Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi "kêu cứu"
16 | 11 | 2007
Sự chênh lệch giá của 8 mặt hàng nguyên liệu từ tháng 1 đến tháng 10 là rất lớn, trung bình giá đã tăng lên tới 25%. Trong khi đó, mỗi lần tăng giá sản phẩm TĂCN, các doanh nghiệp cũng chỉ dám tăng cầm chừng khoảng 10%.

Hãy cứu lấy nhà sản xuất!

Hiện nay, hầu hết các loại nguyên liệu chính để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đều tăng giá so với cùng kỳ năm 2006 và các tháng đầu năm 2007. Ngay sau khi Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu hồi tháng 8/2007, giá các nguyên liệu chính vẫn không ngừng tăng với tốc độ “phi mã”. Cụ thể, trong các tháng 9 và 10, giá khô dầu đậu tương tăng từ 5.100 USD/tấn lên 7.200 USD/tấn, ngô từ 2.980 USD/tấn lên 4.200 USD/tấn, sắn 2.500 USD/tấn lên 3.400 USD/tấn... Theo phân tích của Hiệp hội TĂCN Việt Nam, sự chênh lệch giá của 8 mặt hàng nguyên liệu từ tháng 1 đến tháng 10 là rất lớn, trung bình giá đã tăng lên tới 25%. Tuy nhiên, ông Đoàn Trọng Lý cho rằng: “Việc Hiệp hội đánh giá 8 loại nguyên liệu chính tăng trung bình 25% là không sát thực tế. Tôi đảm bảo tất cả các loại nguyên liệu đều tăng trên 60%”. Trong khi đó, mỗi lần tăng giá sản phẩm TĂCN, các doanh nghiệp cũng chỉ dám tăng cầm chừng khoảng 10%. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn trở tay không kịp. Nhiều người băn khoăn, thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến TĂCN hiện nay lỗ hay lãi?

Ông Đoàn Trọng Lý cho biết, mặc dù công ty đã thực hiện chính sách “giảm lượng bán ra, giữ khách và đợi cơ hội đến thì lại bắt đầu vào cuộc”, vậy mà mỗi tháng vẫn bị lỗ tới 700 triệu đồng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài toán này lại càng nan giải hơn. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cái lợi trước mắt khi bán nguyên liệu để “ăn” chênh lệch thì có thể kiếm tiền tỷ dễ như chơi, nhưng để duy trì uy tín, thương hiệu của công ty, họ không thể làm như vậy và hầu hết đều phải chịu trận hoặc là lỗ lớn, hoặc phải phá sản. Xin nhắc lại thông tin, trong năm 2006, có tới 45 nhà máy chế biến TĂCN quy mô nhỏ bị “sập tiệm”! Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước phải kịp thời có chính sách hữu hiệu để “cứu” các nhà máy chế biến TĂCN.

Tiếp tục giảm thuế và dự trữ nguyên liệu?

Với những khó khăn của các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội TĂCN Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải có kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn; đề nghị Chính phủ cấm xuất khẩu tiểu ngạch nguyên liệu TĂCN, đặc biệt là giảm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng bằng 0% với thời hạn tăng từ 30 ngày lên 90 ngày. Ông Nguyễn Hữu Lợi - Chủ tịch HĐQT Công ty Con Heo vàng (VIC) - cho biết: “Muốn bình ổn được giá, Nhà nước cần phải có một chiến lược về nguyên liệu, bằng việc có thể thực hiện chính sách dự trữ nguyên liệu ở mức 20-25% trong kho, sau đó sẽ đưa ra đấu thầu cho các doanh nghiệp trong nước, lỗ Nhà nước chịu, lãi Nhà nước hưởng. Điều này sẽ hạn chế sự tăng giá của TĂCN và doanh nghiệp cũng không bị lỗ”. Ông Nguyễn Sỹ Sâm - Giám đốc Công ty Sản xuất TĂCN Hà Việt - đồng tình với quan điểm này. Ông Sâm nói: “Nhiều khi các doanh nghiệp cứ bị nghi ngờ là ghim hàng để ép giá, nhưng thực tế, chúng tôi lấy đâu ra hàng mà dự trữ”.

Thế nhưng, việc có nên hình thành một chiến lược dự trữ hay không? Còn nhiều vấn đề đáng bàn, bởi hiện nay chúng ta mới chỉ có mặt hàng gạo là đang được Nhà nước dự trữ. Để giúp các doanh nghiệp chế biến TĂCN hoạt động có hiệu quả, theo ông Đoàn Trọng Lý, về lâu dài, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ về chính sách, nhất là chính sách kiểm soát chất lượng đầu ra như: kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi; xây dựng các kho đông lạnh để mua thịt vào dự trữ… Như thế, giá cả các sản phẩm chăn nuôi sẽ ổn định, người dân không bị thiệt và các doanh nghiệp chế biến thức ăn có điều kiện để phát triển.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường