Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Mỹ có “trụ” nổi với 100 USD/thùng dầu?
24 | 01 | 2008
Sau khi liên tục ngấp nghé ngưỡng 100 USD/thùng trong những tháng cuối năm 2007, ngay trong phiên giao dịch khởi động năm 2008, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã chính thức chạm mốc quan trọng này.


Bên cạnh những nhân tố đẩy giá dầu lên như thường lệ như đồng USD mất giá và dự báo dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm, lần này, bạo lực leo thang ở Nigeria - nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi - và số liệu sản xuất công nghiệp đáng thất vọng của Mỹ là những giọt nước làm tràn ly, khiến giá dầu không thể không bật lên “mức xà” 100 USD/thùng.

“Một lượng vốn mới lại được đổ vào thị trường dầu, tìm kiếm các cơ hội mua vào”, nhà tư vấn năng lượng Stephen Schork, chủ bút tờ tin năng lượng hàng ngày The Schork Report, nhận định.

Sự kết hợp đáng sợ

Vấn đề đặt ra lúc này là, liệu nền kinh tế Mỹ - vốn đang trong tình trạng “ốm yếu” - có thể tránh rơi vào cảnh suy thoái với mức giá dầu 3 con số?

Trên thực tế, giá dầu đã có một số tác động tiêu cực đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là góp phần đẩy lạm phát lên cao, nhưng bản thân giá dầu không có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này bằng tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản và cuộc khủng hoảng tín dụng “dưới chuẩn”.

Các chuyên gia cho rằng, giá dầu cao không phải là nhân tố quyết định trực tiếp đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, nhưng giá dầu cao và thị trường nhà đất liên tục sụt giảm lại là một sự kết hợp đáng sợ. Một số tính toán cho thấy, chỉ cần giá dầu trên dưới 85 USD/oz “phối hợp hành động” với thị trường địa ốc ảm đạm cũng có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2008 thụt lùi xuống còn 1,5%, so với mức 3,8% trong quý 2 năm 2007.

Sự việc không chỉ dừng ở đó. Một mối lo lớn nữa là hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực đóng góp tới 2/3 giá trị kinh tế Mỹ, có thể sẽ phải chịu những tác động xấu ngoài dự kiến vì giá dầu cao. Và như thế, giá dầu lại một lần nữa gián tiếp góp phần đẩy kinh tế Mỹ "ngã quỵ".

Thêm vào đó, giá dầu cao cũng là một đòn giáng vào thị trường chứng khoán Mỹ. Mốc 100 USD/thùng của giá dầu bị phá, cộng với dữ liệu tồi tệ nhất trong gần 4 năm của sản xuất công nghiệp Mỹ, đã tạo ra một ngày “mở hàng” đáng thất vọng trên Wall Street. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất 220,86 điểm, tương đương 1,67%, xuống còn 13.043,96 điểm. Các hàn thử biểu khác cũng đồng loạt được biểu thị với mũi tên quay xuống.

Cổ phiếu của các đại gia dầu lửa như ConocoPhillips, Hess, PetroChina và Sinopec cùng kỷ niệm ngày giao dịch đầu năm bằng màu đỏ - màu của sự mất giá. Mặc dù giá dầu cao có vẻ như giúp các tập đoàn này có được lợi nhuận cao hơn, trên thực tế, việc dàn xếp với các nước có tài nguyên dầu lửa như Nga đã buộc họ phải trích ngày càng nhiều lợi nhuận để chia cho nước chủ nhà.

Ai có thể “cứu” kinh tế Mỹ?

“Giá dầu trên 100 USD/thùng đồng nghĩa với lạm phát và khó khăn kinh tế”, nhà phân tích lâu năm về năng lượng Fadel Gheit của công ty Oppenheimer Holding nhận định.

Việc giá dầu sẽ có ảnh hưởng ra sao đến kinh tế Mỹ trong những tháng tới một phần phụ thuộc vào mức độ hào phóng của người tiêu dùng nước này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tín dụng còn lan rộng. Nếu giá dầu sưởi và giá xăng cao khiến người tiêu dùng Mỹ phải thắt lưng buộc bụng, kinh tế Mỹ có thể sẽ suy thoái. Nếu điều đó xảy ra, giá dầu sẽ lùi lại.

Dường như đã trở thành một quy luật: khi giá nhiên liệu cao, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, và khi đó giá nhiên liệu sẽ quay trở lại mức bền vững. “Cây không thể cứ mọc mãi đến tận mây xanh được”, nhà phân tích Gheit nhận xét.

Ảnh hưởng của giá dầu đến kinh tế Mỹ còn phụ thuộc vào cách quản lý cung tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu FED tiếp tục cắt giảm lãi suất đồng USD, giá dầu sẽ tiếp tục diễn biến ở mức cao và đẩy mạnh các nguy cơ lạm phát. Nhưng nếu FED thắt chặt chính sách tiền tệ, cơ quan này có thể sẽ trở thành một trong số những “thủ phạm” đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

“Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, nhu cầu dầu của toàn thế giới sẽ tăng chậm lại”, nhà phân tích Phil Flynn tại công ty Alaron Futures & Options ở Chicago nhận xét.

Tuy nhiên, một vài nhà phân tích cho rằng, mức 100 USD/thùng của giá dầu không phải là mốc bền vững. Chuyên gia Flynn lập luận, việc giá dầu tăng vọt trong ngày 2/1 chỉ là kết quả của hoạt động giao dịch mạnh sau kỳ nghỉ lễ.

Trên thực tế, số liệu của hãng tin Reuters cho thấy, mức 100 USD/thùng chỉ dành cho một lô hàng 1.000 thùng dầu vào giữa ngày giao dịch. Ngay sau đó, đã không còn lô hàng nào được giao dịch với mức giá này nữa. “100 USD/thùng chỉ là một phút vụt lóe sáng, chứ không phải là một xu hướng của giá dầu”, nhà phân tích Tom Kloza của công ty Oil Price Information Service ở New Jersey dự báo.



VnEconomy. Theo BusinessWeek
Báo cáo phân tích thị trường