Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh niên nông thôn trăn trở hội nhập
07 | 11 | 2007
100 đoàn viên, thanh niên nông thôn xuất sắc, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp trẻ thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng vừa dự Diễn đàn "Thanh niên nông thôn, thời cơ và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế" do T.Ư Ðoàn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội. Nhiều bạn trẻ thành đạt từ quyết tâm lao động, sáng tạo vượt qua khó khăn về vốn, thiếu kiến thức, tay nghề, thông tin, nhân lực, thị trường...
Vượt khó vươn lên

Ðoàn viên Trần Thanh Cao (Yên Khánh, Ninh Bình), lớn lên trên đồng quê chiêm trũng, đất chật người đông, rời quê hương theo bạn vào phía nam làm thuê. Trong những ngày tháng đó, anh ý thức một điều: ở đâu người dân có nghề, có việc làm thường xuyên, ở đó có đời sống kinh tế, sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa khá hơn, trật tự an ninh ổn định. Thanh Cao trăn trở: Tại sao mình không học để làm nghề ngay tại quê hương. Anh quay về địa phương xây dựng tổ hợp nhỏ làm nghề dệt thảm bằng những vật liệu dễ kiếm như bẹ chuối, bèo tây (lục bình). Ðồng thời học hỏi dệt thảm, đan túi xách bằng cói. Công việc phát triển, Thanh Cao thành lập doanh nghiệp tư nhân Nga Thanh, tổ chức đào tạo nghề cho nông dân. Lúc đầu, doanh nghiệp chỉ có 15 lao động, đến nay đã có 700 lao động và tổ chức sản xuất tại nhà cho nhân dân và thanh niên thuộc ba huyện ở Ninh Bình. Ngoài ra, anh mở Công ty tại Hà Nội và có chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Hàng thảm, túi cói của Thanh Cao đã đến với thị trường Thụy Ðiển, New Zealand.

Sinh ra trong một gia đình có đông anh em, đoàn viên Ðỗ Ngọc Kế (Nam Ðịnh), chỉ học hết lớp 7, nhưng không vì thế mà chịu bó tay với cái nghèo. Khởi nghiệp, anh kinh doanh nón lá, tạo lập được vốn ban đầu rồi chuyển sang sản xuất và kinh doanh đồ mỹ nghệ. Từ thực tế, Ngọc Kế thấy cần có nơi trưng bày sản phẩm ở thành phố và những khu du lịch, nên đã vay vốn xây dựng hai siêu thị và một khách sạn tại khu nghỉ mát Quất Lâm (Nam Ðịnh). Hiện nay, anh có 100 công nhân làm việc tập trung và hơn 200 lao động sản xuất tại gia đình. Lương tháng của công nhân từ 900 nghìn đồng đến 3,2 triệu đồng/người và bạn trẻ học nghề cũng có lương tháng 300 nghìn đồng.

Còn nhiều thanh niên nông thôn đang là chủ doanh nghiệp thành đạt trên nhiều ngành nghề, như: Nguyễn Văn Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) chủ trang trại thủy sản; Nguyễn Hữu Tài (Hà Tây) chủ xưởng sản xuất mây tre đan, doanh thu hàng năm hơn 5 tỷ đồng; Ðinh Văn Tuệ, (Vĩnh Phúc), sản xuất đồ gỗ với 17 bạn trẻ có việc làm và thu nhập ổn định.

Còn nhiều khó khăn

Trên thực tế, số đông thanh niên nông thôn và ngay cả những bạn trẻ đã thành đạt vẫn đang trăn trở tìm đường phát triển trước tiến trình hội nhập. Hiện tượng đoàn viên bỏ quê hương để tìm kế mưu sinh nơi thị thành và những khu công nghiệp khi không có tay nghề, và đồng lương thấp... là phổ biến. Có rất nhiều lý do để hình thành "làn sóng" di chuyển này: đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi; lời cam kết bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất của chủ đầu tư chưa được thực hiện; hiệu suất lao động nông nghiệp quá thấp; mức sống, mức hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị chênh lệch; điều kiện sinh hoạt, học tập của thanh niên nông thôn rất khó khăn...

Việc làm của thanh niên nông thôn là nhu cầu bức bách, và những đoàn viên vươn lên tạo được việc làm tại nông thôn còn chịu nhiều áp lực. Trần Thanh Cao cho biết: Ký được một hợp đồng hai tỷ, nhưng không có vốn để triển khai. Gia sản của một nông dân không có gì để thế chấp vay vốn. Khi đã có hàng rồi thì đường giao thông tắc nghẽn, xe chở hàng không thể vào đóng hàng được, muốn chuyển được hàng lại phải tăng chi phí khác. Anh Nguyễn Hữu Tài tâm tư: Ðào tạo nghề cho thanh niên nông thôn rất khó khăn do trình độ văn hóa thấp, kinh phí không có, lại học để làm khi nông nhàn, nên không thể làm ra sản phẩm chất lượng cao. Anh Ðàm Xuân Quý cho rằng: Các doanh nghiệp của thanh niên thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh. Muốn cải thiện nguồn nhân lực lại vướng về vốn, trình độ, quy mô, ý thức liên kết giữa các doanh nghiệp lại rất kém.

Nhưng cũng nhiều bạn trẻ nông thôn cho rằng: Trong điều kiện nước ta đã đi sau, nếu cứ chờ cơ chế thay đổi, chờ vốn nhiều, có trang bị kỹ thuật hiện đại mới xây dựng doanh nghiệp, tìm kiếm mặt hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... thì sẽ luôn bị tụt hậu. Ðể vượt qua những khó khăn này, cần mạnh dạn, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác thế mạnh từ địa phương, những sản phẩm bản địa để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðất nước ta dài hơn hai nghìn km từ bắc vào nam, có rừng, biển, đồng bằng, đồi núi, mỗi vùng có những thế mạnh, những kỹ năng sản xuất tinh xảo, những sản phẩm tiêu biểu, bản sắc văn hóa phong phú. Ðiều quan trọng là thanh niên phải biết khai thác những tài nguyên quý báu đó của từng địa phương để tham gia thị trường. Mỗi thanh niên cần có ý tưởng, trên cơ sở đó hình thành những mô hình sản xuất, kinh doanh với những phương án khả thi. Liên kết cũng là khả năng cải tạo chất lượng nguồn lực và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Ðã đến lúc cần xây dựng Làng nghề thanh niên, Làng văn hóa mà thanh niên là lực lượng chủ lực, để khơi dậy sức trẻ trên con đường hội nhập.


Theo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường