"Nhưng thực tế là trong số 10 đôi giày bày bán ở châu Âu thì có 3 đôi được sản xuất tại Việt Nam”, Tham tán Thương mại EU tại Việt Nam, ông Atonio Berenguer nói. Ví dụ minh hoạ này của ông Berenguer đã phản ánh một thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt, đó là tình trạng thiếu vắng nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Khoá tập huấn cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về “Thủ tục phản đối và khiếu nại liên quan đến nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp” do Chương trình Hợp tác sở hữu trí tuệ EC-ASEAN (ECAPII) và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức trong hai ngày 19 và 20/12/2007 cho thấy: Việt Nam cần chủ động xác lập nhãn hiệu của riêng mình, đồng thời phải có hệ thống mạnh mẽ về phản đối và khiếu nại liên quan đến nhãn hiệu. Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho việc đăng ký cũng như bảo hộ nhãn hiệu mà Việt Nam đã xây dựng được.
“Cùng với sự tăng nhanh về số lượng đơn, các vụ khiếu nại và tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, một hệ thống xử lý khiếu nại và tranh chấp có hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ”. Ông Atonio Berenguer cảnh báo tập đoàn Microsoft sẽ “không thể đến Việt Nam nếu các chương trình phần mềm của họ luôn bị sao chép bất hợp pháp”.
Việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc nhiều vào vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào việc thực thi sở hữu trí tuệ để quyết định đầu tư vào Việt Nam hay không. Và nếu không tiếp tục phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ thì Việt Nam có nhận được đầu tư cũng chỉ là những ngành có hàm lượng công nghệ thấp.
Tạo lập thương hiệu tại nước ngoài
Theo ngài Tham tán Thương mại, Việt Nam có tiềm năng để phát triển thương hiệu và nhãn hiệu. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu (Việt Nam xếp thứ 21 trong danh sách các nước phụ thuộc vào xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu chiếm 65% tổng GDP).
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là dệt may (5,8 tỉ USD), giày - dép (4 tỉ USD), đồ gỗ 1,9 tỉ USD. 4 mặt hàng này chiếm 30-40% xuất khẩu của Việt Nam. Để sản xuất những mặt hàng này, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu ở nước ngoài nên tiền lãi thực sự không cao. Đơn cử, Việt Nam chỉ thu được 2 Euro từ một đôi giày xuất khẩu.
Ông Atonio cho rằng để xây dựng được nhãn hiệu của riêng mình không chỉ bằng cách xây dựng nhiều nhãn hiệu mà phải xây dựng nhãn hiệu mạnh được quốc tế thừa nhận. Để những nhãn hiệu này cạnh tranh được trên thị trường thế giới, một điều quan trọng là Việt Nam phải có hệ thống mạnh về phản đối và khiếu nại liên quan đến nhãn hiệu.
Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho việc đăng ký cũng như bảo hộ nhãn hiệu mà Việt Nam đã xây dựng được. Quá trình kiểm soát này sẽ đảm bảo rằng mỗi nhãn hiệu được xây dựng trên thị trường thế giới là những nhãn hiệu có cơ sở để tồn tại và cạnh tranh được và được đăng ký một cách chính thức. Vì vậy, điều quan trọng là thủ tục phản đối và khiếu nại cần được xây dựng tại Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng nhãn hiệu mạnh của Việt Nam.
Lựa chọn cách thức đăng ký nhãn hiệu
Là người gắn bó lâu năm với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông Ignacio de Medrano Caballero, Phó cục trưởng Cục Hành chính và đối ngoại của cơ quan về hài hoà hoá và thị trường nội khối (OHIM) - đem đến khoá tập huấn những lời khuyên thực tiễn của ngành. Trước hết là “cần đăng ký nhãn hiệu hàng hoá dù ở Việt Nam hay châu Âu nếu muốn được bảo vệ”.
Điều quan trọng nhất là ngăn chặn không cho những nhãn hiệu tương tự xuất hiện trên thị trường. Ngay cả với một công ty của Nhật đã có nhãn hiệu nổi tiếng ở thị trường Nhật cũng sẽ gặp rắc rối: khi xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu nếu doanh nghiệp Nhật không đăng ký ngay từ đầu dẫn đến những nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự tràn lan ở châu Âu thì các thủ tục tiếp theo sẽ rất tốn kém, rườm rà.
Thứ hai là các cách lựa chọn cho phép các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng tại châu Âu. Ông Ignacio tổng hợp lại có 3 cách: theo đường quốc gia, theo đường quốc tế và theo đường cộng đồng (OHIM).
Theo đường quốc gia là trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu hàng hoá sang một số nước thành viên EU muốn được bảo vệ quyền của mình tại cơ quan quốc gia của số nước thành viên đó và chỉ tại đó mà thôi. Chọn cách này đòi hỏi doanh nghiệp phải biết chắc chắn thị trường nào doanh nghiệp muốn bảo vệ quyền của mình, muốn đăng ký ở bao nhiêu quốc gia. Theo đó, doanh nghiệp phải chi phí dịch thuật sang những nước quyết định lựa chọn được bảo vệ và một khoản phí riêng tại mỗi quốc gia cũng như phí luật sư.
Còn theo con đường quốc tế cho phép doanh nghiệp đến bất kỳ một cơ quan sở hữu trí tuệ nào của châu Âu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn lãnh thổ châu Âu. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp không có quyền duy nhất mà có rất nhiều quyền thông qua một thủ tục và quyền đó được bảo vệ tại tất cả các quốc gia mà trong đơn đăng ký doanh nghiệp đề nghị.
Như vậy, nhãn hiệu và kiểu dáng được bảo hộ trong những lãnh thổ cụ thể sẽ phải chịu nối tiếp những luật của các quốc gia thuộc EU. Điều này làm cho sự việc phức tạp hơn vì phải tìm hiểu xem luật quốc gia. Về nguyên tắc, chi phí cho con đường này tuỳ thuộc vào xác suất vấn đề có thể nảy sinh và bao gồm cả phí luật sư và phí cá nhân nộp một lần cho WIPO.
Con đường thứ ba là qua cộng đồng, xét về nguyên tắc, đây là con đường làm cho mọi việc đơn giản hơn vì chỉ có 1 thủ tục đăng ký, 1 cơ quan đăng ký (OHIM), 1 khoản phí, 1 văn bằng có giá trị tại 27 nước và 1 toà án.
Đại diện cho Ban quản lý Chương trình ECAPII tại Bangkok, ông Stephane Passeri, thừa nhận: “Nếu doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hoá muốn đăng ký trực tiếp tại văn phòng OHIM sẽ là cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí bởi vì lẽ ra phải đi đến lần lượt 27 quốc gia thành viên châu Âu để đăng ký thì chỉ phải đăng ký một lần tại văn phòng OHIM. Như vậy, nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tại tất cả 27 nước, một thị trường 500 triệu dân. Đó là một cách làm đỡ tốn kém”.
Tuỳ thuộc mỗi lần đăng ký có thể nhiều kiểu dáng nhãn hiệu cùng một lúc, mỗi lần đăng ký như vậy được bảo hộ tại 27 nước và thời gian bảo hộ 10 năm. Một hồ sơ đăng ký chi phí trung bình khoảng 1.000 Euro. Tuy nhiên, nó sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu doanh nghiệp phải đòi lại khi bị mất, chiếm đoạt hoặc khi tranh chấp.