Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một năm vào WTO: Những dấu hiệu lạc quan
03 | 01 | 2008
Một năm hội nhập cùng WTO, những lo ngại về một cú sốc tiêu cực như một số người suy nghĩ đã không xảy ra. Trái lại, tác động tích cực từ WTO tới nền kinh tế đang trội hơn những yếu tố tiêu cực.

Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong vòng một năm hội nhập WTO, Việt Nam đã đón rất nhiều đoàn cấp cao của các nước đến thăm trao đổi các vấn đề hợp tác phát triển. Rất nhiều các nhà doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, khách du lịch đã đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đầu tư, xuất khẩu, du lịch... với mức cao kỷ lục. Theo công bố của Bộ Công Thương kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2007 đạt 48 tỷ USD, tăng 8,2 tỷ USD (tương đương 20,5%) so với năm 2006, vượt 3,1%.so với kế hoạch Chính phủ giao (17,4%).  

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, sau khi gia nhập WTO đã có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Dưới góc nhìn của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc thực hiện các cam kết ngay sau khi gia nhập WTO.

Theo ông Jean Pierre Achouche, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, là thành viên WTO, Việt Nam đã ngày càng nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư thế giới. Hơn 20 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào Việt Nam trong năm 2007, vượt xa mọi dự báo và vượt tới 53,2% kế hoạch năm. Trong đó, sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán cũng đã khiến nguồn vốn gián tiếp vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Thị trường chứng khoán được coi là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập WTO.

Gia nhập WTO cũng đã có những tác động tích cực tới thị trường, nông dân đã được hưởng lợi từ việc nông sản được tiếp cận bình đẳng trên thị trường các nước thành viên WTO. Một số người dân ở TP Hồ Chí Minh, nơi được coi là đầu tầu kinh tế hội nhập mạnh mẽ nhất nước cho rằng, WTO đã mang lại những cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá cả cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng; các mặt hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng đa dạng hơn.

Tuy nhiên, để gia nhập WTO, Việt Nam đã phải cam kết cắt giảm thuế, mở cửa thị trường rất nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp… đến những lĩnh vực nhạy cảm. Tới nay, Việt Nam đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo lộ trình cam kết với WTO, các lĩnh vực dịch vụ tới đây sẽ ngày càng mở cửa sâu rộng hơn. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản và dịch vụ phân phối đang nóng lên bởi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài…

Sức ép mở cửa thị trường đang tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong nước khi năng lực cạnh tranh của họ còn hạn chế lại phải cạnh tranh trong hoàn cảnh cơ cấu kinh tế thế giới thay đổi mạnh theo chiều hướng phát triển kinh tế tri thức, dịch vụ. Hệ quả là có những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam do năng lực cạnh tranh yếu đã bị mất hết thị phần ngay tại thị trường nội địa.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những tác động tích cực từ WTO chỉ có thể mang lại cho Việt Nam khi Việt Nam thực hiện tốt các cam kết. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, một số cam kết với WTO Việt Nam thực hiện tương đối chậm do vấn đề nhận thức. Điều quan trọng trong quá trình hội nhập WTO là phải đảm bảo được môi trường cạnh tranh lành mạnh vừa thực hiện đúng các cam kết vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình vốn kiến thức toàn diện và đặt mình trong bối cảnh liên kết toàn cầu nhằm thiết lập các liên kết chuỗi nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhận định chung của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước sau 1 năm Việt Nam hội nhập WTO cho thấy, WTO không phải là phép màu cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh nhanh chóng, song tác động từ WTO đã khiến nền kinh tế Việt Nam đã, đang phát triển lành mạnh và tiếp tục phát triển nhanh trong những năm tới.

Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục hội nhập vào mạng lưới kinh tế toàn cầu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, duy trì động lực cho cải cách trong nước thì tăng trưởng GDP năm 2008 sẽ là 8,5%.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, nếu có quyết tâm cao thì chỉ 2-3 năm nữa là Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột biến. Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đổi mới để tăng tốc độ, tăng hiệu quả và chớp cơ hội.



Theo www.doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường