Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Braxin - thị trường thủy sản tiềm năng
26 | 10 | 2007
Trong năm 2006, xuất khẩu thuỷ sản Braxin giảm 10% và nhập khẩu thuỷ sản tăng 49%. Kể từ năm 2002, do sự rớt giá của đồng đô la Mỹ, Braxin được lợi trong nhập khẩu thuỷ sản. Các nhà máy chế biến thuỷ sản Braxin chủ yếu nhập khẩu thuỷ sản nước ngoài để tái chế biến phục vụ chính cho tiêu thụ thuỷ sản nội địa...
Khái quát về thị trường Braxin:
Braxin là quốc gia Nam Mỹ rộng trên 8,5 triệu km2, giàu tài nguyên khoáng sản, dân số hơn 185 triệu người với nền văn hoá đa dạng. Braxin có nền kinh tế lớn hàng đầu ở Mĩ Latinh, đứng thứ 12 trên thế giới; nông nghiệp chiếm 9%, công nghiệp chiếm 32%, dịch vụ chiếm 59%.
Hiện nay Braxin là thành viên của LHQ, Hiệp hội Liên kết Mỹ La-tinh (ALADI), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Nghị viện Mỹ La-tinh (PARLATINO), Hệ thống Kinh tế Mỹ La-tinh (SELA), thành viên Nhóm 77, tham gia khối Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR). Nhờ những thành tựu về kinh tế - xã hội và chính sách hội nhập tích cực, Braxin ngày càng đóng vai trò nổi trội trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, là một trong những trụ cột hàng đầu của khối các nước đang phát triển.
Braxin có quan hệ thương mại chủ yếu với các nước Bắc Mĩ (30%), với Châu Âu (30 %), châu Á (16%), các nước Nam Mỹ (16 %), Châu Phi (6 %), còn lại là với các nước Trung Đông (2%). Hiện nay có 25 nước đang là đối tác có quan hệ buôn bán lớn với Braxin xếp theo tầm quan trọng tổng kim ngạch bao gồm: Mỹ, Áchentina, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Italia, Mêhicô, Pháp, Nigeria, Chi Lê, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ, Angiêri, Arập Saudi, Đài Loan, Vênêduêla, Thuỵ Sĩ, Nam Phi, Côlômbia, Iran. Chỉ 25 nước trên đã mua 75% lượng hàng xuất khẩu của Braxin và bán cho Braxin 80% lượng hàng nước này cần nhập khẩu.
Ngành thuỷ sản Braxin:
Năm 2005, tổng sản lượng thuỷ sản Braxin đạt 1 triệu tấn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đạt 180.000 tấn, trong đó, cá chép và rô phi là hai loài được nuôi trồng chính. Sản lượng thuỷ sản nuôi nước mặn đạt 78.000 tấn, giảm 12% so với năm 2004, trong đó, tôm chiếm phần lớn với 63.000 tấn Sản lượng thuỷ sản thấp khiến nước này hàng năm phải nhập một lượng lớn thuỷ sản từ các nước khác.
Trong năm 2006, xuất khẩu thuỷ sản Braxin giảm 10% và nhập khẩu thuỷ sản tăng 49%. Kể từ năm 2002, do sự rớt giá của đồng đô la Mỹ, Braxin được lợi trong nhập khẩu thuỷ sản. Các nhà máy chế biến thuỷ sản Braxin chủ yếu nhập khẩu thuỷ sản nước ngoài để tái chế biến phục vụ chính cho tiêu thụ thuỷ sản nội địa.
Giá trung bình thuỷ sản Braxin trên thị trường thế giới năm qua tăng từ 4,15 USD/kg lên 4,94 USD/kg. Braxin chủ yếu xuất khẩu tôm (chiếm 44% tổng lượng xuất khẩu thủy sản), tôm hùm chiếm 23% và cá đông lạnh chiếm 12%. Thị trường nhập khẩu thuỷ sản chính của Braxin là Mỹ (chiếm 37%), Tây Ban Nha (21%), Pháp (20%), Nhật Bản (4%) và Bồ Đào Nha (4%).
Tôm là sản phẩm xuất khẩu chính, tuy nhiên, sự đóng góp của sản phẩm này vào kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nước này ngày càng giảm, từ 48% trong năm 2005 xuống còn 44% trong năm 2006. Tuy tôm hùm của Braxin bán được với giá cao, nhưng trong năm qua, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này cũng đã giảm nhẹ. Xuất khẩu tôm hùm sang Mỹ chiếm tới 95%.
Khu vực phía Đông Bắc Braxin đóng góp 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, đồng thời đây cũng là khu vực nuôi tôm và khai thác tôm hùm lớn nhất Braxin. Đứng thứ hai là khu vực phía Bắc, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước; tiếp theo là khu vực Đông Nam chiếm 10% và phía Nam chiếm 8%.
Người dân Braxin, ngoài cá bacalao, cũng rất thích ăn cá hồi, do đó, Chilê và Áchentina nối gót Na Uy nghiễm nhiên trở thành hai nước xuất khẩu thuỷ sản nhiều nhất sang thị trường Braxin. Kể từ tháng 10/2005, do chính phủ Vênêzuêla cấm xuất khẩu cá sácđin đông lạnh sang thị trường Braxin nên xét về giá trị nhập khẩu, Marốc đã vượt lên chiếm vị trí thứ tư. Hiện tại, Marốc cũng là nước xuất khẩu chính cá sácđin cho Braxin.
Nhập khẩu cá Bacalao chiếm 43% tổng kim ngạch nhập khẩu Braxin, đạt 183,8 triệu USD, trong đó, nhập khẩu bacalao của Na Uy chiếm 81%, đạt 148 triệu USD; tiếp là cá hồi chiếm 16%, đạt 67 triệu USD và 100% là nhập từ Chilê; philê cá tuyết chiếm 14% và 99% là nhập khẩu từ Áchentina.
Xét về khối lượng nhập khẩu, năm 2006, Braxin nhập 171 nghìn tấn thuỷ sản, trong đó, nhập 44 nghìn tấn cá sácđin (chiếm 26% tổng khối lượng nhập khẩu); phi lê cá tuyết chiếm 16% và bacalao chiếm 13%.


Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường