Những lỗ hổng về pháp lý này khiến việc thực hiện các cam kết về Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (SPS) và Hiệp định Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) gặp không ít trở ngại”
Nhiều lỗ hổng pháp lý
Theo ý kiến của ông Trung, đưa ra tại diễn đàn “Thực thi các Hiệp định SPS và TBT” diễn ra ngày 24/10 ở TPHCM, hệ thống văn bản pháp luật trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ. Chẳng hạn, một số quy định của Việt Nam liên quan đến các quy định của Hiệp định SPS như xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, quy định về phân tích nguy cơ dịch hại, về tính tương đương…chưa cụ thể.
Mức độ bảo vệ của các biện pháp SPS hầu như thấp hơn so với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế. Các biện pháp SPS được xây dựng chưa thực sự dựa trên các bằng chứng khoa học hay chứng minh kỹ thuật vì vậy rất khó để bảo vệ quyền lợi khi tranh chấp.
Cũng theo ông Trung, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các cơ quan chức năng phản ứng quá chậm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện. “Việc thành lập bộ máy chuyên thực hiện các Hiệp định SPS và TBT đã đầy đủ nhưng khâu phối hợp với 6 Bộ liên quan vô cùng khó khăn” - ông Trung nói.
Đồng thời ông cho biết đến nay Văn phòng quốc gia về SPS và TBT đã nhận được nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước gửi đến. Nội dung những câu hỏi này xoay quanh các vấn đề làm thế nào để tuân thủ đúng Hiệp định SPS và TBT khi xuất hàng hóa ra các nước cũng như nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có một câu hỏi nào được trả lời. Trong khi đó, do không ý thức đúng tầm quan trọng của việc thực hiện SPS và TBT nên các DN hết sức thờ ơ.
Bà Phạm Thu Giang- Chuyên viên Vụ KH&CN - Bộ Công Thương than phiền: “Khi tiếp nhận được các quy định mới về SPS và TBT của các nước, chúng tôi đã thông báo ngay cho các doanh nghiệp nhưng 6 tháng trôi qua vẫn không thấy bất cứ phản hồi nào”.
“Việc phản hồi rất quan trọng - bà Giang nhấn mạnh - vì có những quy định mới của các nước không hợp lý hoặc không phù hợp với quy định chung thì ta có quyền khiếu nại buộc các nước phải thay đổi ngay trong thời gian (6 tháng) quy định mới chưa có hiệu lực và như vậy sẽ có lợi cho chính DN”.
Gánh chịu thiệt hại
“Nếu không làm tốt SPS và TBT thì hàng hóa các nước vào Việt Nam rất dễ, trong khi hàng của Việt Nam không thể đi ra các nước” - ông Hoàng Trung cảnh báo, đồng thời cho rằng: Tiếp nhận được những yêu cầu, quy định mới của các nước sẽ giúp các DN điều chỉnh được kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cho phù hợp.
Không ít DN do không biết là phải có giấy kiểm dịch thực động vật nên cứ xuất hàng đi, đến nơi thì bị ách lại và xử phạt, thậm chí DN còn bị nước sở tại khởi kiện nếu bị phát hiện sản phẩm có dấu hiệu nhiễm dịch bệnh, chi phí xử lý rất cao và các DN phải lãnh đủ.
Trong thực tế đã có 7 trường hợp DN xuất hàng sang các nước EU, Hàn Quốc và bị nước sở tại ách lại và yêu cầu DN đưa hàng quay về nước vì không có các giấy tờ cần thiết.