Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao cho cà phê XK: Còn nhiều tranh luận
01 | 11 | 2007
Tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn nhà nước TCVN 4193-2005 trong sản xuất cà phê XK” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, cả DN đã đầu tư công nghệ chế biến cà phê XK chất lượng cao lẫn các DN đầu tư ít, đều chưa muốn áp dụng TCVN 4193-2005 trong hoàn cảnh hiện nay.
Nguyên nhân chính do Bộ NN&PTNT đi ngược quy trình, ra quyết định áp dụng trước rồi mới tính đến việc “trưng cầu” ý kiến DN. Đó là chưa kể tới trên 80% người sản xuất cà phê là bà con nông dân dường như còn “ngoài cuộc” trước câu chuyện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng này.


TCVN 4193 - 2005: mới chỉ 10% DN áp dụng


Tháng 3/2007, Hội nghị “Thị trường và triển vọng cà phê năm 2007” của thế giới đã được tổ chức tại Việt Nam. Vấn đề nâng cao chất lượng cà phê của Việt Nam được xem là một nội dung trọng tâm, bởi theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – ca cao, trong 6 tháng năm 2007, cà phê bị loại thải có nguồn gốc từ Việt Nam chiếm 88% trong tổng số cà phê của thế giới, tăng 19% so với 6 tháng trước đó. Mặc dù tỉ lệ cà phê loại thải không lớn, nhưng việc áp dụng cách phân loại chất lượng theo tiêu chuẩn cũ chỉ coi trọng tỉ lệ hạt đen vỡ đã đem lại nhiều bất lợi, vừa không khuyến khích các nhà sản xuất và chế biến coi trọng việc cải thiện chất lượng, vừa tạo điều kiện để các nhà NK có lý do đánh tụt cấp chất lượng của các lô hàng và làm giảm uy tín chất lượng chung của cà phê Việt Nam.


TCVN 4193-2005 đã được ban hành từ năm 2005, nhưng theo điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay mới có khoảng 10% số DN XK cà phê và chỉ khoảng 1% - 1,5% sản lượng cà phê XK hàng năm áp dụng tiêu chuẩn này. Đa số các DN cà phê XK đều áp dụng tiêu chuẩn theo hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận với đối tác mua, được hình thành thông qua quá trình buôn bán với các nhà NK nước ngoài. Cụ thể các chỉ tiêu bao gồm: cỡ hạt, tỉ lệ tạp chất, tỉ lệ hạt đen, sâu, nâu, vỡ tính theo phần trăm khối lượng. Cái lợi từ việc phân loại cà phê theo tiêu chuẩn hợp đồng thường đơn giản, chi phí thấp. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít quốc gia XK cà phê sử dụng tiêu chuẩn mà các nhà XK Việt Nam đang áp dụng, bởi cách phân loại này quá sơ sài, không đánh giá đầy đủ chất lượng sản phẩm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người sản xuất thu hoạch cà phê khi còn xanh đưa vào chế biến khiến chất lượng cà phê XK của Việt Nam không được cải thiện.


Cái gốc bị xem nhẹ


TCVN 4193-2005 cho cà phê XK được nước ta ban hành cách đây hơn 2 năm, theo đó áp dụng phân loại theo cách tính lỗi để phù hợp với cách phân loại của Hội đồng Cà phê thế giới. Tuy nhiên, tiêu chuẩn trên chỉ có tính chất tự nguyện, chưa có tính bắt buộc, nên thời gian qua còn quá ít DN áp dụng.


Vì lợi ích trước mắt, nhiều DN vẫn thực hiện mua bán cà phê theo tiêu chuẩn hợp đồng và tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu vẫn xảy ra nhiều. Nhận thức của người sản xuất về chất lượng cà phê chưa được nâng lên, nên chưa tự giác thực hiện các quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế bảo quản... Trước thực trạng đó, ngày 24/5/2007, Bộ Thương mại (cũ) đã có Thông báo số 2987/BTM-XNK về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Lương Văn Tự tại Hội nghị Bàn về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193-2005 đối với cà phê XK Việt Nam, thống nhất, áp dụng bắt buộc kiểm tra chất lượng mặt hàng cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng trước khi thông quan, thời điểm áp dụng từ 1/10/2007 và đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quyết định áp dụng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193-2005.


Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng phải sớm bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê XK theo TCVN 4193 - 2005. Thậm chí còn đề nghị nâng cấp tiêu chuẩn này thành Quy chuẩn kỹ thuật cà phê XK Việt Nam để có tính pháp lý trong áp dụng thực tế. Cục này còn đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn cà phê XK theo TCVN 4193-2005. Cụ thể, niên vụ 2007 – 2008 sẽ thực hiện một số biện pháp như đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức để các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các DN và người sản xuất hiểu rõ lợi ích về sự cần thiết phải bắt buộc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn mới cho cà phê XK của Việt Nam. Tiếp đó, từ niên vụ 2008 – 2009 sẽ thực hiện việc bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê XK theo TCVN 4193- 2005, những lô hàng không đạt chất lượng, nhưng phù hợp với tiêu chuẩn theo hợp đồng thì vẫn cho thông quan trên cơ sở DN có cam kết áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193- 2005 vào niên vụ tiếp theo.


Từ niên vụ 2009 – 2010, thực hiện bắt buộc kiểm tra chất lượng với tất cả các lô hàng cà phê XK theo TCVN 4193 - 2005 khi thông quan, nếu không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu khắc phục tại chỗ...


Tuy nhiên, lộ trình này dường như không được sự đồng tình của hầu hết các DN. Không ít ý kiến của các DN đã đầu tư nhiều cho nâng cao chất lượng cà phê cho rằng, nếu áp dụng ngay TCVN 4193 - 2005 sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh về cà phê XK chất lượng cao, chiếc bánh lợi nhuận sẽ bị phân nhỏ. Ngược lại, các DN chưa đầu tư cũng muốn nấn ná vì nếu áp dụng sẽ phải bỏ ra một số vốn đầu tư khổng lồ mà việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới, trước mắt chưa mang lại lợi nhuận cao. Hầu hết các ý kiến đều có điểm chung cho rằng, người sản xuất cà phê là đối tượng chính, là cái gốc của vấn đề, thế nhưng việc tuyên truyền, giúp họ hiểu, làm thế nào... thì còn bị xem nhẹ. Bởi thế việc áp dụng TCVN 4193 - 2005 chưa có sức thuyết phục.



Nguồn: baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường