Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổng quan Cung - Cầu ngành hàng gạo Việt Nam 2007
17 | 10 | 2007
Lúa là cây trồng chính, là nguồn thu nhập chính của trên 10 triệu hộ nông dân cả nước. Trong 20 năm đổi mới, sản xuất lúa tăng trưởng liên tục cả diện tích, năng suất và sản lượng. Kết quả sản xuất lúa đông xuân năm 2007 cho thấy hai xu hướng rõ rệt: trong khi diện tích, năng suất lúa các tỉnh miền Bắc đều giảm so với năm trước, thì ngược lại ở miền Nam, hầu hết các tỉnh đều tăng diện tích sản xuất lúa và năng suất tăng.

Vụ đông xuân 2006- 2007, diện tích lúa cả nước đạt 2.984 ha, giảm 4.000 ha so với năm trước, trong đó trong đó diện tích lúa đông xuân miền Bắc 1.136 nghìn ha, giảm 11,2 nghìn ha, miền Nam gieo 1848,2 nghìn ha, tăng gần 8 nghìn ha. Sản lượng lúa đông xuân 2006/2007 cả nước đạt 17210 nghìn tấn, giảm 320 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước, trong đó miền Bắc giảm 540 nghìn tấn, miền Nam tăng 220 nghìn tấn.

Năng suất lúa ĐBSH giảm: Cơ cấu giống lúa chậm chuyển đổi

Vụ đông xuân 2006/07, năng suất lúa các vùng ở miền Bắc và Tây Nguyên đều giảm hơn so với vụ xuân năm 2006: năng suất lúa đông xuân ở Đồng Bằng Sông Hồng giảm 4,2 tạ/ha; vùng Đông Bắc giảm 0,6 tạ/ha; vùng Tây Bắc giảm 0,2 tạ/ha, vùng Bắc Trung Bộ giảm 3 tạ/ha. Sản lượng lúa đông xuân toàn miền Bắc giảm gần 0,6 triệu tấn so với vụ đông xuân trước.

Có hai nguyên nhân chính gây giảm năng suất lúa đông xuân miền Bắc. Thứ nhất là khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường gây ra như: hạn hán gay gắt ở đầu vụ, nhiệt độ không khí ấm hơn trung bình nhiều năm từ 2-3°C ở các tháng 2 và 3 năm 2007, cuối tháng 3 đầu tháng 4 và cuối tháng 4 đầu tháng 5 có các đợt không khí lạnh kèm theo mưa gây mất mùa nghiêm trọng đối với trà lúa sớm và trà lúa muộn. Thứ hai là do sử dụng giống. Ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, nông dân sử dụng hai giống Khang Dân và Q5 liên tục từ đầu thập kỷ 90 được du nhập vào trồng đại trà ở miền Bắc … cho đến nay vẫn là giống lúa chủ lực sử dụng cho canh tác lúa hiện nay ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Khang dân 18 và Q5 là hai giống lúa thuần tốt, năng suất khá cao, khả năng thích ứng rộng, Tuy nhiên, các giống lúa này đã được khai thác trong thời gian dài, với cơ cấu và diện tích lớn, và ít được chú ý phục tráng nên cả Q5 và Khang Dân 18 đều có biểu hiện thoái hoá, giống dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp. Q5 thường nhiễm nặng đạo ôn trong vụ xuân và bạc lá trong vụ mùa. Khang Dân 18 thường nhiễm bệnh thối bẹ và thối thân, thời gian sinh trưởng rút ngắn và năng suất thấp rất phổ biến ở miền Trung.

Đồng bằng Sông Cửu Long, tăng trưởng diện tích và năng suất lúa đông xuân

Vụ đông xuân năm 2006/2007, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lần đầu tiên 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã chọn giải pháp xuống giống đồng loạt các giống né rầy, kháng rầy. Trên diện tích gieo trồng 1.502 triệu ha của 13 tỉnh ĐBSCL đạt sản lượng khoảng 9,2 triệu tấn lúa, tăng 200 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa đạt 4,53 tạ/ha. Vụ đông xuân năm nay bà con nông dân phần lớn sử dụng giống lúa xác nhận, nên mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, phẩm chất lúa, gạo vẫn tốt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chọn đúng giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn nông dân xuống giống đồng loạt, gom vụ tránh rầy và các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khác nên đã chống rầy nâu, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá một cách có hiệu quả.


Nguồn: Trung tâm Thông tin -Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT (www. agro.gov.vn)


Nguồn: Trung tâm Thông tin -Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT (www. agro.gov.vn)

Diện tích

Diện tích gieo cấy lúa hè thu và lúa mùa đều thấp hơn cùng kỳ năm trước, do các địa phương tiếp tục chuyển một phần diện tích lúa năng suất thấp sang gieo trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu và nuôi trồng thuỷ sản. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến trung tuần tháng 8 cả nước đã gieo cấy được 2014,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 89,7% cùng kỳ năm trước, trong đó đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 1619,6 nghìn ha, bằng 87,8%. Lúa mùa cũng đã gieo cấy được 1418,3 nghìn ha, bằng 95,9%, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1149,8 nghìn ha, bằng 96,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 268,5 nghìn ha, bằng 92,7%.

Lúa là cây trồng chính, là nguồn thu nhập chính của trên 10 triệu hộ nông dân cả nước. Trong 20 năm đổi mới, sản xuất lúa tăng trưởng liên tục cả diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 1976, diện tích gieo trồng lúa chỉ có 5,28 triệu héc-ta, năng suất bình quân 24 tạ/héc-ta/vụ và sản lượng 11,8 triệu tấn, đến năm 2006 đạt tương ứng đã lên tới 7,3 triệu héc-ta; 47,7 tạ/héc-ta và 35,8 triệu tấn. Xu hướng giảm diện tích gieo trồng lúa cả nước liên tục trong các năm tiếp theo với quy mô và tốc độ khác nhau, chủ yếu theo hướng giảm diện tích gieo cấy lúa vụ 3 và vụ mùa năng suất thấp, chuyển một phần đất lúa năng suất thấp, đất khô hạn chuyển sang trồng màu, đất trũng và đất ven biển chuyển sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đất lúa ven đô thị năng suất thấp chuyển sang trồng rau, hoa, cây ăn quả điển hình là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH): các tỉnh Nam Trung Bộ chuyển dịch cơ cấu từ ba vụ lúa ngắn ngày sang hai vụ lúa trung ngày cho tổng sản lượng ổn định và cao hơn sản xuất ba vụ lúa ngắn ngày.



Nguồn: Trung tâm Thông tin-Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, www.agro.gov.vn

Sản lượng gạo

Sản lượng lúa từ mức 11,8 triệu tấn năm 1976, tăng lên tới 17 triệu tấn năm 1986 và vượt ngưỡng 20 triệu tấn vào năm 1992, nhanh chóng đạt trên mức 30 triệu tấn năm 1998, và duy trì trên mức 35 triệu tấn cho đến nay, sau khi đạt mức sản lượng lúa cao nhất 36,15 triệu tấn năm 2004.

Nguồn: www.agro.gov.vn

Đầu tư công nghệ chế biến giúp nâng cao sản lượng và chất lượng gạo

Về cơ bản, sản lượng gạo sản xuất có thể ước tính trên cơ sở sản lượng lúa thu hoạch. Nhưng về mặt chất, chất lượng gạo ngoài việc phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giống lúa, biện pháp canh tác, yếu tố đất đai, vấn đề nước tưới, thì mức độ đầu tư và trình độ công nghệ chế biến lúa gạo đang giữ vai trò quan trọng giúp gạo Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới. Nếu như trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ thu hồi gạo trắng trong quá trình xay xát, chế biến chỉ đạt ở mức 54 – 57%, thì sang những năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ này đã được nâng lên đáng kể, dao động ở mức 61-62% (trong vụ hè thu) và đạt cao hơn trong vụ đông xuân, khoảng 63-64%, giúp nâng sản lượng gạo h ng năm đạt khoảng 21-22 triệu tấn.

Nhìn chung hiện nay, tỷ lệ thu hồi gạo trắng từ gạo lứt đạt 65%. Còn ở ĐBSCL năm 2007, tỷ lệ thu hồi gạo qua chế biến trong vụ đông xuân thường cao hơn so với trong vụ hè thu. Cụ thể, tỷ lệ cám và tấm chiếm khoảng 16% (trong vụ đông xuân), 18% cám và tấm (vụ hè thu), còn lại là gạo trắng (30 % tấm). Tùy theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu về chất lượng gạo (tấm 5%, 10%, 15%, 25%) mà các doanh nghiệp sử dụng thiết bị và điều khiển dây chuyền sản xuất khác nhau. Thông thường, nếu chế biến gạo 5% tấm, tỷ lệ thu hồi gạo trắng từ gạo lứt là 60%, lấy gạo 15% thì tỷ lệ là 65%, gạo 25% thì tỷ lệ thu hồi là 75% tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm. Đối với 1 số các doanh nghiệp chế biến có quy mô chế biến tương đối lớn, có trang bị máy tách màu, tách hạt trong dây chuyền chế biến gạo, gạo thành phẩm đạt độ tấm 5%. Bình quân nguồn vốn đầu tư một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ 1,5-1,9 tỷ đồng.

