theo lượng hàng nhập lậu lớn từ các nước láng giềng. Năm 2006, Việt Nam phải nhập khoảng 185.000 tấn đường và 118.515 tấn muối, trong khi lượng hạn ngạch cam kết khi gia nhập WTO là 55.000 tấn đường và 150.000 tấn muối.

Trong khi đó, chúng ta vẫn có tới 95% doanh nghiệp (trong đó có các doanh nghiệp nông nghiệp) quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, yếu kém về năng lực quản lý và cạnh tranh; việc tổ chức sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản và các hoạt động khác liên quan trong nước còn rất nhỏ lẻ, phân tán, chuyển đổi chậm, không đồng bộ, thiếu đầu tư các khâu tạo thêm giá trị gia tăng, chưa liên kết thành chuỗi. Chất lượng nông sản còn hạn chế về quy cách, tính ổn định, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, chưa phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu, thiếu thương hiệu mạnh đang đặt các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vào thế rất bất lợi trong cạnh tranh quốc tế.

Theo bà Ngô Hồng Điệp, đại diện của Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, khi thực hiện các cam kết này, những nông dân sản xuất trực tiếp sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Điều này sẽ kéo theo những tác động tiêu cực đối với không chỉ nền kinh tế mà còn liên quan tới các mặt của đời sống xã hội và mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc mở rộng hạn ngạch thuế quan cũng sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là đối với những mặt hàng đang có lợi thế so sánh và tiềm năng xuất khẩu cao như gạo, càphê, hạt tiêu, rau quả...

Lối ra: Thực hiện liên kết "4 nhà"

Các chuyên gia của ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp vĩ mô và vi mô trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển mạnh phần lớn lao động sang làm công nghiệp và dịch vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động đi đôi với việc tăng cường đầu tư và hỗ trợ cho nông nghiệp và nông thôn bằng các biện pháp phù hợp với quy định của WTO như: đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn, giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, phơi sấy. Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu tạo ra các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp cho nông dân với giá ưu đãi, phát triển hệ thống khuyến nông; giảm bớt sự đóng góp của nông dân đi đôi với việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế thông tin và cảnh báo để nông dân và doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đối phó với các biến động trên thị trường thế giới và trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đứng trước thách thức này, không còn cách nào khác, doanh nghiệp và nông dân phải tự vượt lên chính mình, phải quan tâm nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản để nâng cao sức cạnh tranh theo 4 tiêu chí: sạch, ngon, giá rẻ, số lượng lớn. Muốn làm được điều này phải thực hiện tốt liên kết “4 nhà”. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, đó là, nắm bắt yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... để hướng dẫn, đặt hàng nông dân sản xuất; kết hợp với Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng... áp dụng các công cụ hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát cho nông nghiệp, nông dân; tổ chức thu mua, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; tổ chức mạng lưới bán hàng, tiếp thị sản phẩm, cung cấp các dịch vụ sau bán hàng và xây dựng thương hiệu nông sản; theo dõi phản ứng của thị trường và người tiêu dùng để điều chỉnh sản xuất của nông dân và các khâu khác trong quy trình sản xuất, kinh doanh của mình.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường