Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất: Doanh nghiệp lớn cũng lo lắng
23 | 02 | 2008
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra hàng loạt biện pháp mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, trong đó tăng tỉ lệ dư nợ bắt buộc đã khiến các ngân hàng (NH) thương mại bị đẩy vào cuộc chơi tăng lãi suất. Động thái này không chỉ khiến doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản vì khó tiếp cận nguồn vốn vay mà ngay cả những “đại gia” cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.



PGS-TS NGUYỄN THỊ HÒE,
Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova:
Tiềm lực mạnh ít bị ảnh hưởng

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Về bản chất, đợt tăng lãi suất đợt này của các NH cũng có mặt lợi và bất lợi. Lợi cho đối tượng gởi tiền vào NH, còn bất lợi đối với người đi vay. Riêng Tập đoàn sơn Kova chỉ bị tác động nhẹ do chủ động được nguồn tài chính, chỉ vay NH với tỉ lệ nhỏ.

Tuy nhiên, hiện nay nguyên liệu sản xuất đầu vào đang tăng nên chúng tôi dự kiến sẽ tăng giá thành sản phẩm thêm tối đa 10%. Trên thực tế, DN nào có tiềm lực mạnh thì gần như không ảnh hưởng gì lớn khi NH tăng lãi suất.

Cũng cần nói thêm, việc Nhà nước ban hành chính sách nhằm kiềm chế lạm phát là cần thiết, nhưng lẽ ra nên để mọi vấn đề đi theo quy luật thị trường một thời gian nữa. Bởi đến một thời điểm nhất định chúng ta mới có thể nhận diện được bản chất sự vụ và sẽ có biện pháp hiệu quả, tránh trường hợp nóng vội vừa ra chính sách đã phải sửa đổi.

Mặt khác, đáng lý mỗi khi ra chính sách, cơ quan chức năng nên lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Như vậy sẽ tránh được tác dụng phụ ảnh hưởng đến sản xuất của DN cũng như đời sống của người dân. Đơn cử, sau khi siết chặt cho vay kinh doanh chứng khoán, ngay lập tức thị trường bị chao đảo và liên tục tụt dốc. Bây giờ lại loay hoay tìm cách để vực thị trường trở lại, mà việc sửa đổi chính sách hao tốn rất nhiều lần so với khi ban hành.

Ông NGÔ VĂN VỊ,
Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình (VTB):
Khó khăn chung cho ngành điện tử

Việc các NH đồng loạt tăng lãi suất lần này tuy có ảnh hưởng đến sản xuất của VTB nhưng không đáng kể vì chúng tôi vay cả ngoại tệ lẫn tiền đồng Việt Nam. Trong khi đó, lãi suất ngoại tệ hiện vẫn bình thường. Nhưng trên thực tế VTB nói riêng và ngành điện tử nói chung đang gặp khó khăn do đầu vào hàng điện tử tăng trong khi giá thành đầu ra vẫn chưa thể đẩy lên.

Tuy nhiên, việc cùng lúc ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế lạm phát là hơi vội, gây sốc đối với DN, lẽ ra nên từ từ và tiến hành từng bước một. Vì thực tế, có nhiều mặt hàng tăng nhưng cũng không ít mặt hàng vẫn chưa tăng hoặc tăng nhẹ. Do đó, sau khi đã sử dụng liệu pháp “đặc trị” thì cũng cần thêm “thuốc bổ” để tránh tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sản xuất của DN. Nhìn chung, các biện pháp vừa ban hành có thể sẽ kiềm chế được trước mắt vì thời điểm này mức tiêu dùng đang giảm, nhưng về lâu dài thì khó mà dự đoán.

Ông LÊ QUANG DOANH,
Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh (BMP):
Chỉ đối phó được trước mắt

Phải thừa nhận là việc các NH tăng lãi suất vào thời điểm này, BMP cũng bị ảnh hưởng, tuy không nhiều. Bởi thực tế không có DN nào tự đủ vốn để sản xuất. Mặt khác, hiện giá nguyên liệu nhựa đã tăng thêm 10% trong khi giá thành phẩm chưa thể tăng, do đó lợi nhuận giảm. Mặc dù BMP đã có biện pháp đối phó như tiết giảm chi tiêu, tăng công suất… và chỉ vay những thứ cần thiết, nhưng đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Theo tôi, việc ban hành chính sách nên đưa ra từng giải pháp, không nên quá nhiều cùng một lúc. Ví dụ, nếu hàng loạt chính sách đưa ra làm cho thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng thì rất tai hại và chắc chắn sẽ kéo theo các đơn vị sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH,
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SXTMDV Sài Gòn-Đắc Lắc (Sadaco):
Khó khăn sẽ đổ dồn vào các doanh nghiệp!

Tôi cho rằng việc NH Nhà nước đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát là phù hợp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc buộc các NH phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất trần là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, việc nâng tỷ lệ dự trữ cũng đồng nghĩa với việc các NH buộc phải cho vay ít đi. Ai cũng hiểu, việc nâng dự trữ nhằm giảm yếu tố rủi ro cho hệ thống NH nhưng các nhà chức trách đã quên một điều là cơ chế vốn hoạt động cần thông thoáng thì mới có thể thúc đẩy hệ thống các DN phát triển. Hơn ai hết, bản thân các DN phải chịu trách nhiệm về sinh mệnh của mình trước đồng vốn vay của NH.

Từ trước đến nay các DN (đặc biệt là DN nhỏ và vừa), muốn tiếp cận với hệ thống tín dụng đã khó, thì nay sẽ còn khó gấp nhiều lần. Một trong những điểm yếu của DN Việt Nam hiện nay là năng lực xuất khẩu chưa bền vững vì nguồn vốn hỗ trợ cho họ còn rất hạn chế, nay cộng thêm việc NH siết lại vốn thì nhiều DN chỉ còn cách phá sản. Thực tế, chỉ trong mấy ngày qua, nhiều DN đã lao đao, khốn đốn vì việc thắt chặt vốn của NH. Tác động của các biện pháp này sẽ biểu hiện rõ nhất vào khoảng cuối năm 2008, đầu năm 2009.

Trước tình hình này, cách tốt nhất đối với các DN là phải chủ động tạo ra nhiều hơn nữa các kênh huy động vốn, thông qua khách hàng, đối tác của mình… Theo đó, tự nâng cao bản lĩnh, tạo ra nhiều dự án sản xuất kinh doanh chắc chắn, hiệu quả để có thể đương đầu với những khó khăn. 

L.PHONG - T.HẢI

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á: Việt Nam thắt chặt tiền tệ là cần thiết
* Cam kết giúp Việt Nam tránh rơi vào “bẫy” tăng trưởng

Hôm qua, 21-2, phát biểu với báo giới tại Hà Nội trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trong ngắn hạn, sức ép lạm phát là vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam. “Chính phủ cần áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, quản lý tài khóa cẩn trọng để đưa lạm phát trở về một con số” - ông Haruhiko Kuroda nói.

Theo ông Haruhiko Kuroda, nền tảng phát triển bền vững của Việt Nam rất vững chắc. Trong trung và dài hạn, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 8,5%-9% nếu nỗ lực cải cách và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn năm 2008, kinh tế Việt Nam và châu Á có thể sẽ bị tác động bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Ông Haruhiko Kuroda cho rằng, năm 2008, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng không cao như năm 2007, nhưng vẫn đạt mức 8%. Sự giảm tốc tăng trưởng này có thể hữu ích đối với Việt Nam, giúp giảm sức ép lạm phát và đảm bảo phát triển bền vững. Chủ tịch ADB cũng khẳng định trong thời gian tới ADB sẽ tập trung giúp Việt Nam tránh rơi vào “bẫy” tăng trưởng. Ở mức phát triển cao hơn, Việt Nam sẽ gặp những thách thức mới. ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam trong đấu tranh chống đói nghèo, tránh “bẫy” tăng trưởng của các nước thu nhập trung bình, bằng cung cấp các khoản hỗ trợ giúp cải cách hành chính công, cải cách chính sách tài khóa, mở rộng cơ hội giáo dục cho người dân, giải quyết “nút cổ chai” về cơ sở hạ tầng.

BẢO MINH


Kỷ lục lãi suất VND liên tiếp bị phá

Hôm qua, 21-2, kỷ lục lãi suất huy động vốn VND trên thị trường ngân hàng Việt Nam tiếp tục bị phá. Ngay từ buổi sáng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã công bố mức lãi suất huy động cao nhất từ trước tới nay là 12,5%/năm (cao hơn mức đỉnh 12%/năm của ngày 20-2), áp dụng đối với kỳ hạn gửi 1 tháng tại SHB. Mức lãi suất huy động VND tại SHB sẽ giảm dần 0,5% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng, tương ứng là: 12% và 11,5%. Chương trình được áp dụng chung trong toàn hệ thống SHB kể từ ngày 21-2-2008. Để tham gia chương trình này, khách hàng chỉ cần gửi tiền với mức tối thiểu là 5 triệu đồng và cam kết không rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn với bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, khi có nhu cầu, khách hàng có thể cầm sổ tiết kiệm để vay vốn tại SHB theo lãi suất quy định tại từng thời điểm.

Cũng hôm qua, Ngân hàng Quân đội (MB) công bố tăng lãi suất huy động vốn ở hầu hết các kỳ hạn. Đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND, mức tăng cao nhất là ở kỳ hạn 3 tháng từ mức 8,22%/năm lên10%/năm, tăng 1,78%. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng và đều là 0,85%/tháng hay 10,20%/năm. Ngoại trừ không kỳ hạn, mức lãi suất có kỳ hạn khác đều từ 9%/năm trở lên. Đối với huy động bằng USD, mức tăng là từ 0,1% đến 0,4% theo đó lãi suất của kỳ hạn 12 tháng là 5,2%/năm, cao nhất là ở các kỳ hạn 24, 36 và 60 tháng tương đương 5,4%/năm. Đối với các tổ chức kinh tế lãi suất được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) cũng công bố tăng lãi suất huy động tiết kiệm VND lần thứ 2 từ ngày 21-2, với mức tăng từ 0,6%/năm đến 1,8%/năm. Cụ thể: kỳ hạn 3 tháng, lãi suất là 10,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 10,32%/năm; kỳ hạn 9 tháng, lãi suất là 10,38%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 10,5%/năm…

H.YÊN



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường