Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát
25 | 02 | 2008
Chuyên gia IMF cho rằng, với chính sách hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Việt Nam cần có một cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, thích ứng với biến động thị trường để cuối 2008 lạm phát có thể trở về một con số.


Việt Nam có thể đối mặt với cơn bão giá

Không chỉ trăn trở trước thực trạng lạm phát hai con số, điều khiến các chuyên gia lo ngại về lạm phát ở Việt Nam chính là con số lạm phát cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dù cùng chịu những tác động bên ngoài như nhau. Cụ thể, mức trung bình các nước đang phát triển là thành viên của ADB là 3,4% năm 2005 và 3,3% năm 2006.

Theo chuyên gia IMF Bennedict Bingham, tình trạng chưa tiến xa đến mức không thể kiểm soát nhưng lạm phát ở mức 10% là con số cần phải được tính toán, cân nhắc và xem xét cẩn thận. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với cơn bão giá, rất khó thích ứng.

Nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiến hành các hoạt động điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái và lãi suất, đầu tư vào lĩnh vực công, lạm phát sẽ giữ ở mức ổn định như hiện nay. Các chuyên gia hy vọng lạm phát của Việt Nam sẽ quay trở lại 1 con số vào cuối năm 2008.

Lạm phát kỉ lục, người nghèo dễ bị tổn thương

Truy tìm nguyên nhân của tình trạng tăng giá, có thể thấy đó là sản phẩm của sự kết hợp các nhân tố bên ngoài cùng với những cú sốc cung khu vực và trong nước, phản ánh một dấu hiệu của sự tăng trưởng nóng trong nền kinh tế. Sự phát triển với tốc độ cao làm tăng tiêu dùng và nhu cầu đầu tư công trong nước là một nhân tố đẩy mạnh lạm phát bên cạnh ảnh hưởng của nhân tố bên ngoài như sự tăng giá hàng hóa quốc tế và yếu tố sốc cung trong khu vực như các bệnh dịch, thiên tai...

Cách đây vài năm, năm 2004, Việt Nam cũng đặt trong chỉ số lạm phát của Việt Nam ở mức 9,4%. Tuy nhiên, so với thời điểm đó, tình hình lạm phát năm nay có nhiều điểm khác.

Một là, đồng USD bị mất giá trên toàn cầu, đòi hỏi có những tính toán, cân nhắc về việc có nên tiếp tục cố định tỷ giá tiền đồng so với tiền USD không.

Hai là dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều hơn rất nhiều so với trước. Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò điều tiết buộc phải đóng vai trò người mua ngoại tệ cuối cùng và đưa thêm tiền đồng vào lưu thông. Tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt mức chênh lệch giữa tăng trưởng GDP và tăng cung tiền của Việt Nam dãn rộng trong 3 năm qua.

Đối với một nước dân số đông và tăng nhanh như Việt Nam, số người nghèo có thể tăng lên cùng với lạm phát. Ứng phó trước tình trạng này, chỉ một bộ phận người Việt có thể đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo vệ chính mình. Người nghèo không có được công cụ bảo vệ đó. Họ phụ thuộc vào thu nhập hằng ngày. Họ có thể bị đói trong "cuộc đua" mua hàng hóa trong cơn lạm phát. Họ không có nơi nào để đi nhằm được bảo vệ, chuyên gia IMF Benedict Bingham phân tích.

Trước đó, ADB từng khuyến cáo, ảnh hưởng lạm phát sẽ giảm sức mua của người nghèo và làm tăng bất bình đẳng về thu nhập, có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Khi lạm phát vượt qua ngưỡng nhất định thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát

Nhìn ra khu vực, cùng chịu tác động của cú sốc cung, của tăng giá hàng hóa nhưng tình trạng lạm phát của các nước rất thấp, ngay cả Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn nhiều so với Việt Nam.

Chuyên gia IMF cho rằng, một trong những lí do tại sao lạm phát ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan thấp hơn Việt Nam nằm ở chính sách tỷ giá hối đoái.

Việt Nam ràng buộc tỷ giá vào một điểm so với đồng USD trong khi đồng tiền này biến động trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã nhập khẩu một phần ảnh hưởng lạm phát của việc đồng USD mất giá.

Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đã cho phép tỷ giá biến động phù hợp với những biến động của đồng USD trên thị trường. Đồng USD đã giảm giá 9% so với euro, 7% so với đồng yên. Điều này đồng nghĩa với giá hàng hóa trên thế giới tính theo tiền USD tăng rất nhanh. Phản ứng của các nước này giúp cho giá hàng hóa không bị tăng theo sự mất giá của đồng USD, xóa đi một số tác động xấu đối với nền kinh tế.

Cần cách tiếp cận mới với lạm phát Việt Nam

Các chuyên gia khuyến nghị, để kiểm soát và từng bước làm giảm tình trạng lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thực hiện sớm điều chỉnh trong chính sách tỷ giá hối đoái và trong chính sách tiền tệ.

Đối với chính sách tiền tệ, cần có sự thay đổi trong hoạt động tiền tệ, để quản lí lãi suất có khả năng phản ứng tốt hơn. Nó cũng đồng thời với sự điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái. Điều mà chúng tôi tư vấn Chính phủ cần xem xét là sự cần thiết phải linh hoạt hơn. Tỷ giá của tiền đồng so với USD cần có phản ứng nhanh hơn trước sự lên xuống của đồng USD. Không nên giữ tỷ giá hối đoái cố định bất chấp những áp lực của lên xuống giá ngoại tệ.

Việt Nam cần phải để một số những áp lực bên ngoài được phản ánh trong tỷ giá hối đoái của tiền đồng như các nước láng giềng đã làm. Điều này sẽ tạo nên hai tác động, làm giảm mức độ lạm phát, và giảm yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc mua một lượng lớn tiền mặt, khiến mở rộng cung tiền.

Cần có sự linh hoạt hơn trong tỷ giá hối đoái và lãi suất, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước có thể phản ứng linh hoạt hơn. Nhờ đó, ngay cả khi thị trường có biến động, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái, tỷ giá có một khoảng dịch chuyển phù hợp mà Ngân hàng Nhà nước không bắt buộc phải có sự can thiệp.

Trên thực tế, có một khoảng trống giữa thực thi chính sách tiền tệ và tác động đối với lạm phát. Đối với Việt Nam, độ trễ của chính sách tiền tệ khoảng 15-18 tháng. Do đó, một chính sách đúng đắn và áp dụng sớm là đòi hỏi cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng.

 



Theo VNN
Báo cáo phân tích thị trường