Tiêu dùng trong nước

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tiêu dùng gạo bình quân đầu người Việt Nam đạt 150kg/năm, giảm 12% so với mức tiêu dùng gạo bình quân của 10 năm trước. Xu hướng giảm tiêu dùng gạo là xu hướng chung của các nước châu Á nói chung, do sự phát triển của kinh tế đã giúp người tiêu dùng tiếp cận đến các loại thực phẩm khác, và tiêu dùng gạo bình quân đầu người có xu hướng giảm khi thu nhập tăng lên. Theo đó, tiêu dùng gạo cho lương thực năm xấp xỉ ở mức 10-11 triệu tấn.

Theo số liệu của Báo cáo gạo tháng 8/2007 của Ban kinh tế nông nghiệp thế giới, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tổng tiêu dùng gạo trong nước của Việt Nam năm 2007 dự kiến 18,75 triệu tấn, tăng so với mức 18,4 triệu tấn năm 2006 và 18,25 triệu tấn năm 2005, do dân số Việt Nam tăng 1 triệu người mỗi năm trong hai năm 2006 và 2007.

Kết quả tính toán của tác giả từ số liệu tiêu dùng gạo của Điều tra mức sống dân cư cũng chỉ ra xu hướng tương tự. Tiêu dùng gạo bình quân đầu người đạt 155,6 kg/năm 149 kg/người/năm, 126 kg/năm và 124 kg/năm vào năm 1992, 1998, 2002, 2004. Mức tiêu dùng gạo cũng khác nhau giữa các nhóm hộ có thu nhập khác nhau. Số liệu thống kê tiêu dùng gạo của 5 nhóm phân vị. Thì 20% nhóm hộ giàu nhất có mức tiêu dùng gạo thấp nhất, 20% nhóm hộ nghèo nhất có mức tiêu dùng gạo thấp thứ hai. 20% nhóm ở giữa, nhóm có mức thu nhập trung bình, tiêu dùng gạo nhiều nhất.

Mức tiêu dùng gạo cũng khác nhau giữa các vùng. Miền núi phía bắc và ĐBSCL là hai khu vực có mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người cao nhất cả nước, trong khi đó, tiêu dùng gạo bình quân đầu người của Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ thấp nhất.

Xuất khẩu

Do sản xuất lúa chuyển dịch theo hướng đầu tư thâm canh, tăng chất lượng gạo nên gạo xuất khẩu cũng tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và giá cả. Năm 2005, lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt mức 5,3 triệu tấn thu về hơn 1,34 tỉ USD, giá gạo bình quân đạt 267 USD/tấn. Đây là mức cao nhất đạt được trong gần 20 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Nếu như trong thời kỳ 2001-2005, nét đặc biệt quan trọng đánh dấu sự phát triển và tăng trưởng của xuất khẩu gạo Việt Nam là tăng trưởng liên tục tính trong điều kiện có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới, thì trong giai đoạn 2006-2007, lượng gạo xuất khẩu ổn định hơn, và giá xuất khẩu tăng rất mạnh. Năm 2007 là năm thứ 4 Việt Nam đạt lượng gạo xuất khẩu trên 4 triệu tấn, năm thứ 3 đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD; và vượt qua Ấn Độ giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về lượng gạo xuất khẩu.

Sau khi tuột dốc vào năm 2003, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng liên tục qua các năm. Tính chung 9 tháng đầu năm 2007, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt bình quân 293 USD/tấn, tăng 42 USD/tấn so với năm 2006, lần đầu tiên, giá gạo VN xuất khẩu ngang bằng với gạo Thái Lan cùng cấp các loại, từ 5% tấm, 10%, 15% đến 20% tấm, và trong tháng 9, giá gạo loại 25% tấm vượt cao hơn Thái Lan.















Nguồn: Số liệu Tổng cục hải quan các năm, Tổng cục thống kê 2006, 2007

Trong hai tháng đầu năm 2007, do ảnh hưởng của lệnh ngưng xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu chủ yếu là giao hàng theo các hợp đồng Chính phủ đã ký, chủ yếu là xuất sang Indonesia. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo quý 1 đạt thấp khi mà nhu cầu thị trường đang cao, sản lượng thu hoạch lúa đông xuân tốt, tại hội nghị giao ban xuất khẩu gạo quý 1 được tổ chức giữa tháng 4 năm 2007, tại Tp.HCM, tổ điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Thương mại ra quyết định điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 1,4 triệu tấn dự kiến ban đầu lên 1,6 triệu tấn trong quý 2 năm 2007.

Trong bối cảnh trong 6 tháng đầu năm, giá gạo thế giới luôn có xu hướng tăng, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam lại giảm cả về số lượng lẫn giá trị. Nguyên nhân sụt giảm do thực hiện theo đúng tiến độ dự kiến từ đầu năm nhằm đảm bảo ổn định an ninh lương thực. Nguyên nhân là do giá cước vận tải biển tăng mạnh, thiếu tàu vận chuyển, thời tiết không thuận lợi đối với xếp hàng xuống tàu đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu gạo. Vì vậy, 6 tháng, xuất khẩu gạo đạt 2,318 triệu tấn, kim ngạch đạt 731 triệu USD, giảm 18,3% và 5,83% về trị giá so cùng kỳ.

Tám tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 1,15 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chất lượng và thị trường

Trong quý I/2007, xuất khẩu gạo sang thị trường Inđônêxia là tăng mạnh, tăng 442% về lượng và 521% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn như Philippines, Malaysia, Nhật Bản đều giảm mạnh. Có tới 75% lượng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm là các loại gạo trắng cấp thấp, trong đó gạo trắng 15% tấm xuất khẩu sang Indonesia chiếm tỷ trọng cao nhất, 56% tổng lượng gạo xuất khẩu, đứng thứ hai là gạo 25% tấm xuất khẩu sang thị trường Philipin, chiếm 19% tổng lượng gạo xuất khẩu. Sau 2 tháng đầu năm yên tĩnh, xuất khẩu gạo cao cấp 5% tấm, 10% tấm, gạo thơm 5% tấm, gạo tẻ hạt dài sang các thị trường châu Phi, Malaysia, Nhật Bản phục hồi mạnh trong tháng 3, tuy nhiên vẫn chỉ đạt tỷ trọng rất thấp, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Gana chiếm 3%, sang Nhật Bản chiếm 2%, trong tổng lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm.


Nguồn: Trung tâm Thông tin thương mại, Bộ Thương mại

Sáu tháng đầu năm 2007, các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực Châu Á chiếm 76,58%, trong đó riêng xuất khẩu sang Indonesia và Philippines chiếm 67%. Philippines đang vượt qua Indonesia dẫn đầu về lượng và kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Theo thời hạn giao hàng của hai hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết, từ tháng 2 đến tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu 889 nghìn tấn gạo 25% tấm cho Philippines.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonexia đứng hàng thứ hai, với tổng số 644 nghìn tấn gạo, chủ yếu là loại gạo 15% tấm sang Indonesia, kim ngạch đạt 766,5 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Inđônêsia trở thành thị trường gạo xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 1/3 lượng gạo XK, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Phần còn lại xuất sang Châu Phi (14,32%), Châu Mỹ (5,9%) và một lượng nhỏ sang các thị trường khác. Trong số 10 nước nhập khẩu gạo Việt Nam chỉ có Inđônêsia tăng đột biến và Singapo tăng 6%, còn lại các nước khác đều giảm mạnh: Nga giảm 75%, Cu Ba giảm 67%, Nam Phi giảm 58%, Nhật Bản giảm 52%, Trung Quốc giảm 40%, Malaysia giảm 31%, việc suy giảm ở hầu hết các thị trường chủ chốt có thể gây bất lợi cho việc XK gạo của Việt Nam trong năm tới.

Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực xuất khẩu gạo năm 2007. Trong tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Vinafood II chiếm tỉ trọng 57% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tiếp theo là Tổng công ty Lương thực Miền Bắc chiếm 10% còn lại các doanh nghiệp khác. Tính đến cuối tháng 8 năm 2007, tổng lượng gạo Vinafood II xuất khẩu đạt 3,32 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 92,2 % tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tổng lượng gạo xuất khẩu 25% tấm sang thị trường Philippines đạt trên 798 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 68,3% tổng lượng gạo cả nước xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2007.

Liên hệ với tác giả bài viết: Phạm Hoàng Ngân - Email: phamhoangngan@agro.gov.vn



Phạm Hoàng Ngân (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường