Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thủy sản Mỹ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2007
31 | 01 | 2008
Theo các báo cáo, tại thời điểm tháng 11/2007, thị trường Mỹ vẫn có nhu cầu cao đối với thủy sản. Tiêu thụ bình quân trên đầu người đạt 16,5 pao/năm. Tuy nhiên, tổng nhập khẩu tính đến hết tháng 8/2007 chỉ tăng rất nhẹ so với cùng kỳ năm 2006...

I. Những sự kiện chính

1. Những vấn đề liên quan đến vụ kiện tôm, cá

Tôm:

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định giảm mức thuế CBPG đối với tôm nhập khẩu từ các nước: Êcuađo giảm xuống 0%; Ấn Ðộ từ 10,54% xuống 7,22%; Braxin từ 7,05% xuống 6,96%; thuế đối với Thái Lan có thể được giảm mạnh hoặc dỡ bỏ khi DOC Mỹ quyết định loại bỏ phương pháp tính “quy về 0” đối với tôm Thái Lan.

Như vậy, tôm Ấn Ðộ, Thái Lan - hai đối thủ cạnh tranh tiềm năng nhất của Việt Nam- sẽ có nhiều cơ hội tăng cường XK sang Mỹ. Hiện tại, Êcuađo, Thái Lan là 2 nước đứng đầu về xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Ðối với Việt Nam:

Kết quả Xem xét hành chính đợt I (16/7/2004 - 31/1/2006) của DOC như sau:

Fish One: 0%; Grobest: 0%; Nha Trang Fisco: 4,57%; Bạc Liêu: 4,57%; Cam Ranh: 4,57%; Incomfish: 4,57%; Mức thuế suất toàn quốc: 4,57%

Kết quả Xem xét hành chính đợt II (1/2/2006- 31/1/2007): 25 DN tham gia. Hai DN là bị đơn bắt buộc do DOC chỉ định: Công ty CPTS Minh Phú và Camimex (Hãng luật Vinson & Elkins tư vấn).

Cá:

Sau đợt Xem xét hành chính về thuế chống bán phá giá (CBPG) đợt ba, DOC Hoa Kỳ tiếp tục cáo buộc philê cá tra, basa Việt Nam bán phá giá trên thị trường Mỹ, DOC đã đưa ra mức thuế CBPG sơ bộ mới cho giai đoạn từ 1/8/2005 đến 31/7/2006 như sau:

- Công ty East Sea Seafoods Joint Venture Co.,Ltd: 0%

- QVD: 14,59%

- CATACO (trước đây): 80,88%

- Mức thuế suất toàn quốc là 63,88%.

DOC cũng sơ bộ rút lại việc đánh thuế đối với 9 công ty đã không xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian xem xét trên đó là: FAQUIMEX, Hung Vuong Co., Ltd; NAVICO; Phu Thuan Company; DOCIFISH, Thuan Hung Co., Ltd; United Seafood Packers Co., Ltd; Van Duc Foods Export Joint Stock Co., Vietnam Fish-One.

Bãi bỏ Luật Tu chính án Byrd

Các mức thuế CBPG sẽ tiếp tục được thu đối với các lô hàng nhập khẩu nằm trong danh sách bị áp thuế CBPG, chỉ có điều đến nay khoản tiền này sẽ nằm trong ngân khố của nhà nước chứ không phải đưa vào một tài khoản riêng để phân bổ theo các khoản chia chác như đã nêu trong Tu chính án Byrd. Việc bãi bỏ Tu chính án Byrd, sẽ triệt tiêu dần ý định kiện tụng các đối thủ cạnh tranh quốc tế khác của nhiều DN Mỹ nhằm mục đích lấy tiền bồi thường vô lý.

2. Thay đổi mới về chính sách XNK của Mỹ

- Tăng cường nhập khẩu sản phẩm giá trị gia tăng, nhất là các sản phẩm từ tôm, trong đó nước cung cấp lớn nhất là Thái Lan, Êcuađo. Việt Nam dẫn đầu về cung cấp tôm cỡ lớn <15 với khối lượng 3.800 tấn, trị giá trên 62 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2007.

- Vệ sinh ATTP: Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), tổ chức cung cấp tới 2/3 tổng khối lượng thủy sản trên thị trường Mỹ, đưa ra 3 đề nghị nhằm tăng cường tính an toàn cho thủy sản nhập khẩu gồm:

(1) Chứng nhận và đăng ký các nhà NK và XK

(2) Các tiêu chuẩn quốc tế về ghi nhãn hàng hoá và an toàn thực phẩm

(3) Chứng nhận các phòng kiểm nghiệm để lấy mẫu và xét nghiệm thực phẩm (Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ)

(4) Tăng cường 200 triệu USD cho ngân sách của FDA để kiểm tra chất lượng NK.

II. Tình hình nhập khẩu thủy sản của Mỹ

Tình hình cung cầu trên thị trường nói chung:

Theo các báo cáo, tại thời điểm tháng 11/2007, thị trường Mỹ vẫn có nhu cầu cao đối với thủy sản. Tiêu thụ bình quân trên đầu người đạt 16,5 pao/năm. Tuy nhiên, tổng nhập khẩu tính đến hết tháng 8/2007 chỉ tăng rất nhẹ so với cùng kỳ năm 2006.

Diễn biến của tỷ giá đồng tiền bản địa/USD vẫn tiếp tục không thuận lợi, đồng USD liên tục mất giá khiến cho lợi nhuận từ sản xuất thủy sản của các nhà xuất khẩu bị giảm. Ðã có hiện tượng phải rút bỏ dần khỏi thị trường Mỹ như trường hợp của các nhà xuất khẩu tôm Braxin.

III. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ

Thị trường Mỹ, sau một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng khá vào quí II và gần hết quí III/2007, sang tháng 9/2007 NK lại sụt giảm khá mạnh với gần 23% so với cùng kỳ năm 2006.

Tuy vậy, tổng XK của cả 9 tháng năm 2007 vẫn tăng 8,8%, đạt giá trị 526,6 triệu USD, chiếm 19,4% tổng giá trị XKTS của Việt Nam. Mỹ vẫn duy trì vị trí hàng đầu về NK tôm của VN.

IV. Triển vọng thị trường

Có thể, từ tháng 11 đến cuối năm 2007, XK thủy sản sang Mỹ có thể chỉ tăng nhẹ hoặc ổn định, do tình hình XK mặt hàng tôm của VN nói chung tăng không đáng kể, giá thành nguyên liệu trong nước khá cao, trong khi đó nhiều nguồn cung cấp trên thế giới đều đổ về thị truờng Mỹ gây sự cạnh tranh gay gắt (từ Thái lan, Trung Quốc và Êcuađo…).

Hiện nay giá tôm đang giữ ở mức tương đối so với năm 2006, nhưng khó có khả năng cải thiện hơn, do nhiều nước sẽ đẩy mạnh XK sang Mỹ như: Thái Lan, Inđônêxia, Êcuađo. Mặt hàng tôm vỏ nguyên liệu càng ít có cơ hội tăng giá, nhất là đối với các cỡ trung và nhỏ.

Các năm trước cá ngừ của VN là một trong những mặt hàng xuất khẩu khá mạnh vào Mỹ, sang 2007 XK mặt hàng liên tục giảm khiến giá trị xuất nói chung cũng bị giảm.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường