Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành đường bàn giải pháp hội nhập: Hạ giá thành
05 | 07 | 2007
Liên kết hợp tác, thống nhất giá nguyên liệu và giá bán đường, gắn kết nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng... để cạnh tranh khi hội nhập WTO là nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị toàn thể thành viên 36 nhà máy đường (NMĐ) trong cả nước và 3 Cty thương mại do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức tại Hậu Giang mới đây.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam phấn khởi cho biết: Niên vụ mía năm nay nông dân được mùa, diện tích cả 3 miền đều tăng bình quân là 22,3% diện tích, sản lượng tăng trên 30%. Riêng niên vụ mía mới này cả nước ước sản lượng đạt khoảng 1,23 triệu tấn đường công nghiệp, 150.000 - 200.000 tấn đường thủ công. Nếu cộng lượng đường tồn kho đến ngày 1/10/2006 của các nhà máy, nhà kinh doanh khoảng 100.000 tấn thì tổng sản lượng sẽ lên tới 1,5 triệu tấn, đảm bảo đủ và dư đáp ứng nhu cầu sản xuất chế biến và tiêu dùng trong nước và có khả năng dự trữ cho niên vụ sau.

Điều đáng nói, việc quyết định giá nguyên liệu và giá sản phẩm đang làm các nhà máy đường (NMĐ) hết sức lúng túng mặc dù ngay đầu vụ, các NMĐ đã bắt tay đồng thuận phối hợp, thống nhất giá thu mua nguyên liệu. Theo đó, các NMĐ ĐBSCL mua mía tại ruộng 10 CCS là 400 đ/kg, giá bán đường có VAT 7.500 đ/kg. Các nhà máy đường miền Đông Nam bộ đưa ra mức giá 320 - 350 đ/kg, riêng nhà máy đường Nước Trong (Tây Ninh) mua 390 đ/kg, giá bán đường 7.500 - 7.800 đ/kg. Các nhà máy đường ở phía Bắc hầu hết đăng ký mức 350 - 390 đồng/kg; các nhà máy đường miền Trung - Tây Nguyên như: Cty Đường Quảng Ngãi đăng ký mua mía 400 đ/kg, Khánh Hòa 450 đ/kg, Ninh Hòa 420 đ/kg, còn lại các nhà máy đều thống nhất với giá thu mua 350 - 380 đồng/kg.

Theo nhận xét của ông Tam: Cam kết theo khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường ở khu vực ĐBSCL bước đầu đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có giữ vững được hay không. Vì từ ngày 1/8/2006 đến nay, giá đường liên tục giảm mạnh từ mức 9.000 đ/kg xuống còn 7.200 - 7.300 đ/kg đường RS. Cùng với số lượng tồn kho trên 100.000 tấn thì đây là điều đáng lo ngại.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Đường thế giới, lượng đường thế giới 2006 - 2007 có thể đạt khoảng 150 triệu tấn đường, tăng 6,3 triệu tấn (so với năm ngoái là 143,7 triệu tấn). Khả năng sẽ dư thừa trên 3 triệu tấn. Lượng đường dự trữ niên vụ này sẽ lên khoảng 6 triệu tấn nên giá đường trong tương lai sẽ biến động và có thể giảm xuống bằng năm 1999 - 2000. Giá đường trong thời gian vừa qua biến động rất mạnh và đang ở mức 334 USD/tấn và còn có thể giảm xuống 10% từ nay đến cuối năm.

Thực tế cho thấy giá đường trong nước rất nhạy cảm với biến động giá đường thế giới. Một khi giá đường thế giới giảm thì giá đường trong nước giảm, thậm chí giảm nhanh hơn bởi chưa liên kết được với nhau trong khâu phân phối. Theo dự báo niên vụ này sản lượng đường Thái Lan ước đạt 6,3 triệu tấn, tăng hơn 1,7 triệu tấn. Đáng lưu ý giá đường trắng Thái Lan vẫn ở mức 375USD/tấn (tương đương 6.000 đ/kg) và sản lượng đường Thái niên vụ 2006-2007 tăng gần 20% so với niên vụ trước. Thái Lan là đối thủ của ta khi gia nhập WTO.

Về biện pháp cạnh tranh và chống đường lậu, bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Cty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn cho biết: Thực tế, khi giá đường trong nước bằng và thấp hơn đường lậu thì sẽ dễ dàng triệt tiêu đường nhập lậu. Những ngày gần đây, qua khảo sát những điểm tập kết đường tại ngã 3 lộ tẻ, huyện Thốt Nốt thì số lượng đã giảm mạnh. Trước đây, một ngày khu vực này có trên 200 tấn đường về thì nay chỉ còn vài chục tấn. Hiện tại giá đường bên biên giới Campuchia cao hơn trong nước. Đường vàng giá khoảng 7.200 đồng/kg, đường trắng Thái Lan tại biên giới 7.500 đồng/kg.

Vì sao năm nay đường xuống giá trầm trọng như vậy? Thực tế năm nay, đường RE trong nước giảm giá mạnh là do ảnh hưởng trực tiếp đường nhập chính ngạch, còn đường RS bị áp lực đường lậu. Bài học đặt ra là chúng ta quá xem thường đường lậu. Năm 2004 - 2005, chấp nhận đường lậu là do đường trong nước thiếu. Còn năm nay mặc dù có thiếu nhưng nguyên nhân chính là do lượng đường nhập chính ngạch nhiều, đường lậu không kiểm soát nổi đã dẫn đến lượng đường thừa tăng lên. Năm 2006 - 2007, ngành đường phải đối mặt hàng tồn kho. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ biện pháp liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ cần phải được bắt tay ngay thì mới có thể giải quyết được lượng đường sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận xét: Ngành Đường còn rất yếu, mặt hàng mía đường là mặt hàng nhạy cảm nhất khi gia nhập WTO. Theo lộ trình hội nhập ngành Đường còn phải bảo hộ thuế nhập khẩu với mức 30% (đường tinh luyện và đường thô) và sẽ giảm dần đến năm 2010 còn 5%. Để khi không còn áp dụng thuế, các NMĐ vẫn đứng vững được, ngay bây giờ việc giảm giá thành sản xuất là giải pháp tối ưu. ĐBSCL sản lượng mía đã đạt khoảng 100 tấn/ha thì hãy tính đến chất lượng, nâng chữ đường. Các NMĐ cố gắng thực hiện tốt những ký kết ban đầu và phải liên kết lại với nhau. Buôn lậu có liên quan đến giá thành sản phẩm, chính vì vậy hạ giá thành sản xuất là yếu tố quyết định cạnh tranh.

Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Cty Đường Khánh Hòa phân tích: Khó khăn ngành đường phải đối mặt là cạnh tranh giá với Thái Lan. Thái Lan là nước đứng thứ 3 về sản lượng và đứng thứ 2 trên thế giới về việc xuất khẩu đường. Để gỡ khó khăn này, các NMĐ cần đoàn kết, tránh sự cạnh tranh nguyên liệu và tiêu thụ. Giá mía nguyên liệu bằng 60% giá bán đường chưa thuế VAT là rất hợp lý. Nếu các nhà máy đều giữ ổn định mức giá này thì đường nhập lậu chắc chắn sẽ giảm và nông dân sẽ ổn định được sản xuất lâu dài.



(Nguồn tin: NNVN)
Báo cáo phân tích thị trường