Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ mất thị trường của ngành chè
25 | 12 | 2007
Mới đây, Hiệp hội Chè Việt Nam (Vinatea) đã đưa ra cảnh báo khả năng ngành chè mất thị trường EU sau khi khách hàng ở Anh và nhiều nước châu Âu có thông báo về việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm chè xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Ngoài ra còn một thực tế là nhiều năm nay ngành chè nước ta vẫn phải chấp nhận giá chè xuất khẩu thấp hơn giá chè quốc tế từ 0,5 đến 0,7 USD/kg (chỉ bằng 65% - 70% giá chè xuất khẩu của nhiều nước). Trong những tháng đầu năm nay, giá chè xuất khẩu chỉ đạt bình quân khoảng 1.006 USD/tấn, giảm 4,6% so với mức giá bình quân của cả năm 2006 (1.062 USD/tấn).

Vinatea cho rằng, giá chè xuất khẩu giảm và nguy cơ mất thị trường một phần do mạng lưới cơ sở chế biến chè phát triển quá nhanh và mang tính tự phát, không tương xứng với vùng nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Vinatea, chỉ tính riêng các doanh nghiệp chế biến chè đã có trên 600 cơ sở công nghiệp với tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày (trên 600 nghìn tấn búp tươi/năm). Với sản lượng 546.000 tấn chè búp tươi năm 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến công nghiệp. Chưa kể đến hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công, bán công nghiệp cùng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế.

Do thiếu nguyên liệu nhiều cơ sở không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu, thiếu chăm sóc dẫn đến năng suất chè bình quân của cả nước chỉ đạt 5,7 tấn/ha trong khi nếu chăm sóc tốt, nhiều vườn chè cho năng suất 20-25 tấn/ha. Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên hầu hết chè Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, chè thành phẩm mới chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vinatea cho rằng, sản xuất chè hiện vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ 2 yêu cầu quan trọng hàng đầu là độ đồng đều của chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thế giới. Thêm vào đó, quá trình đổi mới giống chè diễn ra quá chậm, 74% diện tích hiện được trồng bằng giống chè của các địa phương, chỉ có 26% diện tích được trồng giống mới (trong đó giống chè chất lượng cao chỉ chiếm 7%) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng chè nước ta.

Phát triển thương hiệu chè Việt Nam an toàn trên cơ sở những vùng nguyên liệu sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu, Nhật Bản là mục tiêu của doanh nghiệp chè Việt Nam trong thời gian tới. Bộ NN và PTNT đã có Chương trình hiện đại hóa ngành chè với kinh phí đầu tư trên 420 tỷ đồng tập trung đầu tư cho giống chè, xây dựng các mô hình chế biến chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, theo Vinatea, việc quy hoạch các cơ sở chế biến công nghiệp phải gắn chặt với vùng chè, khắc phục tình trạng thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu như hiện nay. Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những vùng chè chủ lực, chuyển giao công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Đây được coi là những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng giá chè xuất khẩu và giúp ngành chè tránh khỏi nguy cơ mất thị trường.



Theo www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường