Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội cho rau Việt Nam vào Nhật Bản
31 | 10 | 2007
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện nay lượng rau củ Trung Quốc xuất sang Nhật Bản đang giảm mạnh. Đây được coi là cơ hội tốt cho rau củ Việt Nam tranh thủ xâm nhập vào thị trường này.
Trong nửa đầu năm 2007, lượng nhập khẩu các loại rau chủ yếu từ Trung Quốc vào Nhật Bản giảm từ 30-50%. Đặc biệt, trong tháng 7/2007, thông tin về việc sử dụng nguyên liệu giấy bao bì làm nhân bánh bao ở Trung Quốc đã làm hình ảnh thực phẩm nói chung nhập khẩu từ Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng xấu đi. Các cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản ngày càng thay nhiều mặt hàng rau nhập khẩu từ Trung Quốc bằng mặt hàng rau sản xuất nội địa.

Rau nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 60% tổng lượng rau nhập khẩu từ các nước của Nhật Bản và đang giảm dần. Theo thống kê, so với cùng kỳ năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm 2007 lượng rau nhập khẩu từ Trung Quốc là 241.500 tấn, giảm 21%. Trong đó cà rốt giảm 52%, nấm giảm 31%, hành giảm 29%. Bắt đầu từ năm 2003, với ưu thế giá rẻ, lượng rau sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào Nhật đã tăng rất mạnh.

Năm 2006, do phát hiện dư lượng hóa chất trong rau từ Trung Quốc vi phạm Luật an toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản nên Nhật Bản đã áp dụng qui chế chặt chẽ hơn. Mặt hàng nấm đã từng có thời gian bị cấm nhập khẩu vào Nhật Bản. Từ sau thời điểm này, lượng nhập khẩu nhiều loại rau từ Trung Quốc bắt đầu giảm xuống.

Hiện nay, nhiều cửa hàng bán lẻ rau của Nhật Bản đã tạm dừng bán rau sản xuất tại Trung Quốc vì người tiêu dùng đang có ấn tượng xấu đối với rau Trung Quốc. Theo thống kê tại một số cửa hàng bán lẻ, dù giá tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ rẻ bằng 1/10 nhưng doanh số bán không bằng 1/5 so với tỏi sản xuất nội địa.

Đặc biệt, đối với mặt hàng lạc (đậu phộng), mặc dù lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 90% tổng tiêu dùng trong nước của Nhật, tuy vậy, mới đây đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng nên tìm nguồn nhập khẩu lạc từ nước khác.

Theo điều tra mới nhất về sự quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm của người Nhật Bản, số người sẵn sàng chi ra số tiền nhiều hơn để được mua thực phẩm có nguồn gốc chứng minh được là sạch tăng so với kết quả điều tra năm 2005. Có 68,5% số người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao hơn từ 10-20% rau thông thường nếu mặt hàng rau đó được chứng minh là có nguồn gốc sạch (trên bao bì ghi rõ là rau trồng bằng phân hữu cơ...). Đặc biệt, có tới 17,4% số người tiêu dùng chấp nhận mua nếu giá tăng từ 30-50%. Tỷ lệ này cao gấp đôi tỷ lệ tương ứng của kết quả điều tra vào tháng 4 năm 2005.

Vì vậy, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế cho thấy, các thị trường nhập khẩu mới (thay thế một phần nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay) đều là các nước có trình độ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cao như Australia, Canada, Hàn Quốc...

Đứng trước tình hình này, Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Tokyo và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka nhanh chóng tìm và giới thiệu các khách hàng có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, rau củ từ Việt Nam, đồng thời tích cực tìm kiếm các đối tác có khả năng hợp tác với Việt Nam về mặt công nghệ để sản xuất được sản phẩm đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm và đúng thị hiếu tiêu dùng Nhật Bản.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động liên hệ với Thương vụ (theo địa chỉ email: vntrade.osaka@violin.ocn.ne.jp hoặc vntrade@dream.ocn.ne.jp) để được cung cấp thông tin cập nhật về doanh nghiệp mình và các mặt hàng có khả năng cung cấp sang Nhật Bản hoặc nhu cầu hợp tác với đối tác Nhật Bản


Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường