Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trào lưu “đối tác chiến lược”
18 | 01 | 2008
Năm 2005, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhơn Ái bỏ ra ngàn mấy lượng vàng mua ba căn nhà liền nhau trên đường Pasteur, quận 1, Tp.HCM, nằm trong khu phố ngân hàng.

Lúc ấy Nhơn Ái mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên đô thị và họ cần một văn phòng ở Sài Gòn. Có “nhà”, Nhơn Ái đổi tên thành Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, tăng vốn và bắt đầu tìm kiếm các doanh nghiệp lớn để hợp tác.

Bước thứ hai xem ra khó khăn hơn việc “chuyển nhà” về thành phố, nhưng rồi ngân hàng cũng vượt qua. Nhơn Ái sau đó ký hợp đồng hợp tác và đầu tư với Tổng công ty Cao su Việt Nam, Tổng công ty Than và Khoáng sản. Họ không phải là doanh nghiệp duy nhất “bơi” một mình trong trào lưu đối tác chiến lược.

Từ bài bản…

Sacombank và ACB là những ngân hàng đầu tiên mở màn cho trào lưu đối tác chiến lược khi đầu năm 2004 họ bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài và ký kết những hợp đồng hợp tác - đầu tư trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ.

Sau đấy các ngân hàng khác tiếp bước. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), khi đó vừa “thay máu” cổ đông và dàn lãnh đạo, đã nhanh chóng ký hợp đồng chiến lược với hai “nhân vật khổng lồ” của ngành tài chính là Vietcombank và BIDV.

Sự đi lên nào cũng phải từ tự thân là chính, nhưng sự đỡ đầu của Vietcombank và BIDV đã góp phần giúp SCB phục hồi nhanh hơn dự kiến. Năm nay SCB nằm trong tốp 10 ngân hàng cổ phần hàng đầu của cả nước.

Sang năm 2007, trào lưu đối tác chiến lược bùng nổ. Công ty niêm yết, không niêm yết; doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm; đơn vị mới cổ phần hóa; xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quốc doanh, dân doanh…. người người bắt tay nhau làm đối tác chiến lược.

Có công ty ký kết đối tác chiến lược với ba bốn đơn vị. Hầu như tuần nào báo chí cũng nhận được giấy mời tham dự lễ ký kết, ra mắt một vài cuộc bắt tay như thế. Lúc đầu, người ta còn tìm hiểu đối tác chiến lược hỗ trợ nhau ra sao, đi những bước thế nào. Song bây giờ thì đối tác chiến lược không còn là danh từ nhiều sức hút. Đâu đó đã nghe những trả lời, kiểu “lại đối tác chiến lược à?” hay “ký kết gì lắm thế?”!!!

Thực ra đằng sau mấy từ “đối tác chiến lược” có rất nhiều việc để làm nếu những cuộc bắt tay được chuẩn bị công phu, bài bản và định hướng hợp tác lâu dài. Hãy nhìn lại những ngân hàng nước ngoài đã khảo sát các ngân hàng nội địa như thế nào trước khi họ đặt bút ký hợp đồng hợp tác - đầu tư.

Citigroup, HSBC… đã từng “bới nát” ACB ở giai đoạn đàm phán, “đòi” xem từng hồ sơ khách hàng vay vốn. Phía các ngân hàng Việt Nam cũng không vừa. Một lãnh đạo của Techcombank tham gia thương lượng với HSBC kể lại ông đã ngồi uống rượu vodka với một nhân vật có tiếng nói quyết định của HSBC, và phát hiện ra tửu lượng của vị này rất khá. “Ông nội của vị HSBC ấy có dòng dõi Nga, thảo nào”, ông “bật mí”.

Người ta tìm hiểu nhau đến mức ấy, nên những cuộc đàm phán mua bán cổ phần trong giới ngân hàng kéo dài hàng năm là chuyện thường. Nhìn lại, những đối tác chiến lược đã có “giấy đăng ký kết hôn” một cách chuyên nghiệp như vậy không nhiều: Sacombank - ANZ, ACB - Standard Chartered Bank, Techcombank - HSBC, Phương Đông - BNP Paribas; Eximbank - SMBC…

…đến chống lưng

Trong không ít trường hợp, hiện nay, đối tác chiến lược trở thành một tấm khăn voan trùm lên những phi vụ mua bán cổ phần, nơi mà bên mua mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn giá thị trường, bên bán cũng nhờ đó khuếch trương nhãn hiệu.

Người ta sử dụng việc ký kết mua bán ấy làm tiếp thị. Thậm chí có công ty còn lợi dụng danh tiếng của bên mua để đẩy giá cổ phiếu. Đối tác chiến lược đang là mốt mà nhiều doanh nghiệp niêm yết, hoặc chuẩn bị niêm yết ráng thực hiện bằng được.

Một công ty B kinh doanh nhà nằm ở một huyện ngoại thành Tp.HCM mới đầu năm 2007 còn chẳng tên tuổi gì, giao dịch cổ phiếu ít người biết. Họ tăng vốn rồi bán cổ phần cho ba quỹ nước ngoài. Tin tức bắt đầu theo “cò” bay ra thị trường, nào là “công ty B có đối tác chiến lược nước ngoài”; “công ty B có nhiều dự án chung cư, biệt thự”...

Giá cổ phiếu công ty đó, vì thế, cứ tăng như diều gặp gió. Rồi lễ ký kết đối tác chiến lược diễn ra. Đối tác chiến lược phát biểu rằng công ty B là cơ hội của họ, họ nắm giữ cổ phiếu lâu dài…

Có điều đối tác chiến lược dường như quên là giá mua của họ chỉ nhỉnh hơn 50.000 đồng/cổ phiếu, bằng một phần ba giá thị trường. Lúc ấy ngoài thị trường, giá cổ phiếu công ty B giảm mạnh, nhà đầu tư rao bán, nhưng đã quá muộn!

Tấm khăn đối tác chiến lược không còn giữ được vẻ mỹ miều khi mà doanh nghiệp cố kéo nó để bao lên mọi phía. Miêu tả chính xác, phải nói đối tác chiến lược là thủ thuật chống lưng, đỡ giá cổ phiếu cho các công ty vốn bị nghi ngờ về hiệu quả kinh doanh.

Chính điều đó đã làm biến dạng ý nghĩa thật sự của đối tác chiến lược. Đến nỗi, một doanh nghiệp trót ký kết đối tác chiến lược nói họ chỉ mua cổ phiếu, là cổ đông thôi, gọi “đối tác chiến lược” nghe không hợp lý.

Có thể năm tới trào lưu đối tác chiến lược sẽ giảm bớt nhiệt, sẽ ít được sử dụng do quá nhàm, và bởi thế trở nên lỗi mốt. Việc thông qua đối tác chiến lược để đầu tư chéo của các công ty sẽ khó đứng vững khi số đơn vị niêm yết ngày một nhiều, đặc biệt khi sàn giao dịch OTC được thiết lập một cách chính quy vào tháng 3/2008. Sẽ đến lúc đối tác chiến lược trở lại nguyên hình dáng ban đầu vì cái gì bị đẩy đi quá xa ngoài chức năng của nó, sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường