Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Đông - thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam
23 | 06 | 2007
Iran và Dubai là hai thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may, vải, giày dép, cao su, gỗ, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, linh kiện phụ tùng xe máy và hải sản...

Thị trường Iran

Với gần 70 triệu dân, có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực và trên thế giới và là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Cộng hòa Hồi giáo Iran là nước có tiềm năng kinh tế lớn, có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thiết yếu cũng như cao cấp để phục vụ nhu cầu nội địa.

Hàng nhập khẩu của Iran bao gồm: Máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, sắt thép, hàng dệt, khoáng sản, lương thực, thực phẩm, súc vật sống, chè, cà phê, cao su. Lượng gạo tiêu thụ hàng năm khoảng 2,7 triệu tấn, chè là 100.000-130.000 tấn. Mỗi năm Iran nhập khoảng 40.000 tấn cao su, 800.000 tấn dầu thực vật.

Theo Vụ thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Thương mại) thì:

+ Iran muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dầu khí, sản xuất xi măng, phân bón, trồng và chế biến cao su, chè và đẩy mạnh trao đổi thương mại với Việt Nam.

+ Iran có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn gạo loại 5% (theo tiêu chuẩn Iran), chè, cà phê, hạt tiêu, cao su loại SVR 20, quần áo, giày dép, phụ tùng xe máy và xe đạp.

Bên cạnh đó, với lợi thế là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, Iran có khả năng cung cấp cho Việt Nam các loại sản phẩm hóa dầu như nhựa đường, dầu bôi trơn, phân bón, đồng nguyên liệu... với giá cả cạnh tranh và chất lượng hợp lý.

Thị trường UAE - Trung tâm tái xuất lớn thứ ba thế giới

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là nước có quy mô kinh tế lớn thứ ba trong thế giới Arập (sau Saudi Arabia và Ai Cập), là một trong những trung tâm thương mại hàng đầu trên thế giới, trung tâm tái xuất lớn thứ ba thế giới (sau Hong Kong và Singapore), có cảng hàng hóa vận tải biển và vận tải hàng không lớn thứ hai thế giới. Dubai, một trong những tiểu vương quốc, là thành phố quốc tế sôi động với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thông tin hiện đại, là cửa ngỏ lý tưởng cho hàng hóa thâm nhập vào các nước láng giềng và khu vực Trung cận đông.

Các ngành phi dầu mỏ hiện đóng góp 70% GDP và 30% kim ngạch xuất khẩu. UAE đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nhôm (có nhà máy nhôm khá lớn, sản lượng 210.000 tấn/năm), du lịch, hàng không, viễn thông. UAE đang mở rộng hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, sân bay và các khu thương mại tự do. Dubai đã trở thành trung tâm thương mại, tài chính của khu vực Trung Đông. Các ngành công nghiệp khác, gồm đánh cá, vật liệu xây dựng, phân bón, sửa chữa và đóng tàu.

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Emirates những năm gần đây tăng mạnh, kim ngạch hai chiều tăng từ 67 triệu USD năm 2002 lên trên 190,7 triệu USD năm 2005, trong đó Việt Nam xuất khẩu 121,5 triệu USD, nhập khẩu 69,2 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang UAE máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, thuốc lá và nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng hải sản, hạt điều, hạt tiêu, gạo, chè, cà phê, sản phẩm mây tre cói, thảm, gốm sứ, sản phẩm gỗ, đồ chơi trẻ em, linh kiện, phụ tùng xe máy, săm lốp các loại.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các cơ hội

Hàng năm, Dubai có hội chợ thường niên vào mùa xuân, mùa thu và Lệ hội bán hàng, nổi tiếng nhất là Lễ hội Làng toàn cầu.

Do tầm quan trọng của thị trường Dubai trong khu vực, bên cạnh Thương vụ Việt Nam tại Dubai, Bộ Thương mại đã mở thêm Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Dubai vào tháng 7-2004 để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và các nước láng giềng lân cận.

Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (PROMOCEN- trực thuộc Cục Xúc tiến thương mại-Bộ Thương mại) được giao nhiệm vụ điều phối hoạt động của trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Dubai, để trưng bày, quảng bá sản phẩm xuất khẩu, cung cấp thông tin thị trường nước sở tại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tìm kiếm đối tác và hỗ trợ thực hiện các giao dịch thương mại; đại diện ủy thác cho các nhà xuất khẩu Việt Nam; giúp doanh nghiệp thành lập chi nhánh văn phòng đại diện tại nước sở tại

Theo Giám đốc PROMOCEN cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đã điều chỉnh các điều kiện và có chế độ ưu đãi phù hợp hơn để doanh nghiệp tham gia, đó là: Miễn tiền đặt cọc cho doanh nghiệp lập văn phòng liên lạc có trưng bày catalogue, sản phẩm; chỉ nhận tiền đặt cọc tương đương 3 tháng tiền thuê chỗ lập chi nhánh, văn phòng đại diện có cán bộ thường trú, có sử dụng diện tích làm văn phòng; không yêu cầu doanh nghiệp xin xác nhận của Sở Thương mại địa phương hoặc chính quyền; thời hạn ký hợp đồng ít nhất là 01 năm thay vì trước đây bắt buộc phải 5 năm; chỉ yêu cầu nộp báo cáo tài chính của năm gần nhất khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng thay vì báo cáo tài chính trong 3 năm như trước đây. Với sự đơn giản thủ tục này, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thâm nhập thị trường UAE tốt hơn.

Dự kiến Bộ Thương mại sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Iran và Dubai, UAE khảo sát thị trường và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Iran và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Dubai./.

 

 



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường