Xuất khẩu tăng, nhưng không đột biến
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, trong 11 tháng năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 43,6 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2006 và nếu xuất khẩu dầu thô không giảm thì tốc độ xuất khẩu còn tăng cao hơn nữa. Ông Tuyển nhận xét, một biểu hiện đáng mừng mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) trong nước đã tăng cao hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (22% so với 18,6%). Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là, sau khi đã được dỡ bỏ hạn ngạch, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt trên 7,5 tỷ USD và nhiều khả năng sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2010. Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn rất nhiều và thị trường xuất khẩu cũng đã được mở rộng hơn.
Mặc dù vậy, theo ông Tuyển, xuất khẩu của Việt Nam trong gần 1 năm qua vẫn chưa tăng đột biến. “Điều này đã được tôi dự báo từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Và 1 năm sau dự báo này đã đúng. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có sự thay đổi ở nhiều mặt, song còn chậm trễ”, ông Tuyển nói. Cụ thể, cơ cấu kinh tế và sản phẩm của Việt Nam thay đổi còn chậm; tỷ lệ của hàng hoá có hàm lượng kỹ thuật và tri thức trong tổng hàng hoá xuất khẩu chưa tăng mạnh, nên kim ngạch xuất khẩu chưa tăng đột biến... “Tuy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may là lớn, song tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu lại chiếm tới 80%. Giá trị sản phẩm xuất khẩu của chúng ta vẫn chủ yếu được tạo ra ở khâu gia công”, ông Tuyển nói.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Ông Tuyển nhận xét, đã có nhiều cơ hội được mở ra sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO như thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn; đổi mới trong nước được thúc đẩy nhanh và hình thành đồng bộ những yếu tố kinh tế thị trường; có vị thế mới để triển khai đường lối đối ngoại... Thế nhưng, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi chúng ta cũng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể là cạnh tranh diễn ra gay gắt ở cả 3 cấp độ sản phẩm và sản phẩm, DN và DN, chính phủ và chính phủ. “Các sản phẩm của DN không chỉ gặp sự cạnh tranh rất mạnh ở thị trường nước ngoài, mà ngay cả ở thị trường trong nước. Mặc dù vậy, nhiều yếu tố liên quan tới khả năng cạnh tranh của DN lại nằm ngoài khả năng của DN như pháp luật, bộ máy thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Điều này lại nằm trong việc hoạch định chính sách của Chính phủ”, ông Tuyển nói.
Một trong những nguyên nhân của nhập siêu tăng mạnh trong thời gian qua là do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, cơ cấu sản xuất còn lạc hậu. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ông Tuyển cho biết, hiện giá thép trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu phôi và giá phôi của nước ngoài, song đầu tư vào sản xuất thép của các DN Việt Nam lại tập trung vào cán thép, chứ không phải là sản xuất phôi từ quặng. Việc dư thừa công suất cán thép là một ví dụ.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu thì tác động của giá cả thế giới là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, các nước khác cũng chịu sự tác động này, nhưng lại ít biến động về giá như ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân mà ông Trương Đình Tuyển chỉ ra là do sản xuất ở trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu và còn nhiều yếu kém trong quản lý tiền tệ.
“Chúng ta đã tung một lượng tiền đồng lớn ra để mua USD nhằm duy trì tỷ giá, nhưng lại chưa có biện pháp để thu tiền về dẫn đến lượng tiền lưu thông trên thị trường còn rất lớn. Công tác quản lý nhà nước về thị trường trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Quá trình sản xuất là cả một dây chuyền lớn với sự tham gia của nhiều nước và nhiều biến số phức tạp, trong đó có cả biến số về sự tác động của môi trường và tương tác phát triển. Nếu không quản lý tốt thị trường tài chính thì việc điều hành nền kinh tế sẽ rất khó khăn”, ông Tuyển lo ngại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại kết luận: “Một năm là chưa đủ thời gian để đánh giá những tác động của việc gia nhập WTO với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, cơ hội để có sự bứt phá chỉ là 5 năm. Việc quan trọng nhất trong thời điểm này là phải hành động, bởi chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều biến đổi rất nhanh”